Chơi ở sân nhà, hai bé gái sinh đôi bị rắn hổ mang cắn
- 08:11 21-09-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hai bé gái sinh đôi N.T.T.T. và N.T.T.L. (9 tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ) bị rắn hổ cắn trong lúc chơi đùa tại sân nhà. Sau khi cha mẹ phát hiện đã bắt được con rắn đồng thời liên hệ tới cơ sở y tế gần nhất.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, qua thăm khám, hai bé vẫn tỉnh táo tuy nhiên xuất hiện đau nhức ngón tay và sưng nề bàn tay phải (nơi bị rắn cắn). Cùng với vật chứng được gia đình cung cấp, các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán: Rắn hổ mang cắn giờ thứ 3.
Vết rắn cắn trên tay một bệnh nhân |
TS.BS Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Cấp Cứu cho biết, sau khi giải thích với gia đình, hai bé được bất động chi cắn, kê cao vùng tay, vệ sinh vết cắn và được chỉ định dùng “huyết thanh kháng nọc rắn hổ”. Trong đó bé N.T.T.T. bị cắn trước, tình trạng sưng đau nhiều nên phải sử dụng tới 8 lọ huyết thanh, còn bé N.T.T.L. bị cắn sau nên sử dụng 2 lọ.
Sức khỏe của hai bé có dấu hiệu cải thiện tốt và dần ổn định. Sau một ngày theo dõi điều trị, sức khỏe của hai bé đã ổn định.
Đây là hai trong số ba ca bệnh bị rắn độc cắn nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong vài tuần gần đây. Bệnh nhân còn lại là ông N.V.Q. bị rắn lục cắn tại nhà riêng. Ông đã sơ cứu trước khi đến trạm y tế gần nhà và được hướng dẫn đến bệnh viện để được xử trí, cấp cứu kịp thời.
Các triệu chứng nhiễm độc như sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm… có thể dẫn đến tử vong do chảy máu, mất máu.
Khi đến bệnh viện, vị trí rắn cắn tại mu bàn tay đã sưng nề, khó cử động, bệnh nhân cảm thấy đau buốt. Các bác sĩ đã thăm khám, chỉ định thực hiện xét nghiệm đông máu tại giường và đưa ra chẩn đoán: Rắn hổ mang cắn giờ thứ 2.
Theo TS.BS Hà Thị Bích Vân, bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ, sử dụng 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ đau buốt, bàn tay cử động bình thường, sưng nề giảm và có thể ra viện sau 5 - 7 ngày theo dõi ổn định.
Bác sĩ Vân thông tin thêm, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu.
Điều trị rắn cắn hữu hiệu nhất là huyết thanh kháng nọc rắn. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6h đầu. Nếu trễ sau 24 - 48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng bị hoại tử tay chân, rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu, thậm chí bị tử vong.
Tác giả: Chí Tâm
Nguồn tin: congly.vn