Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Làm thế nào chặn đà suy thoái của bóng đá nữ Việt Nam?

Với vị thế của đội bóng vừa dự World Cup 2023 như tuyển nữ Việt Nam thì việc dừng chân từ vòng bảng ASIAD 19 có thể xem là thất bại nặng nề.

 Trận Hà Nội (bên trái) gặp đội TPHCM trong khuôn khổ giải bóng đá nữ VĐQG 2022. Ảnh: INT.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung bị loại sớm ở sân chơi châu lục không phải là bất ngờ và có lẽ điều đó rất cần thiết cho bóng đá nữ Việt Nam.

Lời cảnh tỉnh sau World Cup

Thất bại nặng nề 0-7 trước đội tuyển Nhật Bản ở lượt cuối đã khiến đội tuyển nữ Việt Nam đứng thứ nhì bảng D. Theo Điều lệ môn bóng đá nữ, 5 đội nhất bảng và 3 đội nhì bảng có thành tích cao nhất được vào tứ kết.

Ở bảng C, sau khi Campuchia rút lui, chỉ còn đội tuyển nữ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Singapore. Vì thế, bảng này chỉ có 1 suất đi tiếp dành cho đội đầu bảng.

Ngoài ra, do có bảng 3 đội, kết quả đối đầu của các đội nhì bảng với đội cuối bảng không được tính khi so sánh với các đội nhì bảng khác. Ở tiêu chí này, nữ Việt Nam có cùng 3 điểm như các đội nhì bảng nhưng bị loại do hiệu số bàn thắng bại thấp nhất (-5), kém Uzbekistan (0), Thái Lan (0) và Philippines (+3).

Phát biểu sau trận thua Nhật Bản, huấn luyện viên Mai Đức Chung thừa nhận đội tuyển có nhiều vấn đề như lực lượng, thể lực và tinh thần.

“Chúng tôi thực sự chơi không tốt. Đội tuyển nữ Nhật Bản rất mạnh và họ giành chiến thắng với tỷ số đậm là xứng đáng. Tôi xác định trận đấu này rất khó khăn. Ban huấn luyện đã chuẩn bị sẵn phương án phòng ngự phản công, song hệ thống phòng ngự bộc lộ nhiều khoảng trống.

Một số cầu thủ không theo kèm được đối phương. Nhưng cũng phải thấy rằng, các tuyển thủ đã mất tập trung và vẫn còn ảnh hưởng của World Cup. Những trận thua Đức, Mỹ với tỷ số sát nút đã khiến các cầu thủ có phần ‘lên mây’. Đây là bài học cho các cầu thủ và trận thua này sẽ giúp chúng ta phát triển hơn trong tương lai”, ông Chung cho biết.

Bên cạnh đó, chiến lược gia họ Mai còn đề cập đến vấn đề nhân sự. Đội tuyển nữ Việt Nam bước vào ASIAD 19 không có được lực lượng tốt nhất, tiền đạo Huỳnh Như và trung vệ Chương Thị Kiều vắng mặt vì những lý do khác nhau.

Một số gương mặt trẻ được đẩy lên nhưng không đáp ứng được sự kỳ vọng khi cái bóng của những cầu thủ vắng mặt quá lớn. Đội tuyển nữ Việt Nam không còn thể hiện được sự sắc bén ở trận ra quân, chỉ thắng Nepal với tỷ số 2-0.

Việc các mảnh ghép không đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến lối chơi của đội nữ Việt Nam thường xuyên “đứt” và “gãy”, các bài phản công không còn hiệu quả như trận gặp đội nữ Nhật Bản.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung đã chờ Huỳnh Như đến phút cuối trước khi đóng danh sách tham dự ASIAD 19 nhưng đội bóng chủ quản Lank FC (Bồ Đào Nha) không nhả người. Vậy là, những toan tính chiến thuật và nhân sự của đội tuyển nữ Việt Nam đổ vỡ.

Cho dù nhiều phương án dự phòng đã được đặt ra thay thế, song không gương mặt nào đủ sức thay thế Huỳnh Như với vai trò kép, kiến tạo và săn bàn.

Thêm vào đó, chấn thương của Vũ Thị Hoa khiến ông Chung chỉ còn 2 tiền đạo thực thụ gồm Hải Yến và Thúy Hằng. Trong đó, Thúy Hằng chưa thể trở cầu nối giữa hàng tiền vệ và tiền đạo để mang đến nhiều phương án như vai trò của Huỳnh Như từng thể hiện.

Rõ ràng, so với đội hình đá World Cup, đội nữ Việt Nam đến Trung Quốc suy yếu về nhiều mặt.

 Huấn luyện viên Mai Đức Chung. Ảnh: INT.

Mặc dù vậy, tinh thần và cảm hứng chơi bóng vẫn được nhìn nhận là nguyên nhân hàng đầu khiến đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu kém cỏi tại ASIAD 19. Rất nhiều vị trí, kể cả những cầu thủ trụ cột thi đấu trong trạng thái khô cứng, thiếu quyết tâm và đây là hệ quả của quá trình tập luyện và thi đấu quá dài.

Đội tuyển nữ Việt Nam đã tập trung liên tục từ tháng 4, bắt đầu từ vòng sơ loại Olympic Paris 2024 và 6 tháng qua, các tuyển thủ luôn trong vòng quay tập luyện, tập huấn, giao hữu và thi đấu. Thế nên, rất khó đòi hỏi một tập thể vốn không đồng đều duy trì được sự ổn định. Bởi phong độ cầu thủ và đội bóng luôn có chu kỳ, có giai đoạn bùng nổ nhưng cũng có giai đoạn sa sút.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung biết rõ vấn đề mang tên phong độ. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ, trong vai trò thuyền trưởng, ông buộc phải có sự lựa chọn mặt trận mang tính chiến lược và đến giờ đội tuyển nữ Việt Nam đã thành công, với chức vô địch SEA Games 32 và màn trình diễn ấn tượng ở World Cup 2023.

Đội nữ Việt Nam đã được dự đoán sẽ rơi vào trạng thái “thả lỏng” sau sân chơi thế giới. Sự hiện diện của nhiều cầu thủ trẻ trong danh sách đi ASIAD 19 cũng là phương án sẵn sàng thay thế cho lứa đàn chị chinh chiến liên tục trong nửa năm qua.

Chỉ có điều, chất lượng lứa trẻ của bóng đá nữ Việt Nam không đáp ứng được kỳ vọng và ông Chung buộc phải sử dụng một đội hình xuất phát xuyên suốt 3 trận.

Trong khi đó, đúng ra trước những đối thủ yếu như Nepal hay Bangladesh, đội tuyển nữ Việt Nam có thể sử dụng đội hình 2 và để dành những gì tốt nhất cho trận gặp Nhật Bản.

Thế nên, một tập thể không đạt điểm rơi phong độ và mệt mỏi dễ dàng vỡ vụn trước Nhật Bản, đội bóng trong trận này cũng chỉ sử dụng đội hình 2. Từ đó cho thấy, lực lượng mỏng, chưa chủ động về chiến thuật cùng quá trình trẻ hoá tương đối chậm mới là nguyên nhân căn bản khiến đội tuyển nữ Việt Nam vừa dự World Cup nhưng không qua nổi vòng bảng ASIAD 19.

Đơn cử chỉ vắng một Huỳnh Như, sinh năm 1991 đã làm suy giảm đáng kể sức mạnh đội tuyển nữ Việt Nam. Đó là vấn đề của cả hệ thống.

 Đội tuyển nữ Việt Nam thất vọng sau trận thua đậm Nhật Bản ở ASIAD 19. Ảnh: INT.

Chặn đà suy thoái thế nào?

Chuyên gia Đoàn Minh Xương phát biểu, việc đội tuyển nữ Việt Nam bị loại sau vòng bảng mang đến cho ông chút ngạc nhiên. Tuy nhận định thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung thua Nhật Bản, nhưng ông không ngờ đội nhà thất bại với tỷ số đậm thế.

Theo ông Xương, trận nữ Việt Nam thua Nhật Bản cho thấy rõ khoảng cách rất lớn mang tính tầm nhìn, đẳng cấp. Nếu như đội nữ Việt Nam đến ASIAD 19 gần như là lực lượng đi World Cup thì bóng đá nữ Nhật Bản có sự khác biệt rất lớn về nhân sự cho sân chơi thế giới và châu lục.

Đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu vắt qua nhiều giải, sự mệt mỏi và suy giảm phong độ lẫn cảm giác chơi bóng của cầu thủ là điều không tránh khỏi.

Theo ông Xương, đã đến lúc chúng ta nhìn nhận nghiêm túc bài toán lực lượng và công tác đào tạo, phát triển sau khi đội tuyển nữ Việt Nam thất bại ở ASIAD 19, đồng thời chuyên gia này nhấn mạnh, chúng ta nên học tập mô hình của bóng đá Nhật Bản.

Tính hệ thống của họ rất cao, từ khâu đào tạo trẻ cho đến vận hành bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá Nhật Bản đã tiệm cận trình độ thế giới. Với bóng đá Việt Nam hiện nay, chúng ta đang thiếu tính hệ thống.

Như bóng đá nam, sau lứa Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Tuấn Anh… chúng ta hiện không có lứa U23 mạnh như trước, điều này phản ánh chân đế chưa vững vàng. Hơn nữa, lối chơi xuyên suốt của các đội tuyển Việt Nam là gì vẫn chưa có lời giải. Mỗi huấn luyện viên nắm đội ở từng giai đoạn luôn có triết lý của riêng mình. Đó là bất cập!

Trên thực tế, đội tuyển nữ Việt Nam đã chạm đến vinh quang khi giành suất tham dự World Cup 2023. Trên hành trình đáng tự hào ấy, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung còn đánh nhiều mốc son, chẳng hạn tấm Huy chương Vàng SEA Games 32 vừa qua là lần thứ 4 liên tiếp bóng đá nữ Việt Nam vô địch giải thể thao khu vực Đông Nam Á, hay vào tứ kết ASIAD 18.

Nhưng bóng đá nữ Việt Nam cũng không tránh khỏi quy luật tất yếu, sau đỉnh cao là vực sâu. Đội tuyển nữ Thái Lan là bài học quý. Bóng đá nữ xứ chùa Vàng đã giành vé dự 2 kỳ World Cup liên tiếp (2015 và 2019), và hiện vẫn ở giai đoạn thoái trào. Ở SEA Games 32, đội nữ Thái Lan đã thất bại nặng nề 2-4 trước Myanmar ở bán kết và chỉ giành được tấm Huy chương Đồng an ủi.

Để giải quyết bài toán chu kỳ lên-xuống thì vấn đề chuyển giao lực lượng là bước đi mang tính quyết định và đội tuyển nữ Việt Nam cũng đang đi tìm lời giải. Tuy nhiên, việc duy trì đỉnh cao bao lâu, hoặc ngược lại thời gian chặn đà suy thoái dài hay ngắn lại phụ thuộc vào chiến lược phát triển và định hướng của cả nền bóng đá.

Thất bại 0-7 trước đội nữ Nhật Bản và bị loại sớm ở ASIAD 19 khiến đội tuyển, đúng hơn bóng đá nữ Việt Nam phơi bày tất cả hạn chế của mình, những thứ vốn được nhận diện song đôi khi bị che mờ bởi thành tích như Huy chương Vàng SEA Games hay giành suất đi World Cup.

Và nếu không kịp thời nhìn nhận sự bất ổn để có lộ trình phát triển khoa học, kịp thời, bóng đá nữ Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu, khó có cơ hội để bắt kịp những mục mục tiêu lớn, như tham dự những kỳ World Cup tiếp theo, hay suất đi Olympic.

Trước thất bại của đội tuyển nữ Việt Nam tại ASIAD 19, một dấu hiệu khác báo động về chất lượng đào tạo trẻ của bóng đá nữ Việt Nam. Theo đó, đội tuyển U17 nữ Việt Nam thất bại ở vòng loại châu Á.

Đáng chú ý, dù có ưu thế sân nhà và quyền tự quyết, song U17 nữ Việt Nam thua 0-1 trước U17 nữ Philippines trong trận đấu quyết định và hụt vé tham dự vòng chung kết U17 châu Á.

Vấn đề đặt ra, thành phần nhân sự của U17 nữ đến từ vài trung tâm đào tạo bóng đá nữ, như Hà Nội, Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam và TPHCM, và đây cũng là cách vận hành của đội tuyển nữ Việt Nam trong những năm qua. Việc có quá ít địa phương tham gia làm bóng đá nữ, nên công tác đào tạo trẻ vẫn phụ thuộc vào may rủi hơn là sự chủ động về chiến lược.

Giải vô địch quốc gia vốn là nền tảng cho cả bóng đá nam và nữ, cũng như bất cứ nền bóng đá nào trên thế giới. Với bóng đá nữ Việt Nam, giải vô địch quốc gia vẫn quanh quẩn vài địa phương, thành phố nên cũng chỉ gói gọn trong vài ba tháng, theo thể thức lượt đi và về.

Việc các cầu thủ tập trung và thi đấu nhiều trong màu áo đội tuyển được ví như chúng ta chỉ chăm chút phần ngọn, có hương sắc và rực rỡ nhưng chỉ mang tính thời điểm, không bền vững và ổn định khi mà gốc rễ yếu. Trong khi đó, sự vươn lên của Philippines, Uzbekistan, hay sự trở lại của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cùng với nhóm “đại tỷ” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc thực sự đặt ra bài toán rất khó cho bóng đá nữ Việt Nam.

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, bóng đá nữ Việt Nam là số 1 Đông Nam Á nhưng bước ra sân chơi châu Á, thế giới vẫn còn khoảng cách rất xa và cần phải thay đổi rất nhiều mới hy vọng rút ngắn khoảng cách về chuyên môn. Bởi không phải lúc nào tinh thần và quyết tâm cũng bù đắp được cho vấn đề thể chất và trình độ.

Mỗi mùa bóng, giải vô địch quốc gia và Cúp Quốc gia chỉ có 5 địa phương góp mặt thì thật khó lòng phát triển. Vì chỉ có Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, khiến hai đội Hà Nội và TPHCM phải đăng ký thêm đội hình 2 để có thêm trận đấu cho các cầu thủ.

Ngoài giải pháp nâng tầm giải vô địch quốc gia, cả số lượng và chất lượng, theo ông Xương, những người có trách nhiệm phải đầu tư mạnh mẽ, có trọng điểm cho các cấp độ đội tuyển nữ để bảo đảm tính kế thừa, cùng với việc tập huấn, thi đấu ở nước ngoài thường xuyên.

Mặt khác, cũng cần tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài từ các cầu thủ Việt kiều hay chọn thầy giỏi cho các đội tuyển quốc gia. Đặc biệt, Cục TDTT cần sớm xây dựng chính sách phát triển bóng đá nữ, chọn một số địa phương có tiềm năng; phối hợp với Bộ GD&ĐT đưa bóng đá vào học đường.

Bóng đá nữ Việt Nam hiện thiếu chiến lược dài hạn sao cho phù hợp những đặc thù rất khác bóng đá nam, chưa có định hướng đào tạo cầu thủ, huấn luyện viên và nhà quản lý nữ chuyên biệt.

Và một vấn đề nữa, làm gì để giữ chân cầu thủ nữ theo nghề khi chế độ của họ chưa bảo đảm? Nếu không sớm giải quyết những vấn đề đặt ra một cách bài bản, bóng đá nữ Việt Nam sẽ còn trượt dài, nói gì đến chuyện nâng tầm.

Theo kế hoạch, ngày 8/10, đội tuyển nữ Việt Nam tập trung trở lại để chuẩn bị cho vòng loại thứ 2 Olympic Paris 2024.

Tại vòng loại này, nữ Việt Nam nằm tại bảng C cùng các đội bóng Nhật Bản, Uzbekistan và Ấn Độ, thi đấu tại Uzbekistan từ 25/10 - 1/11.

Các đội nhất bảng (trong 3 bảng) cùng 1 đội hạng nhì có thành tích tốt nhất lọt tiếp vào vòng 3. Tại đây, sẽ chia 2 cặp đấu với hai lượt sân nhà, sân khách các ngày 24 và 28/2/2024, 2 đội thắng giành suất chính thức dự Olympic 2024 của khu vực châu Á.

Tác giả: Thành Nam

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn