Hiệu quả từ các mô hình học tập ở huyện miền núi Nghệ An: Bài 2: Nhân rộng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
- 10:53 19-09-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội
Gia đình anh Vi Văn Quang, người đồng bào Thái ở bản Chăm Hiêng, xã vùng cao Châu Thành là một trong số ít gia đình học tập tiêu biểu của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Tuy là hộ nghèo, đông con, nhưng các con anh đều được đi học đến nơi đến chốn.
Anh Quang chia sẻ: “Gia đình tôi sinh được 3 người con, mặc dù ở nông thôn vất vả, kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng 2 vợ chồng đã cố gắng phấn đấu để cho các con được ăn học đầy đủ, thành tài, lớn lên làm người có ích cho xã hội”.
Huyện Quỳ Hợp tổ chức hội nghị triển khai phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và công dân học tập giai đoạn 2021-2030 |
Những năm qua, mô hình “Dòng họ hiếu học” không những động viên, cổ vũ tinh thần, ý thức học tập trong xã hội, mà còn làm xuất hiện đông đảo đội ngũ cán bộ làm khuyến học tự nguyện có uy tín. Các Ban Khuyến học dòng họ đã đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu. Ngoài việc khen thưởng, các dòng họ tổ chức lễ tuyên dương phát thưởng lựa chọn các dịp có ý nghĩa nhất, hình thức tổ chức trang trọng, thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu đậm.
Qua thực tiễn cho thấy, những dòng họ xây dựng Ban Khuyến học sớm và có bề dày truyền thống thường làm rất tốt công tác khuyến học, khuyến tài và dòng họ Lê Sỹ ở bản Cà, xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) là một trong số đó.
Ông Lê Sỹ Lâm, trưởng dòng họ Lê Sỹ cho hay: “Sau khi dòng họ xây dựng nhà thờ xong, năm 2003, chúng tôi đã thành lập hội khuyến học, ban khuyến học của dòng họ ra đời. Từ đó, phong trào học tập của con cháu phát triển rất mạnh, tuy rằng lúc đó đỗ Đại học (ĐH) chỉ mới được thưởng 100 ngàn đồng, học sinh giỏi 50 ngàn đồng, học sinh giỏi tỉnh 100 ngàn đồng, nhưng đã động viên phong trào học tập con cháu phát triển tốt”.
Tập huấn chương trình đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030 tại xã Châu Cường |
“Năm 1996 -1997 mới chỉ được 4 cháu đỗ Đại học thôi, đến nay, dòng họ đã có 1 Giáo sư, tiến sỹ; 8 thạc sỹ và trên 90 em Đại học. Hầu hết các cháu học ra trường đều có việc làm ổn định. Những năm gần đây, các cháu học cuối cấp 100% đậu Đại học…, các con cháu làm đa ngành ở khắp đất nước, có thu nhập chính đáng. Dòng họ chúng tôi đạt tiêu biểu”, ông Lâm cho biết thêm.
Châu Quang là một trong 2 địa phương được UBND huyện Quỳ Hợp chọn làm điểm để thực hiện việc “đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị”. Chính vì vậy, nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của “Cộng đồng khuyến học” nên ngay từ khi mới đi vào hoạt động, hội Khuyến học xã Châu Quang đã nhanh chóng tham mưu với cấp Uỷ, chính quyền các cấp thành lập các chi hội khuyến học ở toàn bộ các khu dân cư, xóm, bản.
Ông Hủn Vi Thắng, trưởng hội khuyến học xã Châu Quang, cho biết: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã chọn 2 dòng họ để làm điểm, 3 gia đình và 2 cộng đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, các gia đình, dòng họ, cộng đồng đã rất tích cực hưởng ứng các phong trào, thực hiện rất rầm rộ. Vậy cho nên, hàng năm tỷ lệ gia đình, dòng họ học tập trên toàn xã đều đạt trên 90%, cộng đồng, đơn vị đạt 100% và phong trào lan tỏa không những ở lứa tuổi học đường, mà tất cả mọi lứa tuổi đều được học tập để nâng cao kiến thức, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống”.
20 năm thực hiện 2 phong trào thi đua "Tết khuyến học - Tháng khuyến học Nghệ An"
Để hỗ trợ, thúc đẩy các phong trào trên, hàng năm (kể từ năm 2004 đến 2023), Hội Khuyến học Nghệ An đã đề ra hai phong trào chủ yếu trong năm đó là phong trào "Tết khuyến học" và "Tháng khuyến học" Nghệ An.
Kho bạc nhà nước Nghệ An tặng 10 bộ máy tính cho trường THCS Hạ Sơn phục vụ công tác dạy học trực tuyến năm 2021 |
Hàng năm, căn cứ vào sự chỉ đạo của tỉnh Hội, huyện Hội Quỳ Hợp đã phối hợp với phòng GD&ĐT huyện, các ngành các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện tổ chức phát động phong trào "Tết khuyến học", "Tháng khuyến học" từ năm 2004 đến nay. Mục đích của 2 phong trào trên là nhằm tạo nên cao trào khuyến học rộng khắp trên toàn huyện, thi đua lập nhiều thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, của hội Khuyến học Việt Nam nhân dịp tết cổ truyền dân tộc và nhân dịp chuẩn bị cho năm học mới hàng năm.
Nội dung giải pháp chủ yếu của "Tết khuyến học" hàng năm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các phong trào thi đua khuyến học tại lễ phát động “Tết khuyến học" Nghệ An. Tại đây, các cấp hội tổ chức đăng ký các danh hiệu thi đua Gia đình hiếu học (GĐHH), Dòng họ hiếu học (DHHH), cộng đồng khuyến học (CĐKH) giai đoạn 2003-2013. Xây dựng mô hình gia đình học tập (GĐHT), dòng họ học tập (DHHT), cộng đồng học tập (CĐHT), Đơn vị học tập (ĐVHT) giai đoạn 2016 - 2020 và GĐHT, DHHT, CĐHT, ĐVHT, CDHT giai đoạn 2021 - 2030.
Tiếp tục phát triển hội viên mới, động viên cán bộ, hội viên, nhân dân; các cơ quan, đơn vị ủng hộ quỹ khuyến học để đạt định mức bình quân số tiền quỹ/người, phấn đấu để bình quân cả huyện đạt chỉ tiêu kinh phí được giao vận động quyên góp hàng năm. Tổ chức trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó....
Các em học sinh vượt khó học giỏi được các cấp, ban ngành huyện Quỳ Hợp quan tâm trao tặng xe đạp |
Xây dựng quỹ khuyến học lớn mạnh từ cơ sở đến huyện; phối hợp với ngành GD&ĐT và các ngành, tổ chức liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới. Các cấp hội thực hiện chương trình "3 đủ" đó là đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở, đồ dùng học tập đến tất cả học sinh các cấp trong toàn huyện.
Phong trào "Tiếng trống khuyến học" được các cấp hội phối hợp với các tổ chức đoàn thể khối, xóm, bản, các trường học thực hiện từ 2004 và duy trì trong suốt 20 năm qua. Thực hiện nề nếp học tập ở nhà cho học sinh, góp phần giảm thiểu các hoạt động không lành mạnh, giảm các tệ nạn xã hội.
Năm 2004, số hội viên là 11.880/113.148 dân số toàn huyện, đạt tỷ lệ 10,5%. Đến năm 2023, có số hội viên là 35.760/138.490 dân số toàn huyện, đạt tỷ lệ 25,8%. Số gia đình đạt GĐHT 24.493/31.828, tổng số gia đình toàn huyện đạt tỷ lệ 77%. Số dòng họ đạt DHHT 149/225, tổng số dòng họ toàn huyện đạt tỷ lệ 66,2%. Số cộng đồng đạt CĐHT 247/288, tổng số cộng đồng toàn huyện đạt tỷ lệ 84,3%. Số đơn vị đạt ĐVHT: 92/97, tổng số đơn vị toàn huyện đạt tỷ lệ 90%.
Tạo chuyển biến cơ bản
Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục mở, linh hoạt… Việc vận động, tạo điều kiện để mọi người dân tự học thường xuyên, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nhân rộng các mô hình học tập tiếp tục được xác định là nhiệm vụ, cũng là giải pháp quan trọng của đề án để xây dựng xã hội học tập một cách bền vững.
Trao học bổng vì em hiếu học cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn |
Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 65% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.
Bên cạnh đó, 40% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“Cộng đồng học tập”, 60% cán bộ, công chức, nhân viên trong “Đơn vị học tập” trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Công dân học tập”.
Thực hiện đại trà Quyết định số 281 của Thủ tướng chính phủ, Quyết định số 1360 của UBND tỉnh Nghệ An và Quyết định số 83 của UBND huyện Quỳ Hợp, đến nay các mô hình học tập trên toàn huyện đều vượt các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch. Cụ thể: Gia đình học tập đạt 77%, vượt 7%; Dòng họ học tập đạt 66,2%, vượt 16,2%; Cộng đồng học tập đạt 84,3%, vượt 14,3%; Đơn vị học tập đạt 90%, vượt 20%.
Quỳ Hợp có 21/21 hội cơ sở xã, thị trấn tổ chức đại hội nghiệm kỳ 2021 - 2026. Hệ thống tổ chức Hội trong toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn, có 214/214 Chi hội khuyến học khối, xóm bản, 225 Ban khuyến học dòng họ, 5 Ban khuyến học đồng hương, 43 Ban khuyến học cơ quan, đơn vị, 69 Ban khuyến học trường học học. Đến nay, toàn huyện có 32.685 hội viên, tỷ lệ là 23,7 hội viên/dân số ( số hội viên tăng 326 hội viên so với năm 2021).
Học sinh trường THCS Văn Sơn (Quỳ Hợp) phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số |
Đánh giá chung về phong trào khuyến học của huyện và phương hướng hoạt động trong thời gian tới, ông Lê Quốc Phú, Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Để nâng cao phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, ngoài hoạt động tuyên truyền xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, chúng tôi tiếp tục triển khai phong trào tết khuyến học, tháng khuyến học. Trong "tháng khuyến học" có nhiều nội dung, trong đó có phát động phong trào tiếng kẻng học bài ở các địa phương và phát động xây dựng quỹ khuyến học để trao thưởng cho những em học tập có kết quả tốt trong năm học. Hàng năm, đều có sơ tổng kết, thi đua khen thưởng ở cấp cơ sở xã, thị trấn cho đến huyện”.
Bên cạnh nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình cấp huyện, Ban thường vụ huyện uỷ Quỳ Hợp chỉ đạo các địa phương, đơn vị tùy tình hình thực tế và chức năng nhiệm vụ được giao để tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, góp phần làm phong phú thêm kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn.
Có thể thấy, sau nhiều năm phát động xây dựng các mô hình khuyến học, phong trào học tập suốt đời ở huyện miền núi Quỳ Hợp đã mang lại hiệu quả rõ nét. Ở các bản làng vùng dân tộc thiểu số đã không còn thấy tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng cho việc học của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã có sự thay đổi rất lớn. Với những việc đã và đang làm được, hội khuyến học Quỳ Hợp thực sự là điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Qua đó, góp phần cùng địa phương xây dựng xã hội học tập suốt đời ở huyện miền núi.
Tác giả: Gia Ân - Phan Giang
Nguồn tin: Báo Công lý