Nghệ An: Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực chuyển đổi số
- 21:30 08-10-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trụ sở UBND tỉnh Nghệ An. |
Theo số liệu thống kê, sau 1 năm triển khai, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành 14 Kế hoạch, 6 Quyết định triển khai các nội dung quan trọng về chuyển đổi số; Ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Kết quả rà soát theo mục tiêu đề ra đến năm 2025, đến nay đã hoàn thành 8/11 mục tiêu về chính quyền số, 2/6 mục tiêu về kinh tế số, 1/3 mục tiêu về xã hội số. Một số nhiệm vụ đã tiệm cận và hoàn thành kế hoạch đề ra. Đến nay, doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu quan tâm đến sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các nền tảng số. Các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin. Cơ bản các địa bàn đều đã được phủ sóng băng rộng di động.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2022 chỉ đứng 52/63 các tỉnh, thành phố, chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy đề ra. Nhận thức về chuyển đổi số ở một số Sở, ngành, địa phương chưa rõ ràng, chưa định hình được nội dung triển khai chuyển đổi số. Một số người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số. Một số văn bản hướng dẫn, cơ sở pháp lý về chuyển đổi số chưa được hoàn thiện, nhất là trong thu hút nguồn nhân lực. Cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng số tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, kinh phí chưa đủ nhu cầu. Hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý và điều hành ở một số ngành, địa phương chưa hoàn thiện để khai thác có hiệu quả. Kinh tế số còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong GRDP của tỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả cao nhất kế hoạch chuyển đổi số và mục tiêu theo Nghị quyết số 09 đề ra, trong thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương cần xác định rõ: Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số cần được triển khai kiên trì, thực chất, hiệu quả, không dàn trải, tránh lãng phí nguồn lực.
Về chính quyền số: Từng bước số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên chỉ đạo các ngành, lĩnh vực quan trọng có đóng góp lớn cho GRDP như: Công Thương, Du lịch, Nông nghiệp, logistic, Thông tin và Truyền thông…; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa; tập trung rà soát, bổ sung nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, có năng lực, kỹ năng thực hiện chuyển đổi số; tập trung phát triển xã hội số trước khi hình thành kinh tế số; đưa người dân tham gia vào các hoạt động của đời sống bằng các ứng dụng số; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và sự tham gia của doanh nghiệp vào kinh tế số.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, kiện toàn các quy chế, quy trình về quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức đánh giá một cách thực chất các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp thống nhất toàn tỉnh.
Giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. |
Thời gian tới, các cấp ngành tiếp tục bám sát các văn bản, chủ trương của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 09-NQ/TU và Kế hoạch số 586/KH-UBND; tiếp tục triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, truyền thông đa dạng các hoạt động, nhiệm vụ, ý nghĩa, kết quả về chuyển đổi số. Từng bước thực hiện số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng dữ liệu số bảo đảm tập trung, kết nối, liên thông, đưa vào vận hành kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh, kết nối liên thông các ngành, địa phương. Tập trung rà soát, bổ sung nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ về chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, các cửa hàng bán lẻ, hộ sản xuất kinh doanh và người dân. Hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số. Tăng cường triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, bản. Về an toàn thông tin mạng: Rà soát, kiện toàn các quy chế, quy trình về quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức đánh giá và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp thống nhất toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực chuyển đổi số. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao kết quả đánh giá Chuyển đổi số (DTI) theo Quyết định số 1082/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh.
Các địa phương tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, chỉ đạo triển khai phát sóng chuyên mục riêng về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Đồng thời, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, trong đó người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải là trưởng ban; tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương. Đối với các Sở, ngành, địa phương chưa ban hành Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn và hàng năm, khẩn trương xây dựng và ban hành theo quy định.
Được biết mới đây, nhằm đánh giá, khuyến khích về quản lý điều hành kinh tế theo công nghệ 4.0, ngày 5/10/2023, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) các Sở, ban, ngành và địa phương năm 2022.
Chỉ số DDCI Nghệ An năm 2022 đề cập tới những vấn đề về môi trường, sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trong khảo sát; các vấn đề về xã hội, phát triển bền vững; các vấn đề phát triển trong thời kì công nghiệp 4.0, chuyển đổi số…
Kết quả DDCI khối Sở, ban, ngành chia thành 2 nhóm: Nhóm A gồm 12 đơn vị có đối tượng phục vụ chính là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và số lượng thủ tục hành chính/mức tương tác với các đối tượng này lớn và đáng kể.
Bảng xếp hạng DDCI năm 2022 khối Sở, ban, ngành thuộc nhóm A, Sở Xây dựng Nghệ An xếp thứ 5. |
Theo chỉ số công bố, tại nhóm A, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu bảng xếp hạng với 79,34 điểm; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xếp thứ 2 với 79,03 điểm; Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam xếp thứ 3 với 77,89 điểm, Bảo hiểm Xã hội xếp thứ 4 với 77,81 điểm, Sở Xây dựng xếp thứ 5 với 77,66 điểm và xếp cuối nhóm là Cục Thuế với 75,01 điểm.
Nhóm B gồm 11 đơn vị có đối tượng phục vụ chính không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và số lượng thủ tục hành chính/mức tương tác với các đối tượng này ở mức độ thấp hơn.
Tại nhóm B, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu bảng xếp hạng với 81,76 điểm; Sở Tư pháp xếp thứ 2 với 81,46 điểm; Sở Văn hóa và Thể thao xếp thứ 3 với 81,10 điểm; xếp cuối nhóm là Sở Khoa học và Công nghệ với 76,48 điểm.
Trong khối Sở, ban, ngành, các chỉ số thành phần có điểm tích cực, gồm: Chi phí không chính thức; chi phí thực hiện thủ tục hành chính; tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin. Các chỉ số thành phần cần được cải thiện, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cạnh tranh bình đẳng.
Khối địa phương, huyện Nghi Lộc dẫn đầu bảng xếp hạng với 85,43 điểm; thị xã Hoàng Mai xếp thứ 2 với 83,46 điểm; huyện Tương Dương xếp thứ 3 với 81,26 điểm. 3 vị trí cuối bảng lần lượt là huyện Quỳ Hợp với 70,14 điểm; huyện Quỳ Châu với 68,67 điểm; huyện Hưng Nguyên với 67,64 điểm.
Tác giả: Quang Hợp
Nguồn tin: Báo Xây dựng