Thảm họa lũ lụt tại Libya, hơn 11.300 người chết
- 09:12 15-09-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thảm họa lũ lụt quét sạch thành phố Derna của Libya. Ảnh AP. |
Quá trình tìm kiếm và xử lý các thi thể những người thiệt mạng trong trận lũ vẫn đang được tiến hành. Theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ tại Libya, hơn 11.300 người đã được xác định là thiệt mạng trong thảm họa.
Thị trưởng Derna cho biết con số trên thực tế còn có thể cao hơn, thậm chí lên đến 20.000 người. Dòng nước lũ đổ về Derna sau khi các con dập bị vỡ được mô tả như một trận sóng thần khổng lồ.
Mặc dù giới chính trị tại Libya cho rằng những gì xảy ra hoàn toàn là “thảm họa thiên nhiên”, thì các chuyên gia lại cho rằng tham nhũng, bảo trì cơ sở hạ tầng công cộng kém cũng như bất ổn kéo dài đã khiến đất nước này không có khả năng ứng phó với một cơn bão và lũ lụt.
Claudia Gazzini, nhà phân tích cấp cao của “Nhóm khủng hoảng quốc tế về Libya”, cho biết: “Tình trạng hỗn loạn chung cũng đồng nghĩa với việc có nhiều tranh cãi về việc phân bổ các khoản ngân sách”.
Gazzini nói thêm, trong ba năm qua, không có ngân sách cho phát triển, ngân sách dành cho cơ sở hạ tầng sẽ giảm và không có phân bổ cho các dự án dài hạn tại Libya. “Không bên cầm quyền nào trong hai chính phủ tồn tại song song ở Libya đủ hợp pháp để thực hiện các kế hoạch lớn, hạn chế sự tập trung vào cơ sở hạ tầng”.
Một góc của Derna trước và sau trận lũ. Ảnh AP. |
Hai chính quyền tồn tại song song ở Libya sau chính biến năm 2011, một bên được quốc tế ủng hộ và chính quyền ở Tripoli – miền Tây đất nước, còn chính quyền quân sự khác lại kiểm soát phần phía Đông đất nước, nơi có thành phố Derna. Hai bên nhiều lần giao tranh, chính quyền không thể tổ chức cuộc bầu cử tổng thống theo kế hoạch vào năm 2021.
Một ví dụ cụ thể về việc thiếu đầu tư công đó là các con đập ở Derna không đủ sức chống chọi với lượng nước bất ngờ đổ về.
Phó Thị trưởng Derna Ahmed Madroud trả lời báo chí cho biết các con đập đã không được bảo trì đúng cách kể từ năm 2002. Điều đó có nghĩa là cả chính phủ trước đó và các chính quyền sau chính biến năm 2011 đã không đảm bảo duy trì được cơ sở hạ tầng quan trọng.
Năm ngoái, một bài báo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Omar Al-Mukhtar đã cảnh báo rằng hai con đập cần được quan tâm sửa chữa khẩn cấp, đồng thời chỉ ra “nguy cơ lũ lụt cao”. Tuy nhiên, không có bất kỳ hành động nào được tiến hành.