Nghệ An: TAND TP Vinh thụ lý đơn tố cáo vụ một thẩm phán ký 'văn bản con'?
- 07:58 07-09-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước đó, ngày 15/8/2023, bà Yến đã ký Công văn số 2200/2023/VP-TA (Viết tắt là Văn bản số 2200) gửi Ngân hàng TMCP Nam Á – Chi nhánh Lý Thường Kiệt (ĐC: Số 253, đường Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Theo nội dung văn bản này thì: Ngày 11/8/2023, TAND TP Vinh đã nhận đơn khởi kiện của Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn (ĐC: Số 30 đường Phan Chu Trinh, phường 2, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) về “Hợp đồng thi công xây dựng”. Đơn vị bị kiện là Công ty CP Tư vấn Đầu tư BTB (Địa chỉ: Khối Tân Lâm, phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Trụ sở TAND TP Vinh - Nơi thẩm phán Lê Thị Hải Yến – Chánh toà dân sự đang công tác. |
Tại hồ sơ khởi kiện, Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn có đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là “không giải ngân” hoặc “cấm giải ngân” từ tài khoản của Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn tại Ngân hàng TMCP Nam Á – Chi nhánh Lý Thường Kiệt đối với Công ty CP Tư vấn Đầu tư BTB. Sau đề nghị này của Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn, Thẩm phán Lê Thị Hải Yến đã ký công văn trên đề nghị Ngân hàng TMCP Nam Á – Chi nhánh Lý Thường Kiệt tạm dừng các giao dịch thực hiện nghĩa vụ thanh toán bão lãnh của Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn đối với Công ty CP Tư vấn Đầu tư BTB.
Không đồng ý với việc ra công văn trên, mới đây Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư BTB Lê Quốc Khánh đã ký đơn tố cáo thẩm phán Lê Thị Hải Yến gửi đến nhiều cơ quan chức năng liên quan từ Trung ương đến tỉnh Nghệ An đối với hành vi: Lợi dụng chức vụ quyền hạn cố tình làm trái quy định của pháp luật khi ban hành Văn bản số 2200.
“Dù chưa có tài sản bảo đảm đối với việc yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn, không ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo luật định (Theo điểm a, khoản 2, Điều 133, Bộ Luật tố tụng dân sự và Điều 136, Bộ Luật tố tụng dân sự) nhưng thẩm phán Lê Thị Hải Yến vẫn ký ban hành Văn bản số 2200 đề nghị Ngân hàng TMCP Nam Á – Chi nhánh Lý Thường Kiệt tạm dừng các giao dịch thực hiện nghĩa vụ thanh toán bão lãnh của Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn đối với Công ty CP Tư vấn Đầu tư BTB.
Đây chẳng khác gì là “văn bản con”, thiếu căn cứ pháp lý, tuỳ tiện, có dấu hiệu thiếu minh bạch, khách quan trong quá trình xử lý hồ sơ khởi kiện mặc dù vụ án chưa được thụ lý. Vì vậy đề nghị TAND TP Vinh ban hành văn bản thu hồi, huỷ bỏ Văn bản số 2200, tránh xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp cho công ty chúng tôi”, đại diện phía Công ty CP Tư vấn Đầu tư BTB khẳng định.
Làm việc với PV Đời sống và Pháp luật, Thẩm phán Lê Thị Hải Yến thừa nhận đã trực tiếp ký ban hành Văn bản số 2200. Bà yến giải thích việc ký công văn đó là do sau khi nhận đơn khởi kiện thì phải xử lý. Đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp nhưng để ban hành ngay và luôn quyết định thì phải chính xác tuyệt đối nên mới ra công văn trước.
“Việc chúng tôi làm là theo đúng quy định của pháp luật. Tôi khẳng định tôi chẳng làm trái”, thẩm phán Yến giải thích. Tuy nhiên phóng viên hỏi: Việc bà ký ban hành Văn bản số 2200 là dựa theo căn cứ pháp lý nào, trong khi theo luật định là phải ký ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời? Thì bà Yến không dẫn chứng được nhưng lại cho rằng: “Chúng tôi có những cái phần mềm để xử lý cái cứng. Trước mắt chưa ra được quyết định thì ra công văn này (Văn bản số 2200-PV)”. Cũng theo bà Yến thì việc ra Văn bản số 2200 có báo cáo với cấp trên và Chánh án TAND TP Vinh Trần Anh Sáng cũng đã đồng ý?
Được biết, mới đây ngày 21/8/2023, Chánh án TAND Vinh đã ký Quyết định số 02/2023/QĐ-TA thụ lý tố cáo đối với: Thẩm phán Lê Thị Hải Yến – TAND TP Vinh, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.
Về giải thích của Thẩm phán Lê Thị Hải Yến, một chuyên gia pháp lý phản biện:“Căn cứ theo Điểm a, khoản 2, Điều 133 Bộ Luật tố tụng dân sự thì “Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu”. Việc thẩm phán Lê Thị Hải Yến cho rằng Văn bản số 2200 chỉ là "phần mềm" để chuẩn bị ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không có cơ sở, trái quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự”. |
Tác giả: Trọng Đức
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn