Báo quốc tế gợi ý đến Việt Nam trải nghiệm các lễ hội địa phương đặc sắc
- 13:59 01-11-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo trang Outlook Traveller, khi nghĩ đến Việt Nam, những bãi biển đẹp và di sản ẩm thực đặc sắc là một trong những điều đầu tiên trong suy nghĩ của du khách. Một hình thức trải nghiệm khác được bổ sung vào danh sách các điểm tham quan đa dạng của đất nước là các lễ hội văn hóa địa phương.
Lễ hội ở Việt Nam mang đến cái nhìn hấp dẫn về di sản phong phú của đất nước. Ảnh: Shutterstock |
"Việt Nam, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử bởi nhiều lễ kỷ niệm độc đáo trong suốt cả năm. Những lễ hội văn hóa đang mang đến cái nhìn hấp dẫn về di sản phong phú của đất nước, kết hợp các nghi lễ, âm nhạc và lễ kỷ niệm cộng đồng sôi động", tác giả bài viết Antaraa Chatterjee viết.
Từ những ngọn đồi ở Bắc Ninh đến đồng bằng sông Cửu Long, các lễ hội của Việt Nam phản ánh nền văn hóa và di sản đa dạng khác nhau của đất nước. Lên kế hoạch cho chuyến đi vào những dịp lễ hội độc đáo này sẽ giúp du khách nắm bắt được những màu sắc, truyền thống và trải nghiệm thú vị.
Lễ hội Lim Bắc Ninh
Theo trang Outlook Traveller, vào tháng 2, lễ hội Lim ở tỉnh Bắc Ninh, mở đầu lịch lễ hội của người Việt vào mùa xuân.
Lễ hội Lim Bắc Ninh. Ảnh: Shutterstock |
Gợi đến nét đặc trưng của nền văn hóa độc đáo ở đồng bằng sông Hồng, lễ hội Lim kéo dài 3 ngày sẽ mang đến những điệu hát quan họ đặc trưng vùng miền Bắc Ninh.Trong trang phục truyền thống, liền anh liền chị sẽ dạo chơi trên thuyền rồng, hát những bài dân ca quan họ gợi lên chủ đề về tình yêu, nỗi khao khát và vẻ đẹp của thiên nhiên.
"Vào dịp này, du khách có thể hòa mình vào tinh thần vui vẻ của lễ hội khi người dân địa phương trong trang phục truyền thống rực rỡ để tham gia nhiều trò chơi khác nhau và tiếng hát đồng ca vang vọng", tác giả viết.
Hội Lim là một lễ hội truyền thống chắc chắn những người yêu thích du lịch hay cả những người yêu nét đẹp văn hóa dân tộc cũng nên trải nghiệm. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật.
Lễ hội cầu mưa
Từ tháng 4 đến tháng 5, lễ hội cầu mưa sẽ diễn ra ở thung lũng Mai Châu xinh đẹp của người dân tộc Thái, một nhóm dân tộc thiểu số địa phương.
Nghi lễ này nhằm mục đích gọi mưa, được cho là mang lại sự thịnh vượng cho mùa màng. Khắp làng, các bài hát và lễ vật sẽ vang lên, tạo nên bầu không khí tượng trưng cho niềm hy vọng của cộng đồng về một mùa màng bội thu.
Tết Trung thu
Tết trung thu. Ảnh: Shutterstock |
Được tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10, Tết Trung thu sẽ trang trí bằng đồ chơi, đèn lồng giấy và mặt nạ. Các hoạt đông trong lễ hội sẽ bao gồm múa sư tử, rước đèn lồng, ngắm trăng và thưởng thức các món ngọt.
Đặc biệt, phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Tết Trung thu sẽ là gợi ý điểm đến tuyệt vời vào ngày hội trăng rằm. Cứ mỗi dịp lễ hội đèn lồng Hội An thắp sáng, phổ cổ Hội An sẽ mang đến bầu không khí thơ mộng với hàng nghìn chiếc đèn lồng tỏa ánh sáng dịu nhẹ, ấm áp.
Là hiện thân của truyền thống và tâm linh, lễ hội đèn lồng tượng trưng cho hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc khi người dân địa phương tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Du khách có thể tham gia các xưởng làm đèn lồng, thưởng thức âm nhạc truyền thống và các món ngon địa phương từ các quán ăn đường phố.
Lễ hội Ok Om Bok
Đầu tháng 12, lễ hội Ok Om Bok ở tỉnh Sóc Trăng sẽ mang đến cái nhìn đặc sắc về văn hóa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Đừng bỏ lỡ các hoạt động sôi động thể hiện nền văn hóa phong phú của người dân địa phương.
Lễ hội Ok Om Bok còn gọi là lễ cúng trăng, một lễ hội dân gian lớn trong năm của người Khmer tổ chức khi kết thúc vụ mùa, để bày tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng - vị thần theo tín ngưỡng của người Khmer đã giúp bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi, no ấm cho người dân ở phum, sóc.
Lễ hội bao gồm các nghi lễ tạ ơn thần mặt trăng, tiệc tùng, ca hát sôi động và cuộc đua thuyền gay cấn thu hút hàng nghìn du khách ghé thăm vào dịp lễ kỷ hội.
Khi du khách khám phá những lễ kỷ niệm độc đáo này sẽ là cơ hội để trải nghiệm bản sắc địa phương trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Mỗi lễ hội mở ra một câu chuyện độc đáo, mang lại trải nghiệm khó quên và hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa phong phú của đất nước.
"Là những du khách có trách nhiệm, hãy ghi nhớ tầm quan trọng của việc tôn trọng văn hóa địa phương và tham gia các lễ hội mà không cản trở môi trường và truyền thống địa phương", tác giả viết./.
Tác giả: Hồng Nhung
Nguồn tin: Báo Tổ quốc