Ghé làng nghề bánh đa Trung Yên
- 14:46 07-08-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bánh được phơi khắp nơi, từ sân nhà ra nhà văn hóa, ven bờ đê,… mang đến vẻ đẹp riêng cho làng Trung Yên |
Làng Trung Yên hiện có hơn 50 hộ sản xuất bánh đa. Mỗi hộ sản xuất thu hút 10-20 lao động, mỗi ngày công khoảng 170.000-250.000đ/ người. Ngoài ra, cả người già và trẻ em cũng tham gia vào quá trình sản xuất bánh. Làm bánh đa là nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu ở Trung Yên, nhưng năm 2012 nơi đây mới chính thức được công nhận làng nghề. Nghề bánh đa Trung Yên phát triển mạnh nhờ kết hợp sản xuất bánh đa khô vừng truyền thống với sản xuất bánh đa nem bằng máy đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu bánh làm ra được cung ứng trong làng, trong xã, nhưng nay đã được các đại lý phân phối khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí được con em của làng gửi sang các nước Lào, Nhật, Hàn, Đức,… Thời gian bán chạy nhất là dịp gần cuối năm cho đến hết tháng 4 năm sau. Vào những dịp lễ, Tết, bánh đa Trung Yên làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Người già cũng góp sức trong việc phơi bánh đa |
Để làm ra những mẻ bánh đa chất lượng đòi hỏi sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn; từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh. Theo kinh nghiệm lâu năm của mình, chị Hoa, một hộ sản xuất bánh đa làng Trung Yên cho biết: “Gạo làm bánh là gạo Khang Dân, được ngâm 2 – 3 tiếng rồi đem xay, sau đó thêm nước ngâm tiếp khoảng 6 tiếng, lắng hết cặn bã lấy phần bột pha thêm nước sao cho bột không quá đặc cũng không quá loãng, rồi mới tráng bánh và phơi. Sau khi tráng, bánh được trải lên phên tre để phơi. Quá trình phơi bánh quyết định không nhỏ đến chất lượng thành phẩm bởi nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc; nếu phơi nắng to quá bánh lại dễ nứt vỡ. Bánh phơi phải được đảo phên thường xuyên. Những ngày nắng Nam, chỉ cần phơi 2 giờ là có thể thu phên. Hôm trời có mưa thì phải làm khô bánh bằng lò sưởi, rồi hong bánh dưới quạt gió để tạo độ mềm, dai. Bánh đa phơi buổi sớm để hong sương mới thực sự đúng chất và tạo ra hương vị thơm ngon”. Vì vậy, để có những mẻ bánh ngon, họ phải dậy từ 3 giờ sáng bên bếp lửa.
Muốn có những chiếc bánh đa khô vừng ngon, đẹp thì không chỉ khâu chọn gạo, thời gian ngâm, cách pha bột mà người tráng bánh cũng phải đều tay, thời gian hấp vừa đủ. |
Để kịp phơi các mẻ bánh, các hộ sản xuất phải tất bật làm việc từ sáng sớm |
Khi được hỏi về nghề bánh đa của làng có từ bao giờ, hầu hết người dân ở đây đều không nhớ rõ. Anh Nguyễn Văn Hưng, một gia đình làm bánh đa lâu năm của làng chia sẻ: “Nghề có từ thời ông bà, rồi bố mẹ và giờ là đến vợ chồng anh. Còn ông bà học từ đâu thì anh chịu”. Anh giải thích thêm, “Diễn Ngọc vốn là vùng quê biển đất chật, người đông. Người dân ở đây xưa nay bám biển mà sống, nhưng ngặt nỗi, có phải lúc nào cũng bám lấy biển được đâu, nghề biển khó khăn, sức khỏe không cho phép, rồi thời tiết,.. nên người làng Trung Yên đã tìm mọi cách để bảo đảm cuộc sống. Qua thời gian bươn chải khắp chốn cùng quê, họ học hỏi mang về làng đủ thứ nghề: làm mì gạo, bánh kẹo, nấu rượu,… Thế nhưng chỉ nghề làm bánh đa là có duyên với bà con ở đây. Nghề làm bánh đa tưởng chừng như chỉ là phụ nhưng với gia đình tôi và người dân Trung Yên từ lâu đã trở thành cứu cánh cho cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy”.
Bánh đa Trung Yên còn là nguyên liệu làm vỏ kẹo cu đơ đặc sản của Phủ Diễn. |
Bánh đa của làng là “chiếc áo” quan trọng để tạo ra các loại bánh như: bánh đa khô vừng, nem cuốn, kẹo cu đơ,.. mà người dân Diễn Châu nói riêng, xứ Nghệ nói chung vẫn thường làm trong bữa ăn hằng ngày, nhất là mỗi dịp lễ, Tết. Tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng bao tình cảm, tâm sức của bà con và trở thành thứ quà quê đáng quý của vùng quê Trung Yên, Diễn Châu.
Tác giả: Kiều Nga
Ảnh: Cảnh Yên
Nguồn tin: tapchisonglam.vn