Phụ huynh than khổ vì con lớp 1 vào học quá sớm từ 6h45
- 07:10 11-09-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cô Bùi Thị Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tịnh Bắc lý giải, thời khóa biểu này trường áp dụng với học sinh tiểu học trên địa bàn huyện từ nhiều năm nay.
"Thời khóa biểu của trường bắt đầu 6h45, học sinh vào lớp sinh hoạt đầu giờ 15 phút, đến 7h các em vào học chính thức", cô Bùi Thị Mai nói.
Buổi trưa trường cho học sinh tan trường lúc 10h (với các lớp 4 tiết) và 10h35 (với lớp học 5 tiết). Trường chưa tổ chức bán trú nên các em về sớm để ăn trưa, nghỉ ngơi cho tiết học buổi chiều.
Như vậy, việc vào học sớm cũng giúp học sinh có thể tan học sớm, có thời gian nghỉ trưa dài hơn.
Lịch vào học, tan học của học sinh trường Tiểu học Tịnh Bắc. (Ảnh: N.N) |
Trước đó, phụ huynh N.N chia sẻ bài viết lên mạng xã hội phản đối giờ vào học của con lớp 1 từ 6h45 là quá sớm kèm theo hình ảnh thời gian biểu. Đa số bình luận đều 'than khổ' vì nề nếp sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn theo giờ học của con.
Có người thức dậy từ 5h30 mới kịp giờ cho con đi học. Hơn thế nữa, vì dậy sớm nên con đến trường trong trạng thái ngái ngủ, uể oải.
"Sau khi ăn sáng xong, 6h30 đưa con đến trường để 6h45 vào học. Sáng nào cả nhà cũng gấp gáp, vội vàng. Buổi trưa cũng phải cắt cử một người đến trường từ 9h55 để đợi con tan học", phụ huynh chia sẻ và bày tỏ mong muốn nhà trường nên có sự điều chỉnh linh họat về giờ học của học sinh.
Liên quan đến câu chuyện trên, bà Hoàng Thị Thu Nhiên, chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds đánh giá, 6h45 vào lớp đối với học sinh tiểu học là quá sớm. "Đi học quá sớm khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi", bà nói và cho rằng, 7h30 vào học sẽ là thời gian hợp lý.
"7h30 các con vào lớp, sinh hoạt đầu giờ đến 7h45 bắt đầu giờ học sẽ giúp học sinh tỉnh táo, cha mẹ cũng không quá vội vàng buổi sáng", bà lý giải.
Bà Nhiên cũng lưu ý học sinh phải được ăn sáng đầy đủ. Ăn xong cần ít nhất 10-15 phút để thức ăn tiêu hóa chứ không phải vội vội vàng vàng vừa đi vừa ăn. Hơn thế nữa, phụ huynh cũng cần điều chỉnh lịch sinh hoạt buổi tối, cho con đi ngủ trước 10h30 để tái tạo năng lượng và có giấc ngủ chất lượng.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, càng ở cấp học nhỏ, chất lượng giấc ngủ càng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ và cảm xúc của trẻ.
Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6 - 13 tuổi phải ngủ đủ tối thiếu 7-8 tiếng/ ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9 - 11h mỗi đêm cho lứa tuổi này. Ông đánh giá, giấc ngủ liên quan đến các chức năng về mặt thể chất và tâm lý, giúp tái tạo năng lượng cho cơ thể, hỗ trợ trí nhớ, điều chỉnh tâm trạng, mức độ ngon miệng.
Việc thiếu ngủ liên quan đến năng lực tập trung, khả năng tư duy phản biện, trí nhớ công việc… dẫn đến học sinh thiếu ngủ thường có kết quả học tập thấp hơn, tỷ lệ béo phì cao hơn, tăng viêm nhiễm và các bệnh vặt do sức đề kháng suy yếu. Ngoài ra, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng dễ dẫn đến hành xử hung hăng hơn, dễ lo lắng hơn.
Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu vào lớp từ 7h45, ở TP.HCM có trường áp dụng giờ vào học từ 8h. Năm ngoái, Sở GD&ĐT TP.HCM từng có văn bản yêu cầu, giờ bắt đầu học buổi sáng của học sinh mầm non và tiểu học không được bắt đầu trước 7h30 sáng hàng ngày. |
Tác giả: THI THI
Nguồn tin: vtc.vn