Kỳ bí và đổi thay huyền bí bản làng nơi núi rừng miền Tây xứ Nghệ
- 19:02 22-08-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bây giờ lên với núi rừng miền Tây xứ Nghệ, chúng ta còn được chứng kiến một nơi “thâm sơn cùng cốc” đổi thay đến lạ kỳ nhưng bà con vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp bản sắc văn hóa của đồng bào mình để lưu truyền cho con cháu mai sau.
“Lộc trời” từ những dòng sông
Không ít người ví các bản làng nơi thượng nguồn dòng Nậm Nơn ở miền Tây Nghệ An giờ giống như “bầu sữa” vô tận đối với đồng bào sống ở đôi bờ con sông này. Vì chưa bao giờ đặc sản tôm cá nước ngọt ở vùng núi này nhiều đến thế.
Người dân bản làng miền Tây xứ Nghệ giàu lên nhờ "vựa cá" sông Nậm Nơn ban tặng. |
Chỉ cần đứng trên bến thuyền Thượng Lưu (thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương) vứt nắm cơm hoặc nắm lá cây xuống nước, là lập tức từng đàn cá to, cá nhỏ chạy đến đua nhau đớp mồi. Dọc các con khe, con suối nhỏ chúng tôi bắt gặp nhiều học sinh trường THCS Hữu Khuông (Tương Dương) đang tranh thủ xuống lòng hồ đánh bắt cá bán kiếm tiền ngoài thời gian đi học chữ.
Điều đặc biệt, ở vùng núi này có nhiều loài cá khác nhau và đã trở thành đặc sản như: Cá lăng, cá ngạnh, cá mát, cá chạch, chạch sú... Nhiều người dân ở các bản làng của xã Hữu Không, Mai Sơn (thuộc huyện Tương Dương) và Mỹ Lý, Huồi Tụ, Mường Lống (thuộc huyện Kỳ Sơn) chuyển hẳn sang nghề săn bắt các loài cá được mệnh danh là đặc sản của vùng núi rừng này.
Ngược vào lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ bằng chiếc thuyền máy nhỏ tròng trành, trọn cả ngày trời mới đến các bản làng đầu tiên của xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Nơi đây được xem là chốn “thâm sơn cùng cốc” của núi rừng, vì nằm tận thượng nguồn sông Nậm Nơn. Xã Mỹ Lý chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú sinh sống từ xa xưa.
Cuộc sống từ xưa nổi tiếng khó khăn. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, các bản làng của xã Mỹ Lý được đổi thay là nhờ “vựa cá” của lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ ban tặng. Càng ngược vào lòng hồ bao nhiêu thì tôm cá nước ngọt càng nhiều bấy nhiêu.
Một chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý chỉ tay xuống bến đò của bản làng Xiềng Tắm cho biết, sáng nào nơi đây cũng đông đúc bà con khắp các vùng lân cận như: Mường Lống, Bắc Lý, Huồi Tụ, Phà Đánh và một số “nậu” ở thị trấn Mường Xén (huyện biên giới Kỳ Sơn), thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) vào tham gia mua bán cá của bà con bản làng để đưa về xuôi.
Theo quan sát của phóng viên Tamnhin.trithuccuocsong.vn được biết, để “săn” được các loài cá quý hiếm, người dân có nhiều cách. Chỉ cần chiếc thuyền nhỏ, kèm theo lưới vây bủa hoặc dùng câu chùm, câu đơn... là có thể hành nghề.
Mỗi tối bà con bản làng đánh bắt được nhiều loại cá, nhưng hễ có các loài cá quý hiếm là các “nậu” tranh nhau mua với giá rất cao: Hơn 600 nghìn đồng/kg đối với cá lăng và cá lệch; 500 nghìn đồng đối với cá mát và cá ngạnh...
Sáng sớm, đi từ thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) qua các bản làng rồi lên thị trấn Mường Xén (huyện biên giới Kỳ Sơn) xuất hiện hàng trăm tay thợ săn cá lăng. Ông Lương Văn Trung, người dân xã Lượng Minh cho biết, bản Lã được xem là nơi “đệ nhất cá lăng”. Chỉ một khúc sông Nậm Nơn từ ngã ba Cửa Rào ngược lên bản Lã và cho đến bến thuyền Thượng Lưu có hệ thống câu, lưới giăng mắc dày đặc.
Trước đây, sáng nào bà con dân bản làng cũng bắt được hàng yến, có khi hàng tạ cá lăng. Mỗi ngày nước lũ về, cá lăng từ thượng nguồn trôi theo dòng nước, nhiều tay sát thủ coi đây là mùa làm cá, vì đánh bắt được nhiều hơn. Hơn nữa, những khi mưa lũ lớn, cá lăng từ thượng nguồn sông Nậm Nơn đổ về hoặc dưới sông Lam cá ngược lên theo dòng nước cuồn cuộn chảy qua khu vực này.
Ông Vi Văn Hợi (nguyên cán bộ huyện Tương Dương) tâm sự, trước đây mỗi lần đi công tác vào thung lũng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, khi ra thế nào cũng mua được dăm cân cá lăng. Vài năm trở lại đây, mua được cá lăng không còn dễ nữa, bà con bản làng bắt được cá là đưa ngay ra thị trấn nhập cho các nhà hàng.
Anh Lô Văn Long, một người dân bản làng Xốp Tụ, xã Mỹ Lý cho biết, trước đây gia đình anh lao động quần quật nhưng quanh năm vẫn thiếu đói. Nay nhờ chuyển sang làm nghề “săn” các loài cá quý nên gia đình được đổi đời. Để săn được những con cá lệch, cá lăng to bự, anh Long phải dùng lưỡi câu móc.
Ban đầu chỉ mong bắt được cá để về ăn, nhưng sau đó thấy đánh bắt được nhiều nên vợ chồng anh mới bỏ nghề rừng chuyển sang nghề này. Mỗi buổi tối bình thường gia đình anh cũng thu nhập được từ 300.000 đến 500.000 đồng, hôm nào may mắn thì được 1 đến 2 triệu đồng. “Một nguồn thu mà trước đây dù nằm mơ cũng không thấy”, anh Long nói.
Sau khi đánh bắt được cá, bà con bản làng miền Tây xứ Nghệ mang đi bán. |
Ông Kha Ngọc Minh (nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý) cho biết, trước đây xã này là một trong những địa phương nghèo nhất huyện biên giới Kỳ Sơn. Nay dòng Nậm Nơn ban tặng cho các bản làng của xã Mỹ Lý một “vựa cá” sinh sôi. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con các bản làng vừa đánh bắt vừa phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản để chúng được sinh sôi, nảy nở lâu bền.
Trước đây, nơi này từng được xem là cái rốn của các đường dây tội phạm ma tuý từ nước bạn Lào về Việt Nam. Lợi dụng địa hình sông núi hiểm trở, các đối tượng qua đây để về Huồi Tụ, sau đó tập kết về đỉnh Pù Lôm (Tương Dương).
Ngày nay, thay vì đi nương, đi rẫy, thậm chí có cả người xách ma tuý thuê... thì bà con các bản làng Mỹ Lý sống bằng nghề đánh cá trên sông. Điều đáng nói, dù là cá to hay cá nhỏ, hầu hết các loài cá nước ngọt sống ở vùng thượng nguồn sông Nậm Nơn này đều rất ngon.
Đêm văn nghệ của bản làng
Có mặt bữa tối tại bản Xằng Tớ, hôm ấy trùng với một vài đoàn khách du lịch của miền xuôi ngược dòng Nậm Nơn lên nghỉ lại nơi này. Trước khi bữa tiệc liên hoan bắt đầu, bản làng gọi mời một vị cao niên trong vùng đến “làm vía” để cầu chúc cho mọi người có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Sau khi “làm vía” xong, mỗi du khách đều được bà con trong bản buộc chỉ vào cổ tay rồi sau đó mới bắt đầu nâng chén rượu chúc mừng “thăm nhau”- theo cách gọi của đồng bào Thái.
Một tiết mục múa do các "sơn nữ" bản làng Xằng Tớ sáng tác và biểu diễn. |
Buổi tối tiệc rượu chưa kết thúc thì người dân khắp các bản làng đã tập trung về nhà văn hóa cộng đồng Xằng Tớ rất đông. Hầu hết người dân từ già, trẻ nhỏ, thanh niên… đều sặc sở trang phục của đồng bào dân tộc mình. Được biết, bản Xằng Tớ chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống từ xa xưa nên có nhiều nét văn hóa độc đáo riêng so với nhiều nơi khác.
Trong nhà và ngoài sân dường như đã chặt kín người đến để thưởng thức chương trình văn hóa, văn nghệ đậm chất của đồng bào mình. Trên sân khấu đội văn nghệ của bản làng kèm theo hệ thống loa máy đã sẵn sàng cho đêm diễn.
Để phục vụ chương trình đêm giao lưu văn nghệ, băng nhạc đơn sơ của bản làng đã sẵn sàng. Tiếng là băng nhạc nhưng thực chất chỉ có một người với một cái trống, kèm theo đó là một người thổi sáo trúc do họ tự sáng chế, bên cạnh là một tay nhạc công đánh đàn tự chế mà khi được hỏi tên gọi của cây đàn đó là gì người nhạc công này cũng không hề biết tên của nó.
Mặc dù đơn sơ là vậy, nhưng khi chương trình nổi lên, các bản nhạc của chính những “nghệ nhân” bản làng nơi đây đã khiến cho bao người xem phải ngạc nhiên đến lạ kỳ. Tại đây, chúng tôi còn được hòa cùng bản làng Xằng Tớ những làn điệu dân ca Thải cổ, những điệu múa lăm vông, điệu khắc luống, điệu nhảy sạp… đậm chất của đồng bào dân tộc Thái nơi núi rừng “thâm cung cùng cốc”.
Hòa chung những bài hát là giàn phụ họa múa của những cô gái Thái mới buổi chiều trên nương, trên rẫy, giới suối, giới khe. Các tiết mục múa cũng được chính các “sơn nữ” của bản làng sáng tác để phản ánh cuộc sống thực tế của người dân lao động nơi này như: lên nương, đi rẫy, xuống núi, vào rừng, lội suối… khiến cho người xem rất ấn tượng.
Vừa thưởng thức văn nghệ, du khách còn được thưởng thức rượu cần của bản làng miền Tây xứ Nghệ. |
Vừa kết hợp chương trình văn nghệ, bản làng Xằng Tớ còn mang ra một vò rượu cần to để mời tất cả mọi người cùng giao lưu. Tại đây, ai nấy vừa được thưởng thức rượu cần chính từ tay người dân bản làng làm nên vừa được giao lưu văn hóa, văn nghệ. Điều rất đặc biệt đó là đồng bào chốn "thâm cung cùng cốc" này vô cùng hiếu khách. Vì thế, ai đã từng đến đây thưởng thức món rượu cần và các ẩm thực của bà con bản làng rồi thì ra về không bao giờ quên được.
Huyền bí cây tháp cổ
Đêm nghỉ lại ở bản làng Xằng Tớ, nay được gọi là bản Yên Hòa (thuộc xã biên giới Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm ở thượng nguồn dòng Nậm Nơn, giáp tỉnh Xiêng Khoảng (nước bạn Lào) được nghe các già làng kể bao câu chuyện kỳ bí chốn “thâm sơn cùng cốc” này. Nhưng ai ấy đều chăm chú nhất khi nghe già làng Lô Minh kể lại lịch sử và những câu chuyện kỳ bí bên cây tháp cổ.
Nhiều câu chuyện huyền bí bên cây tháp cổ của bản làng Xằng Tớ. |
Đứng bên hiên nhà sàn của vị Già làng của bản làng này chỉ cần đổ mắt ra ngoài thôi cũng đã thấy sừng sững một ngọn tháp cổ đầy rêu phong, cao vút mà không ai biết lịch sử của nó có từ bao giờ. Chính người dân bản làng tạo cho ngọn tháp nhiều câu chuyện khiến nó được bao phủ bởi cả màn sương huyễn hoặc xuyên suốt thế kỷ.
Gìa làng Lô Minh (84 tuổi), người dân tộc Thái kể lại, khi sinh ra cụ đã thấy tháp cổ đứng sừng sững ở bản làng này như thế rồi. Lớn lên, cụ hỏi ông nội thì được ông cụ trả lời, nội lớn lên cũng đã thấy tháp mọc lên từ bao đời nay. Bản Xằng Tớ là tên gọi trước đây của bà con đồng bào dân tộc Thái ở xã Mỹ Lý. Vì không ai biết tên gọi tháp cổ là gì nên người dân bản làng thường quen gọi là tháp Xằng Tớ, vì nằm trên bản Xằng Tớ. Nay, bản Xằng Tớ được đổi tên thành bản Yên Hòa nên người dân bản làng lại quen gọi là tháp Yên Hòa. Tháp được xây bằng gạch mỏng, cao khoảng 29 đến 30 m, tọa lạc trên một nền đất rộng của bản làng Yên Hòa.
Trên tháp cổ có nhiều hoa văn, thân tháp gắn phù điêu, tượng Phật, La Hán… bị rêu phong phủ mờ. Nhiều bức tượng đang bị đứt gãy. Một số chỗ bị trợt vữa, chân tháp bị đục thủng. Ngọn tháp là niềm tự hào của bản làng Xằng Tớ, của tất cả đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú ở miền đất này. Tuy nhiên, không ai ở đây biết về lịch sử của nó.
Ngày trước tháp còn nguyên vẹn, xung quanh không có cỏ mọc um tùm. Hằng năm đến các ngày lễ, tết bà con khắp các bản làng kéo nhau về thắp hương xin lộc, cầu an. Những ngày lễ hội, đồng bào Thái ra chân tháp cổ tổ chức các trò chơi dân gian. Trong khuôn viên tháp có miếu thờ, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, nay chỉ còn một cây. Trên đỉnh tháp có một “mắt ngọc” thường xuyên phát ra ánh sáng lạ vào ban đêm chiếu rọi khắp cả bản làng.
Gìa làng Lô Minh cho biết thêm, trước đây vùng này có hai ngọn tháp cổ khác, cao lớn gần bằng tháp Xằng Tớ ở bản Xiềng Tắm (trung tâm xã Mỹ Lý bây giờ) và ở bản Xằng Nứa cũng thuộc xã Mỹ Lý. Hai ngọn tháp này đã sập từ lâu.
Có một câu chuyện thực khó tin đó là, có lần kẻ xấu vào bản làng đục trộm tháp để lấy tượng mang đi, chúng để sót lại một bức tượng khác được làm bằng đồng. Một người tên là Lô Văn Minh, người dân bản làng Xằng Tớ(xã Mỹ Lý) tối đến đột nhập vào tháp cổ để trộm bức tượng đó mang về nhà. Chẳng bao lâu, gia đình gặp nhiều tai ương. Ông Minh mang tượng ra trả lại cho tháp, rồi chuyển gia đình xuôi về bản Xốp Tụ sinh sống cùng con cái từ lâu mà vẫn không quên nỗi ám ảnh khiểm đảm kia.
Một câu chuyện khác nữa đó là: Khoảng giửa năm 1981, ông Nguyễn Văn T. (một cán bộ chỉ huy trong lực lượng vũ trang, công tác tại địa bàn xã Mỹ Lý, nay đã nghỉ hưu, xin được giấu tên) thấy mắt ngọc của tháp phát sáng ban đêm liền vác súng đến bắn thử xem sao. Hậu quả, “mắt ngọc” của tháp bị tan vỡ. Từ đó người dân bản làng không bao giờ nhìn thấy mắt ngọc nữa. Chẳng bao lâu chính người bắn vỡ “mắt ngọc” đó bị mù một mắt.
Những câu chuyện như vậy, không biết tính xác thực đến đâu, nhưng khiến người dân bản làng Xằng Tớ thêm yêu quý ngọn tháp, và trong tâm niệm của họ, tháp cổ càng linh thiêng hơn trong đời sống của mỗi người dân, đồng bào các dân tộc anh em.
Một bữa tiếp đãi khách của bà con bản làng Xằng Tớ ở miền Tây xứ Nghệ. |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Nghệ An cho biết, theo bia Ma Nhai (có nghĩa là mài sười núi), vùng đất các bản làng thuộc xã Mỹ Lý (huyện biên giới Kỳ Sơn) được nhắc tới từ triều đại nhà Lý, là nơi Phật giáo (phái Đại Thừa) du nhập từ những năm đầu Công nguyên.
Vì thế, không ít công trình của Phật giáo đã xuất hiện ở vùng đất Mỹ Lý từ xa xưa. Theo thời gian, Phật giáo không tồn tại ở đây nữa, các ngôi chùa dần dần biến mất, chỉ còn các ngọn tháp. Công trình tháp ở đây có hai ý nghĩa, một là tháp mộ dùng để chôn cất các nhà sư trụ trì, hai là tháp thờ, loại tháp này dưới không có mộ mà chỉ để làm nơi thờ tự. Tháp cổ Xằng Tớ là thuộc loại tháp thờ.
Lâu nay địa phương rất muốn phục dựng tháp cổ nhưng muốn phục dựng thì trước hết phải có các tăng ni trụ trì, có lý lịch của tháp. Hiện nay, chỉ biết đây là di sản, công trình đã nằm trong danh mục phân cấp di tích và giao cho địa phương bảo vệ.
Về lâu dài, sẽ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho xây dựng đây là một điểm đến nằm trong danh thắng du lịch của huyện Kỳ Sơn, nằm trong khu du lịch sinh thái thuộc lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ./.
Tác giả: Phan Sáng
Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn