“Thực lực” Đại học Hà Tĩnh trước thời điểm “gia nhập” ĐHQG Hà Nội
- 10:24 24-10-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh và ĐHQG Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2023-2027, trong đó có nội dung xây dựng và phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh. Theo thỏa thuận hợp tác này, ĐHQG Hà Nội sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng Đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành trường đại học thành viên của ĐHQG Hà Nội để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong thời gian sớm nhất. ĐHQG Hà Nội sẽ hỗ trợ Đại học Hà Tĩnh về các lĩnh vực xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo; xây dựng bài giảng và giáo trình, ứng dụng công nghệ dạy học mới; xây dựng định hướng, chiến lược phát triển; tư vấn mở các ngành đào tạo mới; trao đổi giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên… Từ tháng 5/2023, hai đơn vị cũng đã thành lập tổ công tác chung để xây dựng Đề án phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành trường đại học thành viên của ĐHQG Hà Nội.
Cơ sở chính của Trường Đại học Hà Tĩnh hiện có diện tích gần 80ha nhưng phần lớn đang bỏ hoang, lãng phí.. |
Ngày 19/3/2007, Trường Đại học Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp Trường CĐSP Hà Tĩnh, Phân hiệu Trường Đại học Vinh tại Hà Tĩnh và Trường Trung cấp Kinh tế Hà Tĩnh. Đến năm 2013, Đại học Hà Tĩnh sáp nhập thêm Trường Trung cấp kỹ thuật NN&PTNN Hà Tĩnh để quy hoạch trở thành thành phố đại học cho tầm nhìn tương lai. Hiện, trường có 4 cơ sở, trong đó 2 cơ sở đang hoạt động tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh và xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, hai cơ sở khác không hoạt động. Khi mới thành lập, trường có 31 đơn vị trực thuộc nhưng trong quá trình phát triển, do quy mô đào tạo thay đổi, cơ cấu tổ chức bộ máy đã được điều chỉnh giảm xuống, đến năm 2023 đã xây dựng đề án sắp xếp và tinh giản bộ máy xuống còn 17 đơn vị.
Từ năm 2016, trong bối cảnh nhiều trường tiểu học, THCS tại Hà Tĩnh phải sáp nhập vì thiếu học sinh thì Đại học Hà Tĩnh đã xin thành lập hệ thống đào tạo liên cấp gồm mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đến nay, hệ thống đào tạo này có tất cả 880 học sinh đang theo học tại cơ sở cũ ở phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh. Toàn trường hiện có 298 cán bộ, giảng viên và nhân viên, trong đó 172 giảng viên. Trường hiện đang đào tạo 23 mã ngành đại học và 1 mã ngành cao đẳng là giáo dục mầm non, thuộc các lĩnh vực: đào tạo giáo viên, nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, kinh doanh và quản lý, du lịch, pháp luật, khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thuỷ sản, thú y.
Những năm qua, công tác tuyển sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn, nhiều mã ngành không đủ chỉ tiêu. Đặc biệt, số lượng tuyển sinh 2 năm trở lại đây bị sụt giảm do hạn chế về chỉ tiêu tuyển sinh của khối sư phạm. Nếu như năm học 2010 - 2011 tỷ lệ tuyển sinh đạt trung bình 82% với quy mô 8.082 sinh viên thì bước vào năm học 2022 - 2023 tỷ lệ này giảm xuống còn 54% với 1.700 sinh viên. Bù lại, trong nhiều năm trở lại đây, Đại học Hà Tĩnh thu hút được số lượng sinh viên Lào theo học rất đông, trở thành cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào lớn nhất trong cả nước.
Nhiều hạng mục chưa được đầu tư xây dựng khiến Đại học Hà Tĩnh nhìn nhếch nhác, xập xệ. |
Cơ sở chính của trường hiện nằm trên địa bàn xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên với hệ thống Nhà hiệu bộ 15 tầng, 6 kí túc xá cao 5 tầng có sức chứa 3.100 sinh viên; 3 nhà giảng đường, Trung tâm Thông tin - Thư viện… được xây dựng đồng bộ từ năm 2016. Riêng cơ sở tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh hiện chỉ dành cho khối đào tạo liên cấp từ mầm non đến THPT, hiện cơ sở vật chất đã cũ kĩ, xuống cấp.
Ngoài ra, Đại học Hà Tĩnh còn được UBND tỉnh cấp đất tại 2 cơ sở khác thuộc phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh và thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân. Các cơ sở này từ nhiều năm trở lại đây gần như bỏ hoang, không hoạt động vào bất cứ mục đích giáo dục, đào tạo nào. Cũng liên quan đến cơ sở vật chất, trong số 4 cơ sở có diện tích gần 100ha thì cơ sở chính tại xã Cẩm Vịnh có diện tích lớn nhất với gần 80ha, đầu tư đồng bộ nhưng không sử dụng hết công năng. Nhiều khu kí túc xá trong khuôn viên nhà trường, trong đó 2 dãy nhà ký túc xá B1 và B2 hiện không dùng đến, bỏ hoang, rêu phủ; các tòa nhà khác cũng rất ít sinh viên, chủ yếu là sinh viên Lào. Cùng với đó, trong khuôn viên nhà trường hiện đang sử dụng đất sai mục đích như trồng keo, trồng lúa, đào ao thả cá, làm trại nuôi gà. Nhiều hạng mục được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng vì thiếu kinh phí.
Báo cáo với UBND tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo Trường Đại học Hà Tĩnh thừa nhận, hiện nay trường có rất nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như đội ngũ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư còn thiếu về số lượng, cơ cấu và có xu hướng già hóa (đến năm 2023 nhà trường không còn giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư làm công tác giảng dạy tại trường); trình độ ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng của đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đồng đều và đang ở mức thấp. Ngành đào tạo hiện có mang tính truyền thống chưa hấp dẫn người học, chưa có mã ngành đào tạo thạc sĩ; tuyển sinh hằng năm chưa đạt chỉ tiêu. Cơ sở hạ tầng đầu tư chưa được đồng bộ, nhiều hạng mục cần thiết vẫn chưa được đầu tư triển khai xây dựng như hàng rào bao quanh, khu liên hợp thể thao, khu nhà thực hành… Riêng cơ sở của nhà trường tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Trong khi đó, cơ sở tại phường Thạch Quý cũng không còn sử dụng vào mục đích đào tạo từ nhiều năm qua.
Hiện tại, Trường Đại học Hà Tĩnh chỉ có 7 khoa, 2 bộ môn với gần 3.000 sinh viên, học viên theo học gồm các hệ chính quy, vừa học vừa làm, liên thông và văn bằng chứng chỉ. Từ năm 2022, Trường Đại học Hà Tĩnh thực hiện tự chủ về tài chính với mức độ tự chủ là 35% chi thường xuyên, con số này tăng lên 40% trong năm 2023. Do nguồn thu chưa đa dạng và có xu hướng giảm nên nguồn chi tập trung chủ yếu từ ngân sách nhà nước và chỉ đủ chi cơ bản.
Tác giả: Thiên Thảo
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân