Đại gia BĐS đổ về Miền Trung, cuộc đua mở sân golf bám mặt biển
- 07:04 12-11-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
“Nở rộ” sân golf ở Bắc Trung Bộ
Trải dài theo bãi biển dọc các tỉnh bắc miền Trung, những điểm đến quen thuộc như Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An), Xuân Thành (Hà Tĩnh) Đồng Hới (Quảng Bình), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế)… đã và đang chứng kiến cuộc “đổ bộ” của hàng loạt nhà đầu tư với các quần thể nghỉ dưỡng, sân golf tầm cỡ.
Tại Thanh Hoá, xác định phân khúc này hứa hẹn nhiều tiềm năng từ năm 2014, Tập đoàn FLC đánh dấu một bước ngoặt cho “phong trào” thể thao gắn với nghĩ dưỡng cao cấp khi đầu tư hơn 12.088 tỷ đồng xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái (gồm sân golf 18 hố, khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp FLC Luxury Resort Samson, bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam…) trên diện tích gần 300ha thuộc địa phận thị xã Sầm Sơn.
Tiếp sau FLC, một ông lớn khác trong lĩnh vực bất động sản là Tập đoàn BRG (Hà Nội) đã thể hiện “tham vọng” làm sân golf tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Dự án mà BRG đề xuất UBND tỉnh Thanh Hoá đầu tư là đất khoảng 72,56 ha. Dự án có tổng chi phí đầu tư khoảng 1.636 tỷ đồng bao gồm sân golf 18 lỗ; khu vực đất biệt thự nghỉ dưỡng...
Ngoài 2 dự án sân golf trên, theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Thanh Hoá đã được Chỉnh phủ phê duyệt thì giai đoạn này tỉnh Thanh Hoá sẽ phát triển thêm 13 sân golf gắn liền với các khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn...
Tại Nghệ An, Công ty Cổ phần Golf Biển Cửa Lò đã đầu tư xây dựng dự án The Golf Village Cửa Lò trên diện tích 133ha tại bãi biển Cửa Lò. Đây là quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trong đó sân gold Cửa Lò có quy mô 18 hố.
Để phấn đấu 100% các khu du lịch có trung tâm vui chơi, giải trí. Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 tỉnh Nghệ An dự kiếm sẽ thu hút đầu tư xây dựng thêm 9 sân golf. Theo đó, đối với giai đoạn 2021-2030, địa phương vẫn giữ và tiếp tục hoàn thành các dự án sân golf tại Nghệ An: Sân golf Mường Thanh, Diễn Châu (Mường Thanh, hoạt động 2019), sân golf Cửa Lò, Nghi Hương, TX. Cửa Lò (2011) và sân golf FLC, Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc) và thêm 2 dự án sân golf mới: Khu sân golf Diễn Trung, Diễn Châu, khu sân golf và nghỉ dưỡng tại xã Quỳnh Trang (TX. Hoàng Mai) và khu vui chơi giải trí Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu.
Dự kiến đến giai đoạn 2030- 2050 bổ sung thêm khu sân golf: Nghi Yên, Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc và phấn đấu đến thời gian đó, 100% các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ có trung tâm vui chơi, giải trí.
Tại Hà Tĩnh, năm 2019, Tập đoàn Vabis cũng đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng quần thể sân golf nghỉ dưỡng trên diện tích hơn 121ha tại bãi biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân. Với tên gọi Hoa Tiên PARADISE, Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành – Vabis Group đã xây dựng một sân golf 18 hố với diện tích khoảng 100ha.
Ngoài ra, trong quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, Hà Tĩnh sẽ có thêm 6 dự án sân golf đi kèm dịch vụ khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng tại địa phương sẽ được đầu tư. Cụ thể, dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và sân golf Kỳ Nam tại Thị xã Kỳ Anh; dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và sân golf tại thị trấn Thiên Cầm; dự tổ hợp khu đô thị, du lịch và sân golf tại Cẩm Dương thuộc huyện Cẩm Xuyên; dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và thể thao tại TP. Hà Tĩnh; dự án tổ hợp khu đô thị, du lịch và sân golf quốc tế Thịnh Lộc thuộc huyện Lộc Hà; dự án khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía tây nam của huyện Thạch Hà.
Tương tự, tại Quảng Bình hiện có 2 dự án sân golf đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế là dự án Sân golf FLC Quảng Bình thuộc Tập đoàn FLC đầu tư. Dự án được triển khai trên diện tích 1.000ha thuộc địa phận xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và dự án sân golf 36 lỗ Bảo Ninh của Tập đoàn Trường Thịnh đã được đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 165,74ha với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng.
Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch và phương án phân bổ đất đai đến năm 2030, Quảng Bình đã đặt ra mục tiêu phát triển thêm 2 sân golf tại huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh. Đến năm 2030, Quảng Bình sẽ có 4 sân golf phục vụ khách trong nước và quốc tế...
Các địa phương khác ở Bắc Trung Bộ là tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế cũng đã và đang quy hoạch phát triển hệ thống sân golf đi kèm dịch vụ khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng tại địa phương. Một trong những dự án lớn phải kể kể đến là dự án sân golf quốc tế Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng mức đầu tư hơn 3.164 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Sân golf BRG đầu tư với quy mô sử dụng đất hơn 127,68ha. Ngoài ra còn có dự án tổ hợp du lịch - dịch vụ - đô thị và sân golf tại khu vực xung quanh hồ Nghĩa Hy thuộc khu vực xã Cam Thành, thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị với quy mô hơn 614ha cũng đang được Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư…
Xu hướng bất động sản gắn với sân golf
Không chỉ thu hút những người đam mê chơi golf mà những nhà đầu tư nhanh nhạy cũng mong muốn sở hữu loại hình bất động sản này bởi tính khan hiếm cùng tiềm năng sinh lời vượt trội theo thời gian của những ngôi nhà trong sân golf mang lại. Hiện mô hình biệt thự nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn trên thị trường bất động sản với các nhà đầu tư.
|
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch tập đoàn Vabis cho rằng, đơn vị lựa chọn phát triển phân khúc bất động sản sân golf vì nhận thấy tiềm năng còn rấ́t lớn nhưng chưa được khai thác đúng tầm ở Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung. Các bãi biển Hà miền Trung nói chung và Bãi biển Hà Tĩnh nói riêng là đẹp. “Quỹ đất bãi biển Xuân Thành – Hà Tĩnh đang quỹ đất lớn, lại là trung tâm kết nối với các tỉnh phía Bắc vào, phía Nam ra nên ông quyết định đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng vào dự án xây dựng sân golf gắn liền với biệt thự nghỉ dưỡng để kinh doanh lâu dài...”
Những năm qua, nhắc đến mảng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf tại các tỉnh Bắc Trung Bộ thì không thể không nhắc đến các công ty lớn như: Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn T&T; Ecopak, FLC… Hiện nay, FLC đang sở hữu hệ thống 29 sân golf hoạt động trên cả nước, bao gồm FLC Ha Long Golf Club, FLC Sam Son Golf Links, FLC Quy Nhon Golf Links. Tập đoàn Vingroup đang đầu tư hệ thống Vinpearl Golf tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Nhận định về xu hướng đầu tư sân golf gắn liền với bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Trọng Hiếu - một chuyên gia đầu tư sân golf tại Hà Tĩnh, cho rằng bất động sản sân golf từ lâu đã trở thành một hạng mục ưa thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đối tượng mà các nhà đầu tư hướng tới là khách hàng trung, cao cấp. Tại Việt Nam, “cơn khát” bất động sản sân golf bắt đầu mạnh lên trong vài năm trở lại đây, nhất là đối với những dự án biệt thự sân golf có đầy đủ tiện ích, đáp ứng trúng nhu cầu nghỉ dưỡng của những “golf thủ” muốn lưu trú dài ngày. Hiện nay, các dự án khu đô thị đơn thuần khó lòng phát triển được tiện ích sân golf, do loại hình này đòi hỏi đầu tư bài bản cấp độ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe. Vì vậy, phân khúc này vẫn còn nhiều dư định cho các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.
Theo giới đầu tư, phân khúc bất động sản sân golf không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư. Từ trước đến nay tại Việt Nam chỉ có một số đại gia bất động sản với tiềm lực tài chính mạnh, có quỹ đất lớn và kinh nghiệm lâu năm trên thương trường mới có thể “chinh phục” dòng sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp sân golf như là chiến lược đầu tư lâu dài vừa gia tăng giá trị, vừa khẳng định thương hiệu, đẳng cấp trên thương trường.
Tác giả: Văn Tuân
Nguồn tin: vietnamfinance.vn