Giật mình với hài cốt khổng lồ trong lăng mộ Trung Quốc 2.100 năm
- 09:46 07-08-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Viện Khảo cổ học Trung Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là một bộ xương khổng lồ, hoàn toàn nguyên vẹn được đặt trong một cấu trúc bằng gạch hướng thẳng về nơi an nghỉ của Hán Văn Đế.
Xương sống khổng lồ được khai quật trong một cấu trúc gạch hướng thẳng về nơi an nghỉ của Hán Văn Đế - Ảnh: VIỆN KHẢO CỔ HỌC TRUNG QUỐC |
Tờ Ancient Origins dẫn lời nhà nghiên cứu Hu Songmei từ Học viện Khảo cổ học Thiểm Tây, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết họ đã đối chiếu bộ hài cốt này với các loài hiện đại và xác định nó là một con gấu trúc Tần Lĩnh đặc biệt quý hiếm.
Gấu trúc Tần Lĩnh có nguồn gốc từ dãy núi cùng tên, ranh giới tự nhiên giữa Nam - Bắc Trung Quốc. Loài này thuộc nhóm gấu trúc khổng lồ, bị cô lập về mặt địa lý dẫn đến nhiều khác biệt về hình thái và di truyền so với gấu trúc khổng lồ Tứ Xuyên.
Chúng có bộ lông màu nâu và trắng chứ không phải đen - trắng như các loài gấu trúc khác. Đặc biệt hơn, một bộ hài cốt gấu trúc tương tự cũng được tìm thấy trong lăng mộ của Bạc Hoàng thái hậu, mẹ của Hán Văn Đế.
Trong quá khứ, gấu trúc được coi là một sinh vật tôn quý, hay được dâng làm lễ vật cho hoàng gia và các chức sắc nước ngoài có mối giao hảo. Đó có lẽ là lý do nó xuất hiện ở vị trí đặc biệt trong các lăng mộ hoàng gia.
Ngoài gấu trúc khổng lồ, các nhà khoa học cũng phát hiện hài cốt một loạt sinh vật quý hiếm khác như hổ, heo vòi, trâu, linh dương sừng, sơn dương, bò Tây Tạng... Điều này cho thấy dường như người ta đang xây dựng một "vườn thượng uyển" ở thế giới bên kia cho Hán Văn Đế.
Gấu trúc thông thường (trái) và gấu trúc Tần Lĩnh với bộ lông nâu - trắng - Ảnh: GLOBAL TIMES |
Quần thể lăng mộ Hán Văn Đế - Ảnh: CCTV |
Nhà nghiên cứu Wu Xianzhu từ Viện Nghiên cứu khảo cổ tỉnh Hồ Bắc nhận định sự hiện diện của hài cốt gấu trúc vẫn là đáng chú ý nhất, nhấn mạnh mối liên hệ cổ xưa giữa con người và sinh vật này.
Theo ước tính gần đây, hiện chỉ có khoảng 300-400 con gấu trúc Tần Lĩnh quý hiếm còn tồn tại trong tự nhiên.
Tác giả: Anh Thư
Nguồn tin: Báo Người Lao Động