Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều nữ sinh viên bị mồi chài làm sugar baby

"Anh biết em là sinh viên không có nhiều tiền, nếu em đi chơi với anh, anh trả em 10 triệu" - đây là tin nhắn mà nhiều sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM bất ngờ nhận.

 Những tin nhắn từ số lạ liên tục mồi chài sinh viên làm “gái nuôi” - Ảnh: HÀ GIANG

Thời gian gần đây, trên các group của sinh viên rất nhiều bài đăng cảnh báo về việc thường xuyên nhận những tin nhắn từ số lạ rủ đi chơi, hứa hẹn chu cấp tiền bạc.

Những tin nhắn, cuộc gọi mồi chài

Quế Trân (đã đổi tên) là tân sinh viên vừa lên ký túc xá nhận phòng được hơn hai tuần. Cô chưa từng đến TP.HCM hay làm việc gì phải để lại thông tin cá nhân tại đây, nhưng vừa vô ký túc xá vài ngày Trân bất ngờ nhận được lời rủ đi chơi từ một tài khoản Zalo lạ.

Người này ra giá: "10 triệu cho một lần đi chơi, em là sinh viên có cần tiền thì hú anh". Ở nơi lạ, Trân còn chưa kịp làm quen bạn bè mới. Vậy mà vẫn có người biết rõ Trân là sinh viên vừa lên nhập học, khiến cô không khỏi bất an.

N.N., sinh viên năm 2 ở ký túc xá Đại học Quốc gia, cũng tá hỏa khi một số lạ gọi cô đến 5 lần, khi bắt máy thì đầu dây bên kia đề nghị thẳng: "Em đi chơi với anh nhé, phục vụ tốt là anh cho tiền rủng rỉnh".

Nếu hiện tượng sugar daddy và sugar baby là sự đổi chác, thỏa thuận với nhau thì những sinh viên đang bị quấy rối thậm chí chẳng cần phải đặt điều kiện, những người liên hệ tự đưa ra mức giá "vô cùng hấp dẫn".

Như Quế Trân chỉ vừa chân ướt chân ráo từ Bạc Liêu lên TP.HCM học nhưng lại nhận được lời mồi chài 10 triệu mỗi lần. "Mẹ cho vài triệu để mua sắm đồ đạc trong phòng, tôi đã phải cân nhắc chi tiêu. Đằng này chỉ một buổi đi chơi mà người ta cho hẳn 10 triệu!", Trân nghi ngại.

Cái bẫy không chỉ mở một lần, dù đã xóa tin nhắn, nhưng chỉ ít ngày sau Trân lại tiếp tục bị quấy rối bởi tài khoản lạ ấy.

Hầu hết các nữ sinh viên mà chúng tôi gặp đều cho biết khi bị từ chối lần đầu, các lần sau kẻ lạ liền nâng mức "chu cấp" lên để mời gọi sugar baby. Thậm chí có người còn đặt vấn đề "yêu nhau nghiêm túc", hoặc đề nghị thẳng làm "gái nuôi".

Các cô gái trẻ hoang mang

Với cô sinh viên năm 2 Nguyễn Thị Hà thì không còn xa lạ gì với chuyện gạ gẫm kiểu như vậy, nhưng trường hợp đeo bám dai dẳng như hiện tại thì cô khẳng định là chưa gặp bao giờ.

"Ban đầu tôi cũng chẳng để tâm, vì biết những tên này chỉ nhắn tin vậy chứ chẳng thể làm gì được mình. Nhưng những tin nhắn đến dồn dập, thậm chí có nhiều cuộc gọi đến lúc nửa đêm khiến tôi cảm thấy phiền phức và lo lắng", Hà nói. Thậm chí, cô gái vừa tròn 20 đôi lúc "chết đứng" khi tên quấy rối gửi ảnh nhạy cảm của mình kèm lời lẽ biến thái.

Khác với Hà, vừa mới chập chững xa nhà nên Quế Trân vô cùng lo lắng. Cô từng là nạn nhân của quấy rối tình dục khi còn học cấp III, nên khi tin nhắn vừa được gửi đến Trân vội xóa và chặn tài khoản lạ mặt ấy ngay.

Trân tâm sự những vết thương tâm lý xưa vẫn còn ám ảnh quá lớn. Phải một thời gian rất lâu mới vượt qua được cú sốc ấy, vậy mà mới lên TP.HCM học vài ngày Trân lại gặp phải trường hợp tương tự.

Ở môi trường mới, Trân chưa quen được nhiều bạn để chia sẻ. Cô cũng không dám kể với gia đình vì sợ ba mẹ lo lắng con gái mới lên học đã gặp chuyện. Đây cũng là tâm lý chung của các bạn sinh viên khi nhận phải tin nhắn quấy rối, không dám chia sẻ và thu mình lại.

Bị quấy rối, phải làm gì?

Đại diện Trung tâm quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM khuyến cáo sinh viên nội trú cần tìm hiểu và cập nhật đầy đủ thông tin từ các kênh chính thức của trung tâm. Hạn chế cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác minh được độ tin cậy.

Trường hợp nhận phải các tin nhắn quấy rối, gạ gẫm, sinh viên cần liên hệ, phản ảnh cho ký túc xá thông qua ban quản lý của cụm nhà đang ở hoặc kênh truyền thông của trung tâm để được tiếp nhận, hỗ trợ. Sinh viên nên chọn và sử dụng các dịch vụ bên trong ký túc xá để đảm bảo an toàn và đầy đủ thông tin.

Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), môi trường không gian mạng phức tạp, khó kiểm soát, nên khi các nữ sinh nhận những tin nhắn gạ gẫm mua bán tình dục, cần lập tức cắt đứt liên lạc để đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như tránh trường hợp nhẹ dạ rơi vào bẫy của người nhắn.

Trường hợp nhận tiền và thực hiện hành vi mua bán tình dục thì cả nữ sinh và người gạ gẫm đều vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính. Với các nữ sinh, hệ lụy còn rắc rối hơn khi cơ quan chức năng có thể liên hệ nhà trường để thông báo vụ việc.

Nhiều nữ sinh viên chúng tôi gặp tỏ ra lo ngại rằng nhiều bạn cùng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn hoặc gia đình gặp biến cố nếu tâm lý không vững sẽ sa ngã trước sức cám dỗ từ những tin nhắn mồi chài của kẻ xấu. Vì các kẻ xấu luôn đưa ra mức "chu cấp" tiền bạc "quá hấp dẫn".

Tác giả: An Vi - Hà Giang

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ