Nhờ mẹ chồng ở quê lên chăm cháu để vợ chồng đi du lịch, nhìn camera tôi lập tức về ngay trong đêm
- 10:58 14-08-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tranh thủ cuối hè, vợ chồng tôi đã bàn với nhau cách đây một tháng, lên lịch cùng đi du lịch ở ngoại tỉnh để xả stress, sau những ngày cày cuốc. Nhưng chỉ muốn vợ chồng có không gian riêng, thoải mái nghỉ ngơi nên quyết định không đưa con gái nhỏ đi cùng, mà sẽ ngỏ ý nhờ mẹ chồng dưới quê lên chăm giúp.
Sau khi sắp xếp mọi thứ ổn thoả, tôi và chồng hào hứng ra sân bay để bắt đầu kỳ nghỉ dưỡng đã mong chờ từ rất lâu. Cứ nghĩ đây sẽ là kỳ nghỉ trong mơ, nhưng nào ngờ chưa đến ngày thứ hai, có một chuyện đã xảy ra khiến tôi không thể tiếp tục chuyến du lịch, mà nóng lòng bảo chồng soạn hành lý và trở về ngay trong đêm đầu tiên.
(Ảnh minh hoạ) |
Mặc dù đi chơi, gửi con cho mẹ chồng chăm, nhưng tôi cũng khá lo lắng, không biết bà cháu ở nhà có ổn không. Vì thực sự thì từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên vợ chồng xa con lâu như thế. Bình thường con gái khá dạn dĩ, vui vẻ và hoạt bát, nên lúc nhìn thấy bố mẹ ra khỏi nhà, cô bé cũng không hề khóc lóc mà mải mê chơi đồ chơi cùng bà.
Thấy con gái vui vẻ như vậy, vợ chồng tôi cứ nghĩ con đã thích nghi được việc xa bố mẹ. Nào ngờ đến tối khi tôi kiểm tra camera ở nhà, thì thấy con gái ngồi co ro trước cửa nhà, nước mắt giàn giụa khóc không thành tiếng. Lúc này, tôi đã bắt đầu cảm thấy lo, cũng đoán được nguyên nhân vì sao con khóc. Có lẽ là đến thời điểm này, con bé mới nhận thức được việc xa bố mẹ.
(Ảnh minh hoạ) |
Thấy con như thế tôi xót lắm, lòng thầm hy vọng là mẹ chồng sẽ có thể dỗ được con bé. Thế nhưng điều khiến tôi không thể tin vào mắt mình, đó là việc mẹ chồng ngồi trên ghế sofa xem tivi, mặc kệ cho cô cháu gái bơ phờ, sợ hãi ngồi rúm ró ở cửa nhà. Miệng con bé lúc này không ngừng lẩm bẩm:
- Bà ơi! Cháu muốn bố mẹ! Bà dắt cháu đi tìm bố mẹ đi!
- 3 tuổi rồi mà còn mè nheo đòi bố mẹ thế kia là hư lắm đấy nhé! Vài hôm bố mẹ sẽ về. Còn bây giờ cháu sẽ ở với bà, bà sẽ chăm cháu. Bà không cưng chiều cháu như bố mẹ cháu đâu? Cháu cứ khóc, bà sẽ không dỗ và đến khi nào cháu cảm thấy mệt, buồn ngủ thì bà sẽ đưa cháu vào phòng đi ngủ với bà.
Dù cho cháu gái nước mắt giàn giụa, mẹ chồng tôi vẫn bất biến, không hề có ý định sẽ tìm cách dỗ dành hay thuyết phục con bé. Nó chỉ mới 3 tuổi thôi mà, tôi thực sự xót con và không thể đứng ở một nơi xa, đưa mắt nhìn cảnh tượng này chỉ qua một cái màn hình điện thoại vô cảm. Vậy là tôi nhất quyết bảo chồng dọn vali, book vé máy bay bay về ngay trong đêm.
(Ảnh minh hoạ) |
Nhưng về đến nhà thì cũng đã giữa canh 3, mẹ chồng và con gái đều đã ngủ. Chắc có lẽ vì khóc đến đừ người, nên con bé mới ngủ thiếp đi, nếu không thì nó cũng sẽ tiếp tục đòi bố mẹ. Trước sự việc này, ngày mai tôi định sẽ nói chuyện với mẹ chồng.
Tôi nghĩ mẹ chồng đã sai, vì con gái còn quá nhỏ và việc mẹ chồng làm như thế có thể ảnh hưởng đến tâm lý của con bé sau này. Vậy nên tôi tin là, nếu người mẹ nào trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, cũng sẽ cảm thấy xót con vô cùng, không thể nào ngồi yên...
Tâm sự của độc giả [email protected]
Lần đầu xa con, gửi con cho ông bà chăm sóc, bố mẹ cần phải chuẩn bị cho con những gì về mặt tâm lý?
Khi lần đầu xa con và để con cho ông bà chăm sóc, bố mẹ cần chuẩn bị về mặt tâm lý để đảm bảo con cảm thấy an toàn và thoải mái. Trước khi đi xa, hãy tạo sự tin tưởng bằng cách truyền đạt niềm tin vào khả năng chăm sóc của ông bà, và khẳng định rằng con sẽ được chăm sóc và yêu thương một cách tốt nhất.
Bố mẹ hãy trò chuyện với con về việc bố mẹ và con sẽ xa nhau một thời gian, lắng nghe những lo lắng của con và khuyến khích con đặt câu hỏi. Đảm bảo rằng, những đồ vật quen thuộc của con sẽ luôn ở bên cạnh con để tạo cảm giác gần gũi và an toàn.
Bố mẹ cũng cần thiết lập lịch trình liên lạc thường xuyên với con, như cuộc gọi hàng ngày hoặc gửi tin nhắn, để con cảm thấy dù cách xa nhưng bố mẹ vẫn luôn ở bên, quan tâm và yêu thương con. Trước khi xa con, hãy tạo một không gian yên tĩnh và ấm áp để con có thể thư giãn, và cảm thấy an toàn, tránh tình huống quá sướt mướt hoặc bịn rịn chia tay khiến cho tâm lý con gặp hoang mang, lo sợ, không muốn xa bố mẹ.
Nếu thời gian cho phép, hãy sắp xếp một cuộc gặp gỡ trước khi bố mẹ đi xa, để con có thể quen dần với môi trường có sự hiện diện quen thuộc và gần gũi của ông bà. Thông báo cho con về kế hoạch và thời gian mà bố mẹ sẽ trở về, và khẳng định rằng bố mẹ sẽ luôn theo dõi, quan tâm đến con từ xa.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần tránh việc quá bao bọc và quan tâm quá mức khi chia tay, để con trải qua quá trình chuyển tiếp một cách tự nhiên và dần rèn được tính tự lập cho mình. Nếu con có những dấu hiệu căng thẳng hoặc khó chịu, hãy lắng nghe và cung cấp sự hỗ trợ tâm lý kịp thời.
Trong vấn đề này, mỗi ông bố bà mẹ cần nhớ rằng, mỗi đứa trẻ sẽ có cách thích ứng riêng. Do đó, bố mẹ nên tùy chỉnh các phương pháp và sự chuẩn bị theo nhu cầu, và tính cách của con sao cho phù hợp nhất, để có thể đạt được hiệu quả tối ưu.
Tác giả: TRANG TRI
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn