Bộ trưởng Tư pháp: 'Tiêu tiền của Nhà nước để bồi thường cũng rất xót xa'
- 14:43 15-08-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
[presscloud]https://media.nghean24h.vn/video/2023/08/15/B____tr_____ng_T___ph__p___Ti__u_ti___n_c___a_Nh___n_____c_______b___i_th_____ng_c__ng_r___t_x__t_xa_.mp4[/presscloud]
Bộ trưởng Tư pháp: 'Tiêu tiền của Nhà nước để bồi thường cũng rất xót xa'.
Tranh luận tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) nêu những khó khăn trong giao tài sản đấu giá liên quan đến thi hành án dân sự. Theo ông, thời gian qua có những trường hợp có vi phạm của cơ quan thi hành cưỡng chế, kê biên tài sản, tuy nhiên quy trình đấu giá tài sản thì đúng.
Theo đại biểu, vấn đề này liên quan đến an ninh trật tự ở cơ sở, do vậy cơ quan vi phạm cần có trách nhiệm phải bồi thường cho người bị cưỡng chế, kê biên tài sản. Bên cạnh đó, ông Hiếu đề nghị Bộ Tư pháp cần bàn thảo lại với các cơ quan liên quan để cân nhắc phương án hủy kết quả đấu giá tài sản đối với những trường hợp có vi phạm.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận quá trình làm việc, có những sai phạm của cán bộ thi hành án và đơn vị đang siết chặt kỷ luật kỷ cương.
Bộ trưởng Tư pháp trả lời chất vấn. |
Ông Lê Thành Long cho hay, tất cả văn bản và những thứ có thể xảy ra trong hệ thống thi hành án, Bộ Tư pháp đều có sự chấn chỉnh, thành lập các đoàn kiểm tra, các cơ quan thanh tra cũng vào cuộc.
"Quan điểm của Bộ là đối với những vi phạm của cán bộ trong hệ thống chấp hành viên thuộc lỗi chủ quan là kiên quyết xử lý. Thậm chí có sự vào cuộc của các cơ quan khác, sai thì phải bồi thường. Cũng cố gắng để làm sao hạn chế, vì tiêu tiền của Nhà nước để bồi thường cũng rất xót xa", ông Long nói.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và điều quan trọng là phải xử lý được trách nhiệm của cán bộ sai phạm để chấn chỉnh.
Trước đó, chất vấn tại phiên họp, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nêu rõ, công tác đấu giá tài sản, nhất là tài sản công còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận tham gia đấu giá khó khăn, tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có tình trạng trong thi hành án dân sự, tuy đã được thực hiện đấu giá, nhưng chưa giao được. Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, trong thi hành án dân sự có gần 2.000 vụ đấu giá, trong đó mới chỉ giao được hơn 1.300, còn hơn 600 vụ chưa giao được.
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng, đấu giá tài sản và thi hành án dân sự chỉ là 2 lĩnh vực pháp luật được áp dụng quy định về giao tài sản đấu giá, ngoài ra còn có các quy định liên quan đến đất đai, quản lý tài sản công… Vì thế, 2 lĩnh vực này là chưa đủ, phải tính đến quy định pháp luật trong lĩnh vực khác.
Một nguyên nhân khác, qua các vụ việc cụ thể, Bộ trưởng cho rằng, có những vụ bán đấu giá đến 6 lần nhưng không ai mua, do nhiều yếu tố khác nhau: thẩm định ngân hàng đánh giá văn phòng, mảnh đất, cơ sở sản xuất có sát giá không…
Thực tế, tình hình kinh tế - xã hội cả nước trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng. Trình tự thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự. Bộ cũng đã có kiến nghị sửa đổi trong Luật Đấu giá tài sản và sắp tới là Luật Thi hành án dân sự.
"Một nguyên nhân nữa là tâm lý e ngại khi mua tài sản thi hành án của người dân. Chưa có cơ chế hợp ý để phối hợp sự tham gia của các chủ thể trong vấn đề này", ông Lê Thành Long nói.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, về lâu dài cần sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự, đưa vào một số nội dung có liên quan, các quy định cụ thể để xử lý vấn đề này. Cùng với đó, cần cố gắng vận hành tốt cơ chế cơ quan Ban chỉ đạo thi hành án ở các cấp, tạo sự đồng thuận.
Về việc kiểm soát quyền lực, vấn đề tham gia giám sát của nhân dân trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho biết, việc góp ý của nhân dân, của các cơ quan, chúng ta đã thiết kế cơ chế tương đối ổn định trong pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, khi công bố các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên các cổng thông tin thì chưa nhận được sự quan tâm của nhân dân.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, một số cơ quan, doanh nghiệp, chủ thể khác thường chỉ quan tâm đến lĩnh vực của mình, khi tham gia ý kiến, nhiều trường hợp cũng cần cân nhắc, không thể tiếp thu hết các ý kiến.
"Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là Nghị định 34, Nghị định 154, khu trú hơn nữa các nội dung các cơ quan chủ trì soạn thảo phải công bố để lấy ý kiến. Đồng thời đưa ra các điều kiện để tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo để thu hút thêm ý kiến của nhân dân, tăng cường vai trò truyền thông về chính sách", tư lệnh ngành Tư pháp nói thêm.
Tác giả: ANH VĂN
Nguồn tin: vtc.vn