HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội
- 12:58 23-10-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện.
Quang cảnh buổi làm việc |
Các cơ chế, chính sách đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Tính đến tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành 25 Nghị quyết về cơ chế, chính sách đang còn hiệu lực thi hành bao trùm các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Các nghị quyết được ban hành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của pháp luật. Trong phạm vi giám sát, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn 11 Nghị quyết để tiến hành giám sát.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung báo cáo dự thảo giám sát |
Về cơ bản, UBND các cấp đã tổ chức tuyên truyền, thông báo nội dung các cơ chế, chính sách đến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng được thụ hưởng chính sách bằng nhiều hình thức khác nhau. Các cấp, các ngành đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách trên địa bàn toàn tỉnh; các Sở, ngành được phân công chủ trì thực hiện việc theo dõi, tổng hợp đầy đủ nguồn kinh phí bố trí thực hiện cũng như tình hình triển khai, kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo của Sở Tài chính, tổng nguồn kinh phí thực hiện năm 2021, 2022 và dự kiến thực hiện năm 2023 là 1.602.128 triệu đồng. Việc phân bổ nguồn kinh phí thực hiện các nghị quyết khá kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Công tác tổng hợp đối tượng đề nghị cấp kinh phí, bố trí cấp phát nguồn kinh phí thực hiện các nghị quyết đến các đối tượng khá kịp thời; công tác quản lý tài chính nhìn chung được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng trình tự thủ tục. Qua giám sát trực tiếp, cũng như giám sát qua báo cáo, từ thời điểm ban hành Nghị quyết đến nay, các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện chưa nhận được đơn thư, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết.
Nhìn chung, các nghị quyết về cơ chế, chính sách được ban hành đã có những tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua. Các cơ chế, chính sách được triển khai thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là Nghị quyết 18 về lĩnh vực hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương: huyện Đô Lương, thị xã Thái Hòa, thị xã Cửa Lò đã góp phần tạo điều kiện cho các huyện, thị xã thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng trọng điểm, cải tạo kiến trúc cảnh quan, quy hoạch, quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị; công tác xây dựng văn minh đô thị và nông thôn mới được đẩy mạnh…
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện một số cơ chế, chính sách vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; việc phổ biến nội dung cơ chế, chính sách của nghị quyết chưa mang tính tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cùng nghiên cứu, tham gia để thực hiện chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết còn có hạn chế, một số địa phương không bao quát được đầy đủ các cơ chế, chính sách trên địa bàn, dẫn tới tình trạng chính sách được triển khai thực hiện có cấp kinh phí nhưng địa phương không báo cáo đầy đủ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh phân tích nguyên nhân một số chính sách ngành nông nghiệp không thể thực hiện được |
Công tác lập dự toán của một số địa phương, đơn vị chưa sát với nhu cầu thực tế và gặp một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nên còn có sự chênh lệch giữa kinh phí được cấp và kinh phí thực hiện; còn có nội dung thiếu, nội dung thừa kinh phí; một số chính sách mặc dù đã đăng ký nhu cầu, đã được cấp kinh phí tuy nhiên không triển khai thực hiện được như ở Nghị quyết số 18 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, một số chính sách không thực hiện được như chính sách hỗ trợ trang trại xây dựng công trình nước thải, ao lắng, chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi lợn, gà; chính sách hỗ trợ khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách hỗ trợ chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản…
Công tác theo dõi, đôn đốc, rà soát việc thực hiện các nghị quyết chưa thường xuyên và chưa kịp thời, trong quá trình thực hiện thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của UBND huyện, cũng như sự phối hợp giữa các Sở, địa phương trong việc cập nhật số liệu, kinh phí thực hiện từng cơ chế, chính sách trên địa bàn, vẫn còn sự chênh lệch số liệu giữa các sở, ngành và đơn vị cấp huyện. Việc phân cấp quản lý thực hiện một số cơ chế, chính sách ban hành theo các nghị quyết chưa đồng bộ, chưa phù hợp với mục tiêu hướng đến đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân và doanh nghiệp…
Cân đối nguồn lực trong xây dựng các cơ chế, chính sách
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An phát biểu |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc rà soát các Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành về cơ chế, chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng; qua đó bãi bỏ, sửa đổi bổ sung các chính sách không còn phù hợp. Thời gian qua, các Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành về cơ chế, chính sách đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết đang còn nhiều tồn tại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát; đồng thời rà soát lại các chính sách đang thực hiện, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bãi bỏ các chính sách không phù hợp.
Việc ban hành các cơ chế, chính sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đề nghị cần quan tâm các nội dung: Xây dựng và triển khai; kiểm tra giám sát; tổ chức sơ, tổng kết.
Theo đó, tư duy xây dựng chính sách phải tránh tư duy cục bộ, ngành, địa phương; xác định thứ tự ưu tiên, mục tiêu, chỉ tiêu; chính sách phải đi đôi với cuộc sống… Các Nghị quyết được ban hành phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 -2025, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh... Bên cạnh đó, cân đối nhiều nguồn lực để thực hiện chính sách. Việc thực hiện chính sách phải bám sát vào dự toán ngân sách.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo hồ sơ thủ tục, quyết toán các chính sách. Việc ban hành chính sách cần ban hành kèm theo hồ sơ thủ tục hướng dẫn dự án để tránh tình trạng lạm dụng và sai phạm trong thực hiện chính sách; đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát của các cơ quan chuyên môn; tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá chính sách…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình kết luận |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đã điểm lại kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế thông qua việc tổ chức thực hiện giám sát 11 Nghị quyết.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thì việc xây dựng chính sách cần làm từ 2 phía “1 phía là nhu cầu, 1 phía là tổng hợp nguồn lực” để tránh trường hợp bố trí nguồn lực không đủ, thừa thiếu cục bộ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND tỉnh tiến hành rà soát lại các Nghị quyết đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh được ban hành trong các nhiệm kỳ HĐND tỉnh trước; rà soát lại các Nghị quyết đang được HĐND tỉnh thực hiện giám sát; các Nghị quyết đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ nhưng chưa được giám sát.
Thông qua giám sát, UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh tiến hành nghiên cứu để bãi bỏ, tạm dừng các cơ chế không còn phù hợp, không có giá trị, không tác động đến đời sống – xã hội.
Đối với việc xây dựng các các cơ chế chính sách được ban hành cần phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tránh manh mún. Quan tâm đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán nguồn lực để xây dựng các cơ chế, chính sách. Đồng thời rà soát lại kế hoạch và hướng dẫn tổ chức thực hiện các Nghị quyết; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu Đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn