Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đậm đà bát bún đỏ Buôn Ma Thuột gây thương nhớ của núi rừng

Bún đỏ nổi tiếng đến mức, nhiều khách du lịch kháo nhau rằng “đến Buôn Ma Thuột mà chưa ăn bún đỏ thì coi như chưa đến".

Bún đỏ là một món đặc sản dân dã của người Đắk Lắk. Mới đầu, nhiều người có thể bị nhầm lẫn với bún riêu, bánh canh hoặc canh bún, nhưng bún đỏ nổi bật với sự đậm đà và hương vị của miền núi rừng Tây Nguyên.

 Ảnh: Internet

Bún đỏ được đặt tên theo màu sắc của sợi bún. Loại bún được sử dụng là bún sợi to, có độ dai và thơm. Ban đầu, sợi bún có màu trắng, nhưng trong quá trình nấu bằng màu dầu hạt điều thì dần chuyển thành màu đỏ.

Để sợi bún mềm và ngấm đều gia vị, người nấu phải nắm rõ được thời điểm để đưa bún vào nồi - không quá sớm, cũng không quá muộn khi nước dùng đã sôi. Bún được nấu trong nồi nước dùng khoảng 10 phút để sợi bún chín vừa phải.

 Ảnh: Internet

Điều đặc biệt tạo nên sự nổi tiếng cho món bún đỏ Buôn Ma Thuột chính là nước dùng. Nước dùng của bún đỏ được ninh từ thịt cua đồng, xương lợn và xương bò, mang đến vị ngọt thanh rất dễ ăn. Người nấu còn khéo léo thêm chút gạch cua, tôm và thịt ba chỉ xay nhuyễn, trộn đều với tiêu và hành củ băm nhỏ, sau đó nặn thành từng viên tròn để cho vào nồi nước dùng, tạo nên hương vị đặc trưng thơm ngon và đậm đà.

 Ảnh: Internet

Rau ăn kèm với món bún đỏ thường là rau cần nước hoặc cải ngọt, giá đỗ được chần sơ qua cùng với hành củ băm nhỏ và tóp mỡ rán giòn, thêm một chút mắm tôm, ớt xay và trứng cút luộc.

 Ảnh: Internet

Những miếng gạch cua, thịt băm và trứng cút được thả sẵn vào nồi, và khi đến lúc ăn sẽ để bún vào bát trước, rồi mới vớt thêm đồ ăn từ nồi đặt lên trên, rồi chan nước dùng. Điểm đặc biệt là càng nấu lâu, miếng gạch cua và thịt heo sẽ trở nên mềm ngọt và nước dùng sẽ thêm đậm đà.

Tác giả: NGUYÊN NGUYÊN(Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VTC