Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Gặp “thủ lĩnh” cuộc đua ô tô địa hình “Vượt đại ngàn Buôn Đôn”

Thật bất ngờ, một doanh nhân thành đạt và là "thủ lĩnh" cuộc đua ô tô địa hình "Vượt đại ngàn Buôn Đôn 2023" lại sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, do phải chứng kiến nhiều cảnh thăng trầm cuộc sống của gia đình nên anh đã quyết chí học tập, sớm rời quê hương để tự thân lập nghiệp.

Người đàn ông có tuổi thơ dữ dội đó chính là anh Phan Đức (SN 1981), quê huyện Yên Thành, Nghệ An. Hiện là Tổng Gíam đốc Cty Cổ phần Con- Heo- Vàng FEED – UKg (có trụ sở đóng tại Khu kinh tế Đông Nam, Nghệ An); đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Rubi Đại Ngàn (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) là Trưởng ban tổ chức giải đua ô tô địa hình Vượt đại ngàn Buôn Đôn 2023.

 Phan Đức "thủ lĩnh" cuộc đua ô tô địa hình lúc trên tàu biển của mình

Từ cậu học sinh nghèo vượt khó

Bên ly cà phê, vẻ mặt chút trầm ngâm, anh hồi tưởng lại ký ức tuổi thơ dữ dội của mình: Để trở thành “thủ lĩnh” giải đua ô tô địa hình như ngày hôm nay, chẳng mấy ai biết anh đã từng trả giá không những mồ hôi mà cả máu và nước mắt. Doanh nhân Phan Đức tâm sự.

Vốn sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều làm cán bộ, ngoài công việc nhà nước, gia đình còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau. Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước (thế kỷ 20) bố anh là một trong những người đầu tiên của vùng quê lúa Yên Thành không những có nhà cao cửa rộng, có tivi, xe máy mà còn là người đầu tiên có tiền mua ôtô khách để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân ở tuyến Yên Thành- Cầu Bùng- Vinh và ngược lại.

Tuy nhiên, cuộc sống khấm khá đó chẳng bao lâu thì gia đình anh làm ăn không gặp may mắn. Chứng kiến nhiều thăng trầm, nhiều cay đắng của cuộc sống gia đình, ngay từ nhỏ Phan Đức đã tỏ ra một người rắn rỏi, mạnh mẻ và máu me làm ăn kinh doanh, buôn bán, quyết gồng lên sống lên với đời.

Anh nhớ lại, từ ngày còn học cấp 2 (Trường THCS năng khiếu huyện Yên Thành, nay là Trường THCS Bạc Liêu), Đức đã tự mình biết kiếm tiền. Một buổi đi học, buổi còn lại anh chạy xe máy Min- Khơ lên tận vùng núi Quỳnh Tam, thuộc vùng núi huyện Quỳnh Lưu cách nhà gần cả trăm cây số để lấy măng về xuôi bán kiếm lời.

Từ những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của mình ngay từ khi còn bé, nên Đức rất biết tôn trọng sức lao động của bao người. Rồi có những ngày nghỉ học, anh lại chạy xe đi lên miền núi mua gỗ về đóng thành phẩm rồi đưa đi bán hoặc nhập lại cho những hộ kinh doanh khác.

 Thủ lĩnh" Phan Đức (áo vàng bên phải) một lần đi khảo sát đường đua ở Buôn Đôn.

Anh Phan Đức chia sẽ thêm: Hồi đó, sau khi tốt nghiệp cấp 2, biết Trường ĐHSP Vinh thông báo tuyển sinh vào khối chuyên Toán THPT, anh đã khăn gói bắt xe lên thành phố đăng ký dự thi và đã trúng tuyển.

Trong suốt quảng thời gian 3 năm học phổ thông với chàng trai quê mùa, Phan Đức lại là những tháng ngày dữ dội nhất. Kể từ khi rời gia đình để vào TP Vinh theo học cấp 3 là bắt đầu những chuổi ngày tháng tự lập. Kể từ đây anh không bao giờ phải tiêu xài một “đồng xu” nào của bố mẹ nữa mà tự thân kiếm sống.

Một buổi lên giảng đường, buổi còn lại về phòng trọ làm than tổ ong đi nhập khắp địa bàn thành phố Vinh để kiếm tiền. Những ngày nghỉ, anh lại về nhà để lơ xe (phụ xe) khách tuyến Vinh- Yên Thành. Cũng chính trong khoảng thời gian này là khoảng thời gian kinh tế gia đình anh bắt đầu lao đao nhất.

Bố mẹ làm ăn không gặp may nên gia đình có những lúc rơi vào tình cảnh khó khăn, nhất là căn bệnh trong cơ thể của bố anh thỉnh thoảng lại tái phát do vết thương từ những tháng ngày chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Bên cạnh đó, cô con gái duy nhất (chị gái của anh Phan Đức, là một nữ sinh cấp 3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cũng do ảnh hưởng di chứng chiến tranh của bố để lại mà khiến bệnh tình ngày một nặng hơn mà bố mẹ anh rất vất vã mới xoay xở được tiền để chữa bệnh cho con gái.

Trong suốt câu chuyện dài, một vài kỷ niệm buồn làm anh không khỏi xúc động khi nhớ lại hình ảnh các anh, chị bạn của anh trai, chị gái, anh em gần xa… quyên góp từng đồng tiền nhỏ bé để giúp đỡ bố mẹ có tiền chữa bệnh cho chị gái.

Bên cạnh những tình cảm yêu thương của mọi người dành cho gia đình anh thì cũng không ít lần phải chứng kiến chuyện đời đầy éo le và cay đắng nơi ngôi nhà của bố mẹ mình. Có những lần do chưa có tiền thanh toán trong kinh doanh mà con nợ đã thuê cả “xã hội đen” mang mìn đến nhà dọa giết. Rồi thì trong nhà có cái gì có giá trị họ đều lấy hết để trừ nợ. Đến chiếc quạt trong nhà đang chạy họ cũng lột ra để trừ nợ.

Trước tình cảnh bi đát đó, Đức lại tranh thủ đi làm đủ thứ nghề, rồi dạy kèm cho chính những người bạn “đồng trang phải lứa” với mình để cùng nhau thi đậu vào đại học.

 Từ thức ăn gia súc, "thủ lĩnh" Phan Đức đã mang đến cho người dân sử dụng thực phẩm sạch.

Mặc dù trong hoàn cảnh như vậy nhưng sau khi tốt nghiệp cấp ba, khối chuyên Toán của Trường ĐHSP Vinh, Đức đã thi đỗ vào Học Viện Ngân Hàng(Hà Nội) và theo học chuyên ngành Kế toán Kiểm toán. Một điều rất thú vị mà giúp anh Đức thêm nụ cười trong cuộc sống đó là chính một số người bạn được gia đình họ thuê anh dạy kèm trong khoảng thời gian học phổ thông, sau đó đã cùng anh thi đỗ vào đại học với nhau.

Với lối sống tự thân vận động và vươn lên trong gian khó đã giúp Đức rèn dũa khí chất của mình. Vì thế, mới bước vào đại học, Phan Đức đã tiếp tục tranh thủ con đường kinh doanh. Năm thứ nhất đại học (thời điểm năm 2.000) Đức đã biết vào Tây Nguyên để mua cà phê đem ra Hà Nội nhập cho các cửa hàng, đại lý.

Sau đó thu mua gỗ ở Tây Nguyên cũng mang ra nhập cho các kho xưởng, nhà máy ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận phía Bắc. Sau khi đã tích lũy được ít tiền, Đức tiếp tục nghiên cứu chuyển qua một số lĩnh vực, thị trường khác. Chẳng mấy ai nghĩ rằng, một cậu sinh viên còn non trẻ mà đã biết mua ôtô, xe máy ở thủ đô Hà Nội rồi mang về các vùng quê để bán kiếm lời.

Chính từ sự chịu thương chịu khó và sớm lăn lộn với đời như vậy mà ngay từ thời sinh viên anh đã có tiền tỷ trong tay. Mua tặng, kỷ niệm bố mẹ, chị gái những chiếc xe máy đắt tiền như: A Còng, Dream2 của thời điểm đó có trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

 Ngoài kinh doanh vận tải biển, sản xuất thức ăn gia súc, Phan Đức còn rất đam mê thể thao đua ô tô địa hình.

Mặc dù vừa kinh doanh đủ thứ nghề trong tay, nhưng Đức không bao giờ bỏ quên chuyện học. Nhờ vậy mà sau khi tốt nghiệp Học viện Ngân Hàng, rất nhiều Cty, đơn vị mời Đức về làm việc. Sau đó anh đã vào làm kế toán cho một Cty điện máy, rồi Cty xây dựng có danh tiếng tại Việt Nam và đã thi công xây dựng một số tuyến đường, cầu cống nổi tiếng ở miền Trung và Tây Nguyên.

Đến doanh nhân thành đạt

Trong khi công việc đang ổn định, nhưng vốn sinh ra trong một gia đình trí thức, hiếu học nên "thủ lĩnh" Phan Đức đã quyết định trở lại Hà Nội để ôn và thi đỗ cao học để tiếp tục làm Thạc sỹ ở Học viện Ngân hàng. Cùng thời điểm này, anh đã thi trúng tuyển vào làm việc tại một ngân hàng danh tiếng của Việt Nam, đồng thời có mở thêm một Cty riêng để phục vụ công việc kinh doanh cá nhân.

Anh Đức kể lại: Vừa đi học vừa làm việc trong ngành ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, anh đã được lãnh đạo Ngân hàng bổ nhiệm chức danh Phó trưởng phòng tín dụng (thời điểm đó đơn vị anh công tác chưa có trưởng phòng).

 "Thủ lĩnh" Phan Đức (bên phải) cùng phóng viên Tamnhin.trithuccuocsong.vn trên tàu biển của anh ấy.

Nhưng rồi ngã rẽ để hướng tới trở thành một doanh nhân dường như cũng bắt đầu từ đây, khi mọi việc đang phát triển khá tốt với con đường công danh thì anh đã vác đơn lên gặp Ban giám đốc xin nghỉ việc; mặc dù lúc đó đang giữ vị trí Trưởng phòng Tín dụng để về đứng ra thành lập một liên doanh gồm: Việt Nam - Singapore – Malaysia – Trung Quốc tham gia dự thầu các dự án tại Singapo và Malaysia để thực hiện gói thầu san lấp biển giữa Singapore và Malaysia.

Sau đó anh đưa 12 con tàu biển và gần 100 công nhân sang Singapore và Malaysia bắt tay vào công việc. Những ngày đầu "mang chuông đi đánh đất người" của chàng trai xứ Nghệ vô cùng khó khăn. Có những lúc anh đã cùng các chiến hữu phải ăn ngủ dưới buồng mấy ngày liền để khắc phục sự cố cho tàu kịp đi lấy hàng.

Trong những ngày tháng khó khăn này, Đức luôn động viện anh em “còn 1 chiếc răng cũng bừa”. Với những quyết tâm đó, mọi khó khăn đã được gạt phẳng, những đồng đôla đã dần được tích lũy và anh em công nhân có tiền gửi về quê, Cty có tích lũy để trả nợ Ngân hàng.

Điều đáng nói, mặc dù bôn ba kinh doanh khắp nơi, nhưng Đức luôn trăn trở về một vùng quê thuần nông nghèo ở xứ Nghệ luôn gặp rủi ro thiên tai, lũ lụt, bệnh tật bất thường. Với suy nghĩ: “bệnh là từ miệng ăn vào”, muốn trị tận gốc bệnh tật thì phải được ăn thực phẩm sạch.

Vì thế, từ đầu năm 2015-2016, anh đã quyết định trở về Việt Nam để tiếp nhận chuyển nhượng (mua lại) Cty cổ phần CON HEO VÀNG – FEED – UK (Tiền thân là Nhà máy thức ăn gia súc Con Heo Vàng Nghệ An) để hoạt động.

 Hàng trăm lao động trong nhà máy và hệ thống đại lý Con Heo Vàng của doanh nhân Phan Đức.

Với phương châm “Chất lượng vàng khẳng định vị thế”, trên cơ sở kế thừa bộ sản phẩm đậm đặc hoàn hảo từ “Nhà máy thức ăn gia súc Con Heo Vàng Nghệ An”. Tổng Giám đốc Phan Đức đã cùng tập thể ban lãnh đạo và một số chuyên gia nước ngoài quyết định nghiên cứu, thực nghiệm bộ sản phẩm hỗn hợp với chất lượng hoàn hảo từ nguyên liệu sạch của vùng quê miền Trung như: ngô; đậu; cám gạo; mật mía… trên đàn gia súc, gia cầm tại khu khảo nghiệm của nhà máy.

Từ đó, bộ sản phẩm hỗn hợp CON HEO VÀNG - FEED - UK đã cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Trung và được người tiêu dùng tin tưởng đánh giá cao. Hiện tại Cty đã có gần 8 trăm đại lý lớn nhỏ để cung cấp thức ăn chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm sạch trên toàn quốc. Giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là công nhân con em nông dân, nông thôn khắp vùng miền Trung.

Vì một nền thực phẩm sạch, an toàn, CON HEO VÀNG sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, tự tin vững bước đi lên trong thời kỳ hội nhập. Bởi thế, chỉ sau 2 năm đột phá – sáng tạo (từ 2016 đến 2018), sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp CON HEO VÀNG –FEED – UK Nghệ An đã được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.

Vừa qua, Hội đồng sơ tuyển Giair thưởng Chất lượng tỉnh Nghệ An còn đề xuất Hội đồng Quốc gia GTCLQG đánh giá xem xét, quyết định đề nghị Bộ Khoa học &Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục trao tặng giải thưởng Chất lượng vàng Quốc gia.

“Thủ lĩnh” cuộc đua ôtô địa hình

Mặc dù chỉ gặp anh nhoáng một chút xíu khi tôi bám càng chiếc xe di chuyển từ Trung tâm sân vận động huyện Buôn Đôn(Đắk Lắk) ra đến khu vực trường đua. Vừa lái xe, một bên tay của anh Đức kẹp theo bộ đàm, điện thoại liên tục chỉ huy đoàn xe đua cho đến tất cả các bộ phận khác làm công tác phục vụ cuộc đua ô tô địa hình “Vượt đại ngàn Buôn Đôn 2023”. Dù thỉnh thoảng anh mới trả lời một câu nhưng phóng viên Tamnhin.trithuccuocsong.vn cũng đủ thông tin về anh trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi này.

 Doanh nhân Phan Đức, Trưởng Ban tổ chức giải đua ô tô địa hình "Vượt đại ngàn Buôn Đôn".

Được biết, anh Phan Đức đam mê môn thể thao này từ lâu. Tuy nhiên, gần đây mới có điều kiện để tham gia với anh em trong giới đua ô tô địa hình. Không ngờ rằng, môn thể thao này nó lại thu hút sự chú ý của người dân trong nước và quốc tế nhiều đến thế. Ngấp nghé gia nhập làng thể thao này chưa được bao lâu nhưng anh Phan Đức đã sớm trở thành một tay đua cừ khôi, từng dành được nhiều giải cao của các cuộc đua ô tô địa hình trong nước và quốc tế.

Anh Phan Đức tâm sự: Vùng đất Buôn Đôn nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25 km, là huyện có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc… Buôn Đôn là xứ sở của nghề thuần dưỡng voi rừng, với những huyền thoại và phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, có tiềm năng và lợi thế lớn trong các hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, Buôn Đôn có đất đai cằn cỗi, địa hình hiểm trở, khó khăn cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Du lịch Buôn Đôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, lượng khách quốc tế và khách lưu trú đến với Buôn Đôn chưa nhiều. Vì vậy, huyện Buôn Đôn cần có những hoạt động đẩy mạnh và phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Giải đua do doanh nhân Phan Đức làm "thủ lĩnh" đã thu hút được 80 đoàn tham gia.

Không những thế, để nhằm quảng bá cho vùng đất Buôn Đôn huyền thoại tới khách du lịch trong nước cũng như trên toàn thế giới, đồng thời thông qua giải đua này còn để thúc đẩy các công tác xã hội, từ thiện tới những vùng sâu, vùng xa cho đồng bào Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Từ những ý tưởng trên mà đã ra đời giải đua ô tô địa hình “Vượt đại ngàn Buôn Đôn 2023.”

Anh Phan Đức chia sẽ thêm, đơn vị đã có thời gian khoảng 6 đến 8 tháng để nghiên cứu địa hình và chọn Buôn Đôn làm nơi tổ chức giải. Bởi lẽ, nơi đây có địa hình phức tạp, đủ để thử thách các tay đua.

Điều rất vui mừng là giải đua vừa qua đã quy tụ được 80 đoàn đua, trong đó có nhiều tay đua ô tô địa hình kì cựu như: Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Trọng Toàn, Vũ Ngọc Cường, và một số tay đua của nước ngoài như: Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Ukrainer… Kinh phí tổ chức giải được vận động từ các nguồn xã hội hóa. Về cơ cấu giải thưởng đã có nhiều giải chính, giải phụ với tổng giá trị khoảng trên 1 tỉ đồng.

Theo anh Phan Đức, qua giải đua lần này, Ban tổ chức cũng muốn gây dựng phong trào đua xe địa hình lành mạnh trong nước, tiến tới gia nhập Giải đua xe địa hình Châu Á, và sẽ tổ chức thường xuyên trong những năm tới ngay tại huyện Buôn Đôn này.

Ngay từ khi xây dựng, chúng tôi đã có hành lang rộng phía sau, tức là đưa giải vào hệ thống Hiệp hội Giải đua xe địa hình của châu Á, có như vậy giải mới tồn tại bền vững theo thời gian, các tay đua họ biết và tới tham gia nhiều hơn.

Bên cạnh đó, đua xe ô tô địa hình còn là hoạt động mới mang tính đột phá đặc thù, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; là cơ hội để đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất Buôn Đôn.

 Một chương trình đua ô tô địa hình do anh Phan Đức làm Trưởng BTC.

Thông qua giải, huyện Buôn Đôn kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk và các sở, ban ngành quan tâm tạo điều kiện để địa phương hình thành một trường đua hỗn hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đua như: xe đạp địa hình, mô tô địa hình, ô tô địa hình. Anh Phan Đức chia sẽ./.

Tác giả: Phan Sáng

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn