Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bão tố dưới những cánh rừng vàng [Kỳ 4]: Đói nghèo đeo bám

Kỳ Sơn là vùng đất xa xôi nhất, trắc trở nhất của tỉnh Nghệ An. Bốn phía là rừng nhưng rừng chưa mang lại cơm ăn áo mặc, cuộc sống đủ đầy cho dân bản.

 Đói nghèo dai dẳng vẫn đeo bám những bản làng nơi đỉnh trời Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh. 

Rừng núi bạt ngàn, tìm mỏi mắt không ra điểm tái định cư khẩn cấp

Huyện Kỳ Sơn nằm ở phía tây nam của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250 km, có chiều dài đường biên giới trên 203 km. Tập quán lạc hậu, du canh du cư, đốt nương làm rẫy của đồng bào suốt thời gian dài, kết hợp vấn nạn phá rừng nhức nhối độ 8 – 10 năm về trước đã làm suy giảm trầm trọng vốn quý. Dù đã đẩy nhanh công tác phục hồi nhưng chất lượng rừng của Kỳ Sơn nhìn chung chưa đạt, tác dụng phòng hộ suy giảm, đồng nghĩa tiềm ẩn muôn vàn nguy cơ về xói mòn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Bốn phía là rừng nhưng phần lớn đều là “rừng cấm”, đây chính là rào cản vô hình kìm hãm đà phát triển của huyện nghèo khi thực hiện các kế hoạch, chủ trương. Cái đói cái nghèo đeo bám dai dẳng, lòng người Kỳ Sơn chưa yên phần nhiều cũng từ đây mà ra.

 Rừng núi bạt ngàn nhưng giá trị rừng thấp, để tìm một khu tái định cư đảm bảo là vô cùng khó. Ảnh: Quốc Toản.

Bí bách ra sao cứ nhìn vào thực trạng thiên tai năm 2022 sẽ thấy. Chỉ riêng trận lũ ống- lũ quét cuối tháng 10 với tâm điểm là thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ đã khiến tất cả phải thất kinh, sơ bộ có gần 1.000 nhà dân bị thiệt hại, hàng loạt công trình, hạ tầng, nhiều tuyến đường giao thông hư hỏng nặng, cơ man diện tích hoa màu bị xóa sổ… ước thiệt hại trên 320 tỷ đồng.

Nhân đây xin được nhắc thêm, tổng thu ngân sách của toàn huyện Kỳ Sơn chỉ đạt bình quân trên 10 tỷ đồng/năm, so sánh để thấy thiên tai đã đọa đày huyện nghèo biên giới nặng nề đến mức nào. Một phần nguyên do xuất phát từ quá trình phá rừng vô tội vạ, nhất là thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 13. Sáu năm qua với sự nhập cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng cùng các đơn vị liên quan, nhiều khoảnh rừng Kỳ Sơn đã xanh trở lại, những khoảnh đồi bát úp, cháy xém nham nhở trước kia đã kéo da non, có điều chừng đó chưa đủ để chở che cho bản làng trước thiên tai, bão tố.

Trở lại với diễn biến của trận lũ lịch sử, chính những người đã trải qua phút giây hãi hùng khẳng định “trong đời chưa bao giờ chứng kiến trận thiên tai khủng khiếp đến vậy”. Chỉ qua vài giờ đồng hồ ngắn ngủi, dòng lũ dữ đã biến tất thảy thành bình địa, đập vào mắt là những bản làng tiêu điều, xác xơ, phút chốc đẩy hàng trăm gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất, vất vưởng rày đây mai đó. Giữa bộn bề lo toan, nhu cầu ăn, ở là cấp bách hơn cả, nhưng tiếc thay đã gần 1 năm trôi qua dự án tái định cư khẩn cấp vẫn đang nằm trên giấy.

 Người dân trải qua trận lũ lịch sử năm 2022 vẫn chưa được bố trí tái định cư. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông tin tiến độ triển khai khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ như sau: “Giai đoạn 1 của dự án sử dụng nguồn vốn của Ban cứu trợ tỉnh, quỹ thiện tâm của doanh nghiệp tài trợ (35 tỷ đồng); giai đoạn 2 sử dụng vốn dự phòng ngân sách tỉnh (30 tỷ). Do điều kiện đặc thù về địa hình, địa chất nên rất khó lựa chọn vị trí phù hợp, cơ bản quy hoạch địa điểm nào cũng ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Trên tinh thần đó, kính đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhanh nhất để đảm bảo đủ điều kiện khởi công, tránh tình trạng mất an toàn khi mưa lũ tràn về”.

Liên quan đến nội dung này, trực tiếp ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn; ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn xác nhận những nút thắt xoay quanh quá trình chuyển đổi đất rừng, việc này vượt quá thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Ngoài dự án nêu trên, UBND huyện Kỳ Sơn còn đề xuất hàng loạt nội dung khác liên quan đến tình trạng sạt lở sau thiên tai với tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng, gồm: Xây dựng khu tái định cư cho 40 hộ dân vùng phải di dời khẩn cấp do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại bản Huồi Cáng, xã Keng Đu; Xử lý sự cố sạt lở đất nghiêm trọng tại khu dân cư khối 4, khối 5 thị trấn Mường Xén; đầu tư hệ thống kè lòng khe Huồi Giảng và sạt lở núi đoạn qua bản Sơn Hà, Hòa Sơn… Đưa ra để thấy rừng Kỳ Sơn quả thực chưa bao bọc nổi đồng bào nơi đây.

Từ những băn khoăn, đắn đo của lãnh đạo và nhân dân huyện Kỳ Sơn, cũng như hóa giải nút thắt từ việc rừng đang bị “trói”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở phương án chia nhỏ thành những “bản nhỏ” thay vì tập trung toàn bộ 140 hộ dân về một khu tái định cư, đồng thời xem đây là cơ hội để tạo ra mô hình mới bằng cách cùng nhau phát triển mô hình du lịch sinh thái.

Trăm dâu đổ đầu… phòng hộ

Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện Kỳ Sơn là 209.000 ha, trong đó trên 90% thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Kỳ Sơn. Qua nhiều lần rà soát, điều chỉnh và quy hoạch 3 loại rừng, đơn vị này tạm thời được “ấn định” quản lý, sử dụng hơn 172.000 ha.

Với con số khổng lồ nêu trên, BQLRPH Kỳ Sơn nằm trong tốp chủ rừng sở hữu diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Cứ ngỡ bổ béo nào ngờ chỉ hữu danh vô thực. Rừng trải dài, phân bổ khắp địa giới hành chính của 20 xã, thị trấn (lớn nhất là xã Mỹ Lý với gần 20.000 ha, ít nhất là Na Loi với khoảng 4.000 ha) và cả Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, để quản lý và phát huy tối đa giá trị đòi hỏi nguồn nhân lực đủ lớn, có điều thực chất lại thiếu hụt trầm trọng suốt nhiều năm qua. Toàn đơn vị chỉ có 37 cán bộ công nhân viên, chia tất trên đơn vị diện tích, mỗi người phải “gồng gánh” trên vai 5.000 ha (?!)

 Công tác quy hoạch 3 loại rừng không đến nơi đến chốn khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Kỳ Sơn đối diện với muôn vàn áp lực. Ảnh: Quốc Toản.

Đặt trong bối cảnh địa hình chia cắt, hiểm trở, độ dốc lớn, hiện trạng quản lý đa phần là rừng phòng hộ, đồng bào lại sẵn thói quen tác động vào rừng, đi kèm với đó là hàng loạt yếu tố chủ quan khác, tựu chung nhiệm vụ bảo vệ rừng nơi đây luôn căng như dây đàn, án kỷ luật luôn treo trên đầu.

Danh nghĩa là ngồi trên mỏ vàng nhưng tình cảnh bấy lâu của BQLRPH Kỳ Sơn chẳng khác nào “ăn nhờ ở đậu”. Nói vậy là bởi ranh giới rừng thuộc quyền quản lý của đơn vị này cơ bản chưa được cơ quan có thẩm quyền phân định rạch ròi và tiến tới cắm mốc xác định thực địa, do đó chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng nghĩa tài sản không được đảm bảo về mặt pháp lý.

Chuyện tưởng như bịa lại là sự thật 100%, đến nay đơn vị mới được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất vỏn vẹn… 0,51 ha đất phi nông nghiệp đối trụ sở chính cơ quan, trạm quản lý bảo vệ rừng Hữu Kiệm, Mỹ Lý và Nậm Càn, diện tích còn lại chưa được trích đo. Bản đồ địa chính sử dụng qua nhiều thời kỳ, cơ sở dữ liệu thấp, tất thảy kéo theo sự chênh lệch thực địa không nhỏ. Mốc giới chưa rõ ràng là nguồn cơn thúc đẩy người dân ngang nhiên xâm lấn, chặt phá rừng làm nương rẫy. Câu chuyện không hề giản đơn khi đan xen giữa cái lý và cái tình, để hóa giải khó lắm thay.

 Với diện tích quản lý gần như "phủ sóng" toàn bộ huyện Kỳ Sơn, nhiệm vụ đặt ra cho Ban quản lý rừng phòng hộ hết sức nặng nề. Ảnh: Việt Khánh.

 Ý thức được áp lực khổng lồ đang đối mặt, bản thân chủ rừng cũng muốn đẩy nhanh quá trình trả đất, bàn giao về cho chính quyền quản lý để giảm tải. Khổ nổi kinh phí đo đạc, cắm mốc từ trên rót nhỏ giọt thái quá, kết hợp số liệu bất nhất của ngành NN-PTNT, ngành TN-MT và các bên liên quan khiến tiến độ chung tựa như rùa bò, thể hiện qua việc Kỳ Sơn là huyện cuối cùng của Nghệ An bắt tay triển khai chủ trương giao đất giao rừng.

Tác giả: Việt Khánh - Quốc Toản

Nguồn tin: nongnghiep.vn