Đề xuất giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại là phù hợp thực tế
- 08:09 11-08-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cô Phạm Thị Bích Ngọc, giáo viên mầm non tại Hà Nội cho rằng, giáo viên bậc mầm non có những đặc thù, vất vả riêng so với các bậc học khác. “Thông thường các cô giáo mầm non bao giờ cũng phải đi làm rất sớm, thông thường 6h30 các cô đã phải có mặt ở trường vệ sinh lớp học, chuẩn bị đón các con. Buổi chiều phải đợi khi nào phụ huynh đến đón trẻ xong mới được tan làm dù đã quá giờ quy định. Nhiều khi phụ huynh đón muộn, các cô cũng phải ở lại trông các con. Nếu như các ngành nghề khác chỉ làm việc 8 tiếng/ngày, thì giáo viên mầm non phải làm từ 10-12 tiếng/ngày.
|
Buổi trưa các cô cũng hầu như không được nghỉ ngơi mà phải thức trực trưa cho học sinh ngủ, đảm bảo an toàn cho các con, tranh thủ lúc học sinh ngủ chuẩn bị sổ sách chuyên môn, bài học… Vì thời gian hạn chế nên giáo viên mầm non rất ít khi có thời gian cho gia đình”.
Đặc biệt, theo cô Bích, giáo viên mầm non dạy trẻ từ 1-6 tuổi, ở độ tuổi này, hầu như trẻ chưa có kỹ năng tự phụ vụ, chăm sóc bản thân, hầu hết mọi hoạt động từ vui chơi, ăn ngủ nghỉ đều cần giáo viên giúp đỡ, hướng dẫn. Bên cạnh đó, trẻ cũng rất hiếu động, giáo viên cũng sẽ vất vả hơn.
“Trong nhiều trường hợp, trẻ hiếu động nên khó tránh khỏi xô sát, dẫn đến thương tích. Giáo viên phải trao đổi với phụ huynh, có nhiều phụ huynh cảm thông, tuy nhiên cũng có những phụ huynh khó chịu, tạo áp lực cho giáo viên.
Chúng tôi vừa là cô giáo, vừa là người mẹ, vừa phải biết múa hát, chơi trò chơi… Khi ở độ tuổi trẻ trung, các cô rất nhiệt huyết, nhưng khi đã lớn tuổi, bị hạn chế về sức khỏe, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng kém đi. Thực tế trẻ cũng thích được học những cô giáo trẻ, năng động hơn là những giáo viên đã cao tuổi”, cô Bích nói.
Mặc dù công việc vất vả, nhưng mức lương của giáo viên mầm non lại rất thấp, với những trường ngoài công lập, dù mức lương cao hơn, nhưng yêu cầu của phụ huynh với giáo viên cũng cao hơn rất nhiều, áp lực bởi vậy cũng tăng lên nhiều lần.
Cô Phạm Thị Ngọc Bích cho biết, do đặc thù nghề nghiệp, nhiều đồng nghiệp của cô Bích không thể làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, họ chấp nhận “về hưu non”, hưởng BHXH 1 lần, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề đời sống giáo viên khi về hưu.
Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên lớp 3 tuổi (Nam Sách, Hải Dương) chia sẻ, hàng ngày cô đều có mặt ở trường từ trước 6h30 để chuẩn bị lớp học, nhiều khi phụ huynh quên, hoặc bận không thể đón con, các cô phải chia nhau đưa các con về tận nhà.
“Dạy mầm non, hàng ngày các cô phải chịu áp lực từ tiếng ồn quấy khóc của trẻ, mùi nôn, trớ từ trẻ… Trẻ ở độ tuổi nhỏ rất hiếu động, không may các con chạy vấp ngã, hay các bạn trong lớp trêu nhau để lại thương thích, giáo viên cũng là người trước tiên phải chịu trách nhiệm trước phụ huynh. Bởi vậy khi đã đến lớp, các cô phải tập trung 100% vào từng hoạt động của các con, chỉ cần một phút lơ đãng cũng có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc”, cô Hoa cho biết.
Cũng theo cô Hoa, đa số giáo viên mầm non hy vọng ngành nghề này sẽ được xếp vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, như vậy giáo viên sẽ có độ tuổi nghỉ hưu sớm hơn so với quy định thông thường. Mong muốn này xuất phát từ thực tế của chương trình giáo dục mầm non. “Giáo viên mầm non phải tổ chức cho trẻ vui chơi, dạy múa, dạy hát. Khi đã 60 tuổi, thì chúng tôi biết múa hát thế nào? Nếu cố đi làm thì chắc chắn không đảm bảo chất lượng giảng dạy, còn nếu về hưu sớm thì lại ảnh hưởng quyền lợi BHXH, lương hưu… Việc quy định đây là ngành nghề nặng nhọc, độc hại là phù hợp với thực tế”
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Trong điều kiện tuổi nghỉ hưu của lao động nam tăng lên 62 tuổi và nữa là 60 tuổi, giáo viên mầm non là nhóm đối tượng rất khó đáp ứng được độ tuổi này do những đặc thù về nghề nghiệp. Bản chất của việc đề xuất công nhận giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại để họ được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với quy định chung. Ngay từ khi sửa đổi Luật Lao động 2019, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã lấy ý kiến viên chức, người lao động công tác trong lĩnh vực này và đề xuất với các cơ quan chức năng nhưng chưa được phê duyệt. Trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị nội dung này để đảm bảo quyền lợi của người lao động".
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: vov.vn