Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Gắn giữ gìn di tích Xô viết Nghệ Tĩnh với phát triển du lịch

Tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 400 di tích lịch sử gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931); trong đó có 40 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh.

Mỗi di tích là một “địa chỉ đỏ” soi đường cho thế hệ trẻ tìm hiểu về phong trào đấu tranh cách mạng của người dân quê hương ngay từ khi mới thành lập Đảng. Công tác bảo tồn các di tích gắn với phát triển du lịch đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.

 Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh hiện lưu giữ, trưng bày 17.000 tài liệu, hiện vật các loại. 

Phát huy giá trị hệ thống di tích

Xô viết Nghệ Tĩnh là biểu tượng sáng chói, huy hoàng; là thực tiễn sinh động, có tính thuyết phục nhất khẳng định vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về tổ chức cũng như đường lối giải phóng dân tộc.

Di tích gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là cụm di tích Nhà tưởng niệm và Khu mộ Liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh ở thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên). Đây là nơi ghi dấu cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Hưng Nguyên và các vùng phụ cận trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; đồng thời cũng là nơi chứng kiến tội ác của thực dân và phong kiến.

Vào sáng 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về phủ lỵ Hưng Nguyên. Khi đoàn biểu tình vừa đến Thái Lão, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm 217 người chết, 125 người bị thương. Mộ các liệt sỹ hy sinh trong ngày 12/9 nằm rải rác giữa các gò đất, đến năm 1956 được cất bốc và xây thành ngôi mộ chung. Vào các ngày Lễ, Tết hàng năm, cán bộ và nhân dân Hưng Nguyên thường tổ chức dâng hoa, dâng hương, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với các liệt sỹ đã hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Cụm di tích này không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn có vị trí đắc địa, nằm trên tuyến đường phát triển du lịch thành phố Vinh (huyện Nam Đàn), có không gian rộng và giá trị lịch sử tiêu biểu. Du khách khi về với Kim Liên, Nam Đàn cũng đều dừng chân tại nơi đây.

Trong hệ thống di sản Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh có vị trí quan trọng. Đây là một trong 3 bảo tàng được thành lập sớm nhất trong hệ thống bảo tàng cách mạng Việt Nam; là nơi lưu giữ, trưng bày 17.000 tài liệu, hiện vật. Bảo tàng đã đưa Xô viết Nghệ Tĩnh đến gần hơn với công chúng bằng những tài liệu, di sản lịch sử được lưu giữ an toàn. Ngoài ra, Bảo tàng cũng có đóng góp quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn hóa và cung cấp nhiều tư liệu quý về Xô viết Nghệ Tĩnh cho các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học.

Bảo tàng đã được Sở Du lịch Nghệ An chọn là điểm đến du lịch của tỉnh. Thống kê hàng năm, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã đón trên 16.000 lượt khách trong và ngoài nước. Bà Lê Thu Hiền, Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho biết, để trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách, Bảo tàng liên tục đổi mới tuyên truyền, giáo dục nhằm lan tỏa sâu rộng hơn nữa truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngoài việc nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, phục vụ khách tham quan, đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động như: Trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa, nói chuyện chuyên đề ở các địa phương, trường học trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm cho học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như trang website (đang có 6,6 triệu lượt truy cập), trang fanpage (có trên 3 nghìn người theo dõi); tuyên truyền trên các phương tiện báo, đài…

Hiện nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có kho cơ sở khang trang với diện tích 300 m2; trang thiết bị được đầu tư đầy đủ như: Tủ bục thiết kế theo yêu cầu của mỗi chủng loại và chất liệu hiện vật; hệ thống máy điều hòa và các phương tiện hút ẩm, thông gió, báo cháy, báo động, ánh sáng hợp lý. Hệ thống phiếu, sổ sách đã được sắp xếp và bổ sung thông tin. Đặc biệt, đơn vị đã áp dụng công nghệ tin học, từng bước triển khai công tác số hóa, tư liệu hóa vào việc quản lý hiện vật. Nhìn chung, hiện vật được lưu giữ, bảo quản trong kho của Bảo tàng đã được kiểm kê, xác định giá trị và phân loại thành những bộ sưu tập một cách khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu, tham quan và tìm hiểu của du khách.

Kết nối các tour du lịch về nguồn

 Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 

Hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trải rộng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Riêng các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh chủ yếu do Nghệ An quản lý. Công tác phát huy giá trị cơ bản luôn được các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, tôn tạo. Một số di tích đã và đang được đầu tư, tu bổ, tôn tạo nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên vẫn còn dang dở. Trong khi đó, những hạng mục đã hoàn thành lại bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hoặc có những di tích đã được đầu tư tu bổ nhưng do kinh phí ít nên việc sửa chữa còn mang tính chắp vá. Ngoài ra, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không có nguồn thu công đức nên công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo còn nhiều khó khăn.

Để bảo tồn, tôn tạo, trùng tu và phát huy hiệu quả hệ thống các di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh, địa phương sẽ tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích; rà soát hiện trạng, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc giới để tránh tình trạng xâm lấn di tích. Địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền, cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; bố trí nguồn kinh phí đúng trọng tâm, đúng di tích, ưu tiên các di tích bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng; huy động xã hội hóa trong công tác bảo tồn, tôn tạo để đưa các di tích trở thành điểm đến văn hóa thu hút khách tham quan, nghiên cứu.

Phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trong khai thác, kết nối các tour du lịch về nguồn, theo ngành Du lịch, Văn hóa, tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và các cụm, điểm di tích cần đa dạng hóa nội dung trưng bày để thu hút du khách; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư, bảo tồn, tu bổ di tích nhằm bảo vệ những dấu tích vật chất, những giá trị văn hóa của di tích; nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức chuyên môn, thái độ phục vụ của cán bộ quản lý và người dân. Bảo tàng và các cụm, điểm di tích cần quan tâm bảo vệ môi trường, cảnh quan, nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức tuyên truyền, quảng bá về hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để gắn những di tích này vào các tour du lịch về nguồn.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho rằng, du lịch dựa trên khai thác, phát huy giá trị các di tích, di sản đang ngày càng được nhiều người dân và du khách lựa chọn. Phát triển du lịch gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh không chỉ đơn thuần là chiêm ngưỡng cảnh quan mà còn giúp du khách khám phá, hiểu được những nét đẹp, độc đáo của truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương. Do đó, các điểm di tích, các địa phương có di tích vừa phải thực hiện tốt công tác quản lý, vừa phát huy được giá trị nội tại, thúc đẩy nguồn lực kinh tế để thu hút du khách.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: Báo Tin tức