Nếu nghi phạm sát hại bé gái đã chết, liệu có hết trách nhiệm pháp lý?
- 20:34 22-09-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 22/9, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về tội Giết người. Giáp Thị Huyền Trang là người bắt cóc, sát hại cháu bé 2 tuổi tại Hà Nội và đòi chuộc 1,5 tỉ đồng.
Trước đó, khoảng 18h50 ngày 21/9, lực lượng chức năng vớt được thi thể một người phụ nữ ở khu vực sông Đuống đoạn qua cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Người phụ nữ này có nhiều đặc điểm nhận dạng giống đối tượng Giáp Thị Huyền Trang - nghi can trong vụ án. Lực lượng chức năng đang làm các thủ tục pháp lý để xác minh.
Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, quyền được sống của trẻ em.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, nếu nghi phạm sát hại bé gái đã chết, liệu có hết trách nhiệm pháp lý?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, trường hợp đã có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan có thẩm quyền nhưng bị can chết, việc giải quyết vụ án và bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết như sau:
Nhận dạng của Giáp Thị Huyền Trang khi bắt cóc bé gái. |
Trong trường hợp người thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và giết con tin đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng sau đó phát hiện người này chết thì căn cứ theo quy định tại Điều 158 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự với căn cứ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.
Tuy nhiên, mặc dù huỷ bỏ quyết định khởi tố do bị can đã chết nhưng việc gây thiệt hại đến tính mạng người khác là hậu quả đã xảy ra, do đó bị can vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác trong trường hợp gia đình người bị hại có yêu cầu. Mức bồi thường thiệt hại sẽ được căn cứ theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.
Trong trường hợp bị can đã chết nhưng họ có tài sản đứng tên mình thì người bị hại hoặc gia đình người bị hại có quyền khởi kiện để yêu cầu những người thừa kế của người phạm tội thực hiện nghĩa vụ thay người phạm tội trong phạm vi di sản thừa kế mà người phạm tội để lại.
Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và giết con tin là hành vi nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Do đó, người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu các chế tài nghiêm khắc và thích đáng về hành vi phạm tội.
Thi thể người phụ nữ được phát hiện ở khu vực hạ lưu sông Đuống gần cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội nghi là Giáp Thị Huyền Trang. |
Trước đó, ngày 19/9, Công an tỉnh Hưng Yên nhận được đề nghị của Công an thành phố Hà Nội về việc phối hợp xác minh, truy bắt Giáp Thị Huyền Trang (SN 1996, trú tại thôn Chung Minh, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là nghi can bắt cóc cháu bé sinh năm 2021 ở 1 khu đô thị thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đòi tiền chuộc.
Nhận được thông tin, công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, tổ chức áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, truy bắt đối tượng và giải cứu cháu bé.
Qua truy xét, đến khoảng 11h30 phút ngày 20/9, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện thi thể cháu bé tại ao thả cá thuộc trang trại của một gia đình ở cánh đồng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ngay sau khi phát hiện, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tổ chức điều tra xác minh làm rõ.
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: vov.vn