Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ họp phiên thứ nhất

Sáng 08/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Phiên họp diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

 Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Nghệ An

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập và phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 31/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng Tổ công tác.

 

 Lãnh đạo các Sở, ngành tham dự phiên họp

Các Tổ phó gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn (Tổ phó Thường trực);  Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an.

Các thành viên Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phạm Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan; Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan (Ủy viên Thường trực).

 Lãnh đạo các địa phương trong tỉnh tham dự phiên họp

Nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Kịp thời nắm bắt, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các báo cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân (bao gồm cả những quy định dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật); định kỳ hoặc đột xuất làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổ công tác cũng đã xây dựng Quy chế hoạt động, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới.

Trong tháng 9 này, Tổ công tác đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: Rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC cung cấp trên Cổng DVCQG,  Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, để cắt giảm các thông tin phải khai báo khi thực hiện DVCTT; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các phương án vượt thẩm quyền; bảo đảm cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo. Đến tháng 12/2023: Hoàn thành rà soát ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ TTHC...

Tập trung nêu rõ khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị

Đặt vấn đề mở đầu phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang  - Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, việc thành lập Tổ công tác với sự tham gia đầy đủ của các Bộ, ngành cho thấy tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay hầu hết các Doanh nghiệp cho rằng nếu đơn giản hóa TTHC sẽ tạo được cảm hứng và tạo điều kiện để vượt qua khó khăn. Thời gian qua, công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng đã làm được nhiều việc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nội dung này mà gần nhất là ban hành Kế hoạch cải cách TTHC 6 tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn, bởi vậy trách nhiệm đầu tiên của Tổ công tác là bàn, tìm ra cách để tháo gỡ các điểm nghẽn. “Đề nghị các đồng chí đi thẳng vào những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị cần phải làm cái gì. Chúng tôi sẽ cố gắng tổng hợp, xây dựng kế hoạch với tinh thần đề cao trách nhiệm của các thành viên Tổ công tác để thực hiện” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Trên cơ sở đặt vấn đề của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, tại phiên họp các đại biểu đã đề xuất một số kiến nghị để thực hiện tốt công tác cải cách TTHC. Một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế ràng buộc giữa cán bộ, công chức thực thi công vụ với doanh nghiệp, bên nào sai bên đó phải chịu trách nhiệm; có cơ chế để cán bộ công chức cơ sở dám nghĩ, dám làm, đồng hành với doanh nghiệp; phân công cho Văn phòng Chính phủ tiếp nhận phản ánh kiến nghị về các nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác; đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác cải cách TTHC...

Ngoài ra, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố đề cập đến những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC tại địa phương, trong đó đề xuất thống nhất cơ chế chính sách và hoạt động của Bộ phận một cửa.

Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, phân cấp trong giải quyết TTHC

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại hội nghị

Tham gia ý kiến tại phiên họp, thông tin tới các đại biểu một số kết quả nổi bật mà tỉnh Nghệ An đạt được trong thực hiện công tác cải cách TTHC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cũng đã phản ánh những vướng mắc, khó khăn. Thực tế, các Sở, ngành chưa có nhiều kiến nghị cắt giảm, đơn giản hoá thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết TTHC. Việc cập nhật kết quả giải quyết TTHC lên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC chưa kịp thời, chính xác dẫn đến sai lệch số liệu trên Hệ thống và thực tế. Trang thiết bị, phần mềm chuyên ngành phục vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC chưa đồng bộ.

Tỉnh Nghệ An đề nghị các Bộ, ngành Trung ương rà soát, tham mưu cho Chính phủ để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các TTHC, quy định TTHC không cần thiết, không hợp pháp, hợp lý và phân cấp việc giải quyết TTHC cho Bộ, ngành, địa phương theo Phương án đã phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh rà soát, phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng lựa chọn các TTHC, nhóm TTHC liên quan đến người dân để UBND cấp huyện thực hiện (quản lý khoáng sản; hành nghề khám, chữa bệnh…) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC.

Đặc biệt, đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Mặt khác, tỉnh cũng đề nghị các Bộ: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội dừng việc in ấn, phát hành các phôi, biểu mẫu như: Lý lịch tư pháp; bản sao Mẫu biểu hộ tịch; Giấy phép lao động… làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và lãng phí. Đồng thời đề nghị các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Y tế phối hợp với tỉnh để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm chuyên ngành và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, giải quyết và phục vụ theo dõi, giám sát đánh giá việc giải quyết TTHC.

Không cắt giảm THCH một cách máy móc mà phải đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước và thực sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác cải cách TTHC thời gian qua, từng bước tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và người dân. Điểm mới của Tổ công tác lần này là giao định lượng, tiến độ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí thành viên Tổ công tác, đề nghị các công chí đeo bám thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu đề ra. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nơi nào Người đứng đầu địa phương quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện thì nơi đó sẽ làm tốt và ngược lại.

Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến chậm chuyển biến trong công tác cải cách TTHC, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang là do thể chế chưa kịp sửa; do thói quen; có nơi có người không mong muốn có sự minh bạch vì sợ không có “quà”, không có “phong bì”; ngại khó bởi nếu “bày” ra câu chuyện mới lại phải học từ đầu; thậm chí có người xem việc khác quan trọng hơn việc này nên chưa quan tâm đúng mức... Bên cạnh đó, thực hiện việc cải cách TTHC còn có sự né tránh, sự phối hợp không tốt giữa các Bộ, ngành...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn các Bộ, ngành, địa phương cần phân cấp mạnh mẽ trong thực hiện giải quyết TTHC; cùng với đó thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, bởi đây là cơ sở quan trọng trong thực hiện cải cách TTHC.

Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc cắt giảm THCH không thực hiện một cách máy móc mà phải đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước, kiểm soát tình hình và thực sự tạo thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân đồng thời mong muốn được tiếp nhận thông tin phản ánh gửi đến Tổ công tác. Với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về ứng xử các thông tin được gửi đến Tổ công tác. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản giao việc cho từng Bộ, ngành và lưu ý có những bộ TTHC không thực hiện được do vướng liên quan đến quy định của pháp luật thì từ nay đến 30/9/2023 cần phải rà soát và có sự phản hồi lại với Tổ công tác để có cơ sở đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để thay đổi.

“Kết quả cải cách TTHC sẽ được đưa vào đánh giá cuối năm của các Bộ, ngành, địa phương, các đồng chí đứng đầu các cơ quan, đơn vị, thành viên Tổ công tác bởi vậy rất mong các đồng chí phát huy hết trách nhiệm” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn