Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực tư pháp

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, sáng nay (15/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực tư pháp. Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội: Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương, Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên chất vấn.

Tham dự phiên chất vấn có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ..

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung  - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng tham dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

 Quang cảnh phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng (Ảnh quochoi.vn)

 Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nghệ An

 Đồng chí Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cân đối các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đây đều là những vấn đề rất cấp thiết, được cử tri, nhân dân và các ĐBQH đặc biệt quan tâm.

 Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nghệ An

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Phiên chất vấn sẽ là dịp để nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp; đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản QPPL, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trong phiên chất vấn sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản QPPL. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp?

Khó trong thực hiện phân cấp phân quyền

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết giải pháp đột phá cải thiện đội ngũ pháp chế?

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện đội ngũ pháp chế trên cả nước có khoảng 10.000 người, trong đó 3.000 người làm pháp chế chuyên trách, 7.000 người kiêm nhiệm. Các Bộ ngành trung ương có 89 tổ chức pháp chế và 65 phòng pháp chế ở địa phương. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy vậy, hiện mới có 8/28 Bộ trưởng tham gia chỉ đạo công tác này, còn lại là do Thứ trưởng phụ trách.

Theo ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, gần 10 năm qua, việc tăng cường vai trò của pháp chế được bàn đến nhiều nhưng đi vào thực tế thì vẫn vướng. Trong khi đó, số lượng cán bộ làm công tác pháp chế đang rất mỏng. Nếu nhân số lượng các văn bản QPPL cần triển khai thì khó đáp ứng yêu cầu. Bộ trưởng Tư pháp cho rằng có một số Bộ ngành không ưu tiên cho đội ngũ pháp chế. Giải pháp quan trọng nhất là làm sao xây dựng được một chức danh như pháp chế viên để từ đó theo tiêu chuẩn chế độ chính sách sẽ cải thiện tình hình.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc để điều chỉnh chính sách cho đội ngũ pháp chế là rất khó, tới đây cùng với việc điều chỉnh chế độ tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện luôn việc điều chỉnh chế độ phụ cấp cho đội ngũ pháp chế.

Bày tỏ lo ngại về cơ cở pháp lý thực hiện phân cấp, phân quyền cho địa phương, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đề nghị cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng về phân cấp để địa phương thực hiện, đồng thời đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tư pháp cho biết quan đểm về đề xuất này?

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long các quy định về phân cấp, phân quyền nằm rất nhiều ở các luật chuyên ngành như đất đai, tài chính, đầu tư… Vì vậy, trong quá trình phân cấp có chỗ phân cấp về thẩm quyền, cách làm nhưng thủ tục không có nên tạo ra nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. “Giờ nếu có văn bản riêng về phân cấp nữa sẽ khó sàng lọc được các nội dung đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành”, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu quan điểm.

Bộ trưởng cho rằng quan trọng là thể chế hóa tốt hơn quy định của Hiến pháp, chiếu từ phân cấp gốc, tức là phân cấp trong Luật Tổ chức Chính phủ và Tổ chức chính quyền địa phương. Như vậy trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành và đặc biệt về thẩm quyền của từng cấp, từng chức danh, có thể đó sẽ là giải pháp khả thi hơn trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay để thực hiện phân cấp, phân quyền thì liên quan nhiều hệ thống thể chế, chính vì vậy cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 04 để phân cấp, phân quyền trong đó đã phải sửa đổi, bổ sung, xây dựng 32 Luật; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 35 Nghị định, 25 Thông tư... Đến nay theo chỉ đạo của Quốc hội, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 22 Luật; sửa đổi, ban hành mới 19 Nghị định...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận, mặc dù đã rất tích cực trong việc xây dựng hệ thống thể chế để thực hiện phân cấp, phân quyền, nhưng thực tế là còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ đang xây dựng kế hoạch để xây dựng Luật tổ chức Chính phủ. Đồng thời đề nghị các địa phương rà soát kỹ các quy định cơ sở pháp lý, tiếp tục thực hiện việc phân cấp phân quyền mà Luật chuyên ngành, Luật chính quyền địa phương đã ban hành...

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) nêu vấn đề, qua rà soát các văn bản liên quan đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, có đến 339 kiến nghị về khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Chính phủ đã có Nghị định số 27 quy định về cơ chế quản lý tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, qua rà soát còn có nhiều điều còn khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, sửa đổi bổ sung? Chính phủ cũng đã có Nghị định số 38 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 27. Đại biểu Tiến đề nghị Bộ trưởng đánh giá về chất lượng ban hành văn bản QPPL? Đồng thời đề nghị Bộ trưởng có pháp gì để giải quyết tình trạng phương pháp tính giá khởi điểm đấu giá chưa sát với thị trường?

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết trong nhiều trường hợp, có sức ép về mặt thời gian khi xây dựng các văn bản QPPL. Về cơ bản những chùm văn bản quy phạm này đã và đang đáp ứng được các chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên chưa thể đáp ứng hết. Đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, chỉnh lý bổ sung trong thời gian tới.

Về việc tính giá đấu giá, Bộ trưởng Long cho biết ở Việt Nam có hơn 90% trường hợp là đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. Giá khởi điểm không phải là việc của Luật Đấu giá tài sản, nó vẫn nằm trong Luật Đất đai. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Bộ Tài nguyên Môi trường để xem xét lại Luật Đất đai”, Bộ trưởng Long khẳng định.

Né tránh trách nhiệm trong tham mưu xây dựng pháp luật

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp về việc có nơi né tránh trách nhiệm trong tham mưu xây dựng pháp luật. Ông đề nghị cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp khắc phục thực trạng này. Đại biểu Bình cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản QPPL cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả trong kiểm tra văn bản QPPL?.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Long thừa nhận có tình trạng sợ trách nhiệm và không chỉ ở Bộ Tư pháp. Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói nhiều về khâu yếu của chúng ta là tổ chức thi hành pháp luật. Dù không thể bao quát hết các nội dung, ông Long phản ánh thực tế nhiều khi do không xem xét vấn đề trong tổng thể nên cứ nói do pháp luật, báo cáo rà soát cũng nói đó là vướng mắc nhưng trên thực tế nhiều cái không phải như vậy.

Bên cạnh đó, một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình”, hoặc hiểu về pháp luật còn chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa... Bộ trưởng Long cho hay, có những trường hợp đáng lẽ ban hành Thông tư như trình tự bình thường song cứ trao đi đổi lại mất 4-5 tháng để quyết định xem có rút gọn hay không, thì thà làm chính thức ngay từ đầu. Đồng thời, Bộ trưởng Long cho biết Bộ Nội vụ được giao tham mưu Nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết bởi đây chỉ là Nghị định còn những vấn đề liên quan lại ở tầm luật.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay Nghị định này thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ ban hành để giải quyết tạm thời những vấn đề trước mắt, về lâu dài cần phải sửa đổi những Luật quan trọng để giải quyết những vấn đề căn cốt, đồng thời, để giải quyết khó khăn trong thực hiện phân cấp, phân quyền cũng như rào cản, vướng mắc trên một số lĩnh vực để giúp cán bộ thuận lợi trong thực thi công vụ.

Đề cập chương trình xây dựng luật, pháp luật và cho biết việc này còn nhiều hạn chế như còn tình trạng bổ sung nhiều dự án luật sát kỳ họp, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nội dung sơ sài, hình thức, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho những hạn chế này? Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận tình trạng xin lùi dự án luật trước đây có nhiều, nhưng nay, ông cung cấp một số liệu tương đối khả quan: Năm 2022-2023 không có dự án luật xin lùi nhưng bổ sung nhiều, có những cái rất gấp như Nghị quyết 30 về phòng chống Covid-19, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, nghị quyết về chống xói mòn cơ sở thuế, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao…

Theo ông Long, Chính phủ có những việc thực tế cần xử lý ngay lập tức và cho rằng với những nội dung gấp phải dùng nghị quyết để sửa hoặc bổ sung một số quy định, đó là yếu tố khách quan. “Nhưng chủ quan là cơ bản, do bộ ngành chưa chủ động, về trình độ, năng lực hoặc thậm chí là sợ trách nhiệm. Chúng tôi sẽ ghi nhận và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng điều hành công việc này tốt hơn”, ông Long nói.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn