Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thứ trưởng Bộ Công an: Vụ khủng bố Đắk Lắk là hệ quả quá trình không ngừng chống phá

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nêu rõ vụ khủng bố Đắk Lắk là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá.

 Thượng tướng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại phiên họp - Ảnh: GIA HÂN

"Đây có thể coi là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá"

Ngày 6-9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, thượng tướng Trần Quốc Tỏ - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng vụ việc khủng bố xảy ra ở Đắk Lắk là một việc đáng tiếc.

"Đây có thể coi là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá, chứ không đơn thuần do sơ suất", ông Tỏ nói.

Theo ông Tỏ, nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vẫn là những vấn đề kinh tế - xã hội của đồng bào trong vùng; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, trước và sau khi sự việc xảy ra, Bộ Công an đã có nhiều văn bản tham mưu về nội dung này.

Sau khi sự việc xảy ra, bộ cũng đã tham mưu và có cuộc họp cấp ủy với 10 tỉnh khu vực Tây Nguyên, từ đây nhận rõ nguyên nhân và có kết luận.

Trước đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, đại diện nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, bày tỏ lo ngại về vụ khủng bố đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, chính trị địa phương.

Nhóm đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước, triển khai các giải pháp tổng thể, nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm để phòng ngừa không để xảy ra vụ việc tương tự.

Ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ tương tự như ở Đắk Lắk

Thảo luận sau đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá nguy cơ về mất an ninh tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và biên giới, vùng sâu, vùng xa nói riêng vẫn còn lớn.

Những khu vực này hầu hết đều rất rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, nhiều tỉnh giáp biên giới, dân số thưa thớt trong khi số lượng dân di cư không theo kế hoạch nhiều.

Đây cũng là nơi thường được các loại tội phạm lựa chọn để lẩn trốn, tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, nguy cơ xảy ra mất an toàn, phát sinh các loại tội phạm rất cao, song lực lượng chức năng mỏng, điều kiện, cơ sở vật chất còn hạn chế.

Thông qua việc xây dựng luật về lực lượng an ninh cơ sở, ông kiến nghị Bộ Công an cần kiện toàn, đặc biệt ở khu vực trọng điểm để phòng chống các loại tội phạm hiệu quả hơn, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ tương tự như ở Đắk Lắk.

Còn đại biểu Đinh Văn Thê (phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai) cũng lo ngại về công tác quản lý vũ khí quân dụng. Theo ông, vừa qua một số địa phương phát động "đổi gạo lấy vũ khí" phát hiện vũ khí trái phép trong dân còn nhiều.

Ông đặt vấn đề tại sao một khối lượng lớn vũ khí "nóng" như thế được tuồn vào, hình thành các vụ chống người thi hành công vụ, sát thương cán bộ? Đồng thời, đề nghị ngành công an, chính quyền địa phương cần siết chặt công tác quản lý hơn nữa.

Rạng sáng 11-6, có một nhóm người bịt mặt, mang theo súng, lựu đạn, bom xăng, dao kiếm chia làm nhiều tốp tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur (huyện Cư Kuin) chặn đường lực lượng chức năng.

Tại trụ sở UBND hai xã, nhóm này đã sát hại 4 cán bộ chiến sĩ, làm bị thương 2 cán bộ công an khác. Trên đường di chuyển, nhóm này đã sát hại thêm 5 người khác ở trên đường, trong đó có 2 lãnh đạo xã Ea Ktur, Ea Tiêu và 3 người dân.

Ngoài ra nhóm này đã đốt phá nhiều công trình, phòng làm việc tại trụ sở UBND hai xã nêu trên. Đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt, khởi tố 96 người với nhiều tội danh và hiện vẫn đang mở rộng điều tra, xử lý những người liên quan.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ