Hàng loạt công chức, viên chức Bình Thuận nghỉ việc
- 07:27 24-08-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chỉ trong vòng 9 tháng, hơn 200 trường hợp công chức, viên chức ở tỉnh Bình Thuận có nguyện vọng thôi việc, chiếm tỉ lệ 1,26% trong tổng số công chức, viên chức của tỉnh này.
Thu nhập chưa tương xứng
Trong số những ngành nghề có tỉ lệ thôi việc cao thì các y - bác sĩ của ngành y tế và giáo viên mầm non, tiểu học của ngành giáo dục và đào tạo nổi lên là nhóm ngành nghỉ việc phổ biến tại tỉnh Bình Thuận.
Ra trường, nhận việc tại một trường mầm non công lập trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) hơn 5 năm nhưng đến nay mức lương mà cô T. đang nhận chỉ hơn 5 triệu đồng. Ngoài mức lương này, cô T. và các đồng nghiệp tại trường hầu như không còn nguồn thu nhập nào khác. Quần quật một ngày làm việc hơn 10 giờ, không có thời gian chăm sóc gia đình trong khi mức thu nhập thấp khiến không ít lần cô bàn với chồng ý định nghỉ việc. "Theo quy định mới của trường thì năm học này nhà trường sẽ đón trẻ từ 6 giờ 30 phút, thay vì 6 giờ 45 phút như mọi năm để có thể cạnh tranh việc thu hút trẻ vào học với các trường tư thục. Đến sau 17 giờ các cô mới xong việc để về nhà. Ngoài ra, còn là áp lực về giáo án, sổ sách, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi… Các cô có rất ít thời gian để chăm lo gia đình mà đồng lương thì khó trang trải" - cô T. trải lòng.
Các cô giáo mầm non thường làm việc liên tục hơn 10 giờ/ngày nhưng thu nhập rất thấp |
Yếu tố thu nhập không bảo đảm đủ nhu cầu cuộc sống là nguyên nhân quan trọng khiến các thầy cô giáo tại tỉnh Bình Thuận bỏ việc có xu hướng tăng. Theo thống kê, hơn 50% cán bộ, công chức, viên chức có đơn thôi việc tại tỉnh Bình Thuận từ tháng 7-2022 đến hết tháng 4-2023 là những người công tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phần lớn trong số này là các thầy cô công tác tại bậc học mầm non và tiểu học.
Tình trạng giáo viên xin thôi việc tại tỉnh Bình Thuận cũng diễn ra từ nhiều năm trước, với 259 trường hợp, chiếm 59% tổng số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6-2022. Ông Phan Đoàn Thái, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào đạo tỉnh Bình Thuận, cho rằng đối với các thầy cô mầm non và tiểu học hiện nay, chế độ, chính sách đãi ngộ còn quá thấp trong khi áp lực công việc tăng cao. "Giáo viên mầm non trong quy định là làm việc 8 giờ/ngày nhưng thực tế đa phần các cô làm việc 10-11 giờ/ngày. Trong khi đó, lương đa phần của các thầy cô mới ra trường thường dưới 5 triệu đồng/tháng, không tương xứng với sức lao động bỏ ra. Nên dù rất yêu nghề nhưng các thầy cô vẫn xin thôi việc vì không bảo đảm cuộc sống" - ông Thái nói.
Áp lực tăng, tâm lý ngại trách nhiệm?
Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, từ tháng 7-2022 đến hết tháng 4-2023, toàn tỉnh có 215 trường hợp có nguyện vọng thôi việc. Tình trạng công chức, viên chức ở một số địa phương xin nghỉ việc theo nguyện vọng có xu hướng tăng. Bên cạnh thu nhập thấp thì áp lực công việc được xem là nguyên nhân quan trọng.
Từ giữa năm ngoái đến ngày 30-4-2023, gần 36% số cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc tại tỉnh Bình Thuận là những người công tác trong ngành y. Nhiều trường hợp trong số này nghỉ việc do chế độ tiền lương trong khu vực nhà nước còn thấp. Ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, cho biết nguyên nhân các y - bác sĩ xin nghỉ việc ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập để sang tư nhân làm việc vẫn là thu nhập và môi trường làm việc chưa hấp dẫn. Ngoài ra, áp lực công việc kéo dài từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay cũng khiến nhiều y - bác sĩ xin nghỉ việc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Thái Dương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, cho biết tình trạng nghỉ việc xảy ra có chiều hướng tăng trong khối nhà nước do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là áp lực công việc cao hơn sau khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Thứ hai là những vấn đề về quy định pháp luật có những nội dung còn chồng chéo, khiến cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý sợ sai khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm. "Tôi ví dụ có những việc làm, theo thông tư này thì đúng nhưng lại trật so với quy định kia. Hoặc là cùng một vấn đề nhưng mà cấp này hiểu khác, cấp kia lại hiểu khác; hoặc cũng một vấn đề, thời điểm này hiểu khác, thời điểm sau hiểu lại khác. Điều này dẫn đến các vấn đề đang lơ lửng về mặt pháp luật, không rõ cách làm đó có đúng tuyệt đối hay không" - ông Dương nói.
Đề xuất cải thiện tiền lương Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận cho biết đang đề xuất các cấp thẩm quyền có chính sách cải thiện tiền lương, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, bảo đảm được nhu cầu, điều kiện sống cơ bản. Đặc biệt, cần có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên môn về y tế, giáo dục. Sở này cũng sẽ tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh rà soát, sắp xếp vị trí việc làm, bố trí, phân công công việc khoa học, hợp lý, khắc phục tình trạng quá tải công việc đối với đội ngũ công chức, viên chức. |
Tác giả: Châu Tỉnh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động