Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Gia đình nói gì về tâm thư “không bao giờ tới trường nữa” của nữ sinh lớp 8?

Trước những ý kiến trái chiều quanh việc nữ sinh lớp 8 đăng tâm thư xin phép "sẽ không bao giờ cắp sách đến trường nữa", người nhà đã lên tiếng.

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một bài viết của một nữ sinh lớp 8 ở TP.Hồ Chí Minh đăng "tâm thư" khá dài trên Facebook, cho rằng nhà trường không công bằng trong xử lý kỷ luật khi xích mích với bạn và xin phép "sẽ không bao giờ cắp sách đến trường nữa".

Cụ thể, nội dung nữ sinh này đăng trên Facebook như sau:

"Em là học sinh lớp 8A5, Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ. Em viết bài này vào ngày 31/10.

Ngày 27/10, em và bạn M. lớp 8A5 xảy ra tranh cãi tại trường vì bạn làm những hành động rất khó nhìn với em. Em lại hỏi bạn thì bạn bắt đầu làm những hành động có chủ ý bạo lực vào phần lưng em. Lúc đó em đi với bạn N. cùng lớp và bạn ấy đã đứng ra bênh em.

Tới ngày 30/10, cả nhà bạn M. đến nhà em và có những biểu hiện xô xát, đe dọa em trước mặt mọi người. Em rất sợ hãi vì nhà bạn rất đông còn nhà em chỉ có ông bà lớn tuổi.

Mẹ bạn M. đã dùng rất nhiều từ ngữ không đúng đắn để chửi và hăm dọa em rất nhiều, kèm theo đó là những câu từ sai sự thật. Sau đó, mẹ bạn M. tiến lại gần và tác động lên phần mặt của em.

Qua ngày 31/10, em và bạn M. cùng giáo viên nhà trường có giải quyết vụ việc này. Theo em thấy, cô giải quyết khá thô sơ, không được công bằng cho em.

Vì vụ việc đó, em đã bị nhà trường đuổi học 7 ngày và cũng rất bức xúc vì không hề biết lý do là gì. Còn bạn M. thì không bị nhận bất cứ hình phạt gì từ nhà trường.

Đoạn ghi âm và camera trích xuất tại nhà em cũng đã có. Em mong nhà trường có thêm đoạn camera manh mối thì hãy tiến hành điều tra vụ việc này... Em mong được đứng trước trường để phát biểu lời xin lỗi và sau đó, em xin phép sẽ không bao giờ cắp sách đến trường nữa".

 Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ - nơi xảy ra vụ việc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Luận - ông ngoại của nữ sinh H.N.B.T. cho biết, sau khi có xích mích giữa T. và bạn cùng lớp, nhà trường đã mời gia đình lên làm việc và gia đình đồng ý với hướng xử lý đó.

"Nhà trường đã kỷ luật T. bằng hình thức tạm dừng học tập 7 ngày và giáo viên cũng mang đến sách vở, tài liệu để cho T. học tại nhà" - ông Luận cho hay.

Cũng theo ông Luận, em T. mới 13-14 tuổi, cái tuổi còn nông nổi, non dại. Tôi sẽ cố gắng phân tích cho cháu hiểu.

Ông ngoại của T. gửi lời xin lỗi tới nhà trường, thầy cô và gia đình học sinh M. và mong vụ việc được khép lại để T. bình tâm lại và không bị ảnh hưởng đến tinh thần học tập.

Trước đó, thông tin về việc này, cô Lê Thị Tuyết Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ (Quận 12, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, sáng 1/11, hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp và ra quyết định tạm đình chỉ học tập 7 ngày với nữ sinh H.N.B.T.

Đồng thời, các thầy cô giáo sẽ hỗ trợ T. để nữ sinh có thể học bài ở nhà mà không mất kiến thức. Nhà trường đã phân công giáo viên đến nhà T. giao bài, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của nữ sinh về các nội dung bài học. Ngoài ra, các thầy cô cũng sẽ động viên, chia sẻ với T., giúp nữ sinh này giải tỏa những tâm tư, khúc mắc trong lòng, nếu có.

Bà Nhung thông tin thêm, trước đó, sau sự việc gây gổ của 2 học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A5 đã làm việc với hai học sinh, hòa giải, đồng thời phân tích đúng sai. Hai học sinh đã nhận lỗi, cam kết không để xảy ra sự việc tương tự.

Tuy nhiên, sau đó, T. lại khiêu khích M. Tối 30/10, phụ huynh của em M. sang nhà em T. và xảy ra chuyện giữa hai bên.

Bà Nhung thông tin: "Từ đầu năm học đến nay, em T. đã phạm lỗi rất nhiều lần. Em M. thì vi phạm lần đầu nhưng cũng đã bị xử lý theo quy định".

Nên hình thành văn hóa học đường

Thời gian qua, đã xảy ra liên tiếp các vụ bạo lực học đường. Chia sẻ về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra nhưng gần đây, một số vụ việc mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, một phần do tác động của phim ảnh, mạng xã hội không lành mạnh.

Theo đó, ông Vinh cho rằng, để giải quyết vấn nạn này cần phải xây dựng văn hóa học đường. Ngoài thời gian ở nhà, nhận sự giáo dục của gia đình, phần lớn trẻ nhận sự giáo dục của nhà trường, nên việc hình thành văn hóa học đường là giải pháp quan trọng.

Ông Vinh cũng nhận định việc này cần làm lâu dài chứ không thể “một sớm một chiều” có thể nhìn thấy kết quả ngay. Hoàn cảnh gia đình mỗi trẻ khác nhau nên rất cần giáo dục gia đình. Trong xã hội hiện đại, giáo dục trong gia đình chưa đủ thì vai trò của giáo dục trong nhà trường rất quan trọng. Tuy nhiên, các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình cũng cần hài hoà, đảm bảo đủ sức răn đe, nhưng cũng cần tránh ảnh hưởng đến tâm lý của các em.

Tác giả: Ngọc Linh

Nguồn tin: Báo Công thương