Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Các trường tiểu học, trung học sẽ có thêm viên chức tư vấn học sinh?

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho hay một trong những nội dung được bộ chú trọng là việc đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh.

 Các trường học sẽ có thể có thêm nhân sự chức danh tư vấn học sinh. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại hội thảo Tham vấn chính sách về hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học do bộ này tổ chức sáng nay, 11/8, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc quản lý của bộ về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học được quy định.

Trong đó, một trong những nội dung được bộ chú trọng là việc đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trên thực tế, đề xuất này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được bộ lấy ý kiến công khai từ đầu năm 2022 nhưng chưa được ban hành.

Vì thế, theo các nhà giáo dục, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nhấn mạnh vấn đề này tại hội thảo cho thấy quyết tâm của ngành trong việc bổ sung cơ cấu viên chức tư vấn học sinh trong các nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh cả nước thực hiện cắt giảm biên chế.

Việc có nhân viên tư vấn tâm lý học đường đã được đặt ra nhiều năm qua ở Việt Nam và không mới so với quốc tế.

 Học sinh chịu nhiều áp lực, trong đó có áp lực từ học hảnh, thi cử. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Đạt nhận định trường học là nơi học sinh dành khá nhiều thời gian hàng ngày và cũng là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em. Tuy nhiên, học sinh trong các trường học ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của các em.

Để tăng cường phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, giải quyết các vấn đề đa dạng, phức tạp khác nhau ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống của học sinh, đảm bảo hiệu quả và toàn diện của công tác giáo dục học thì việc triển khai hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.

Mặc dù đã có nhiều quan tâm, chú trọng bằng việc ban hành các chính sách, văn bản điều chỉnh các hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong thời gian qua nhưng thực tế triển khai chính sách về tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các trường phổ thông còn gặp nhiều hạn chế như các quy định của chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế; sự phối kết hợp giữa các bên liên quan còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; chế độ, vị trí việc làm cho đội ngũ thực hiện chưa có quy định cụ thể; hạn chế nguồn kinh phí triển khai…

 Việc có nhân sự tư vấn học sinh có thể hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các em. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Do đó, hội thảo tham vấn chính sách về hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học nhằm trao đổi kết quả rà soát chính sách và đánh giá hiệu quả thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục; tham vấn ý kiến các sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục về chính sách hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học; đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách để triển khai hiệu quả hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học tại Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh lắng nghe các ý kiến với tinh thần cầu thị, ông Đạt cho rằng việc triển khai thực hiện hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý còn cần có sự tham gia phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên. Theo đó, các sở giáo dục và đào tạo cần quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa phương và chỉ đạo triển khai trong các cơ sở giáo dục đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tham mưu ban hành các văn bản, quy định liên quan.

Trong nhiều năm qua, bạo lực học đường luôn là vấn đề nóng của ngành giáo dục, bên cạnh đó là các vấn đề liên quan như áp lực học hành, thi cử của học sinh, những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, văn hóa. Trước thực trạng này, tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội cùng vào cuộc với các nhiệm vụ cụ thể để chung tay xây dựng văn hóa học đường./.

Tác giả: Phạm Mai

Nguồn tin: vietnamplus.vn