Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cởi trói cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách

Nghị quyết thông qua chẳng khác nào cơn mừa rào giữa mùa nắng hạn, giờ đây lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trên địa bàn Nghệ An đã có thể chuyên tâm giữ rừng.

 Nghị quyết được thông qua là động lực lớn để lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chuyên tâm gắn bó với nghề. Ảnh: Việt Khánh.

Cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua “Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Đối tượng áp dụng là các chủ rừng, gồm Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập tổ chức kiểm lâm; doanh nghiệp nhà nước, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng có tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Điều kiện hỗ trợ là các chủ rừng có sử dụng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là lao động hợp đồng thực hiện quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng, hoặc đã bố trí nhưng đơn giá thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm.

 Trước khi có nghị quyết hỗ trợ, tình cảnh của số đông người lao động tại các chủ rừng rất khó khăn. Ảnh: Quốc Toản. 

Kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách tỉnh, định mức không quá 15 tỷ đồng/ năm. Quá trình thực hiện sẽ huy động các nguồn hợp pháp khác (nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng; nguồn sự nghiệp kinh tế Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; nguồn chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ; lồng ghép từ các chương trình dự án khác) để đảm bảo duy trì chính sách bền vững, ổn định.

Nguồn kinh phí nêu trên không quá nhiều, nhất là khi Nghệ An sở hữu diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh ngặt nghèo, hiểu rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự nhập cuộc kịp thời của cấp chính quyền, của ngành NN-PTNT chẳng khác nào cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn, xua tan đi bức bách, âu lo và phiền muộn.

Ở cương vị người đứng đầu ngành nông nghiệp Nghệ An, ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT hiểu rõ hơn ai hết tính cấp thiết của Nghị quyết lần này: “Ngành lâm nghiệp Nghệ An có dư địa phát triển lớn nhất, vấn đề là làm như thế nào để phát huy hết tiềm năng, lợi thế đó. Địa phương đã nhìn ra vấn đề, thể hiện qua việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, Nghị quyết sẽ san sẻ gánh nặng cho người trồng rừng, giữ rừng, giúp họ có thể sống được bằng nghề của mình".

Hiệu ứng tức thì

Qua rà soát 19 chủ rừng là các tổ chức nhà nước có khoảng 136.166 ha là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang trực tiếp quản lý, bảo vệ nhưng chưa được bố trí nguồn, hoặc có nhưng đơn giá thấp hơn mức 300.000 đồng rất nhiều.

Thu nhập cho lực lượng chuyên trách từ trước đến nay do các chủ rừng sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ, bảo vệ rừng từ các chương trình, dự án, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Có điều do nguồn phân bổ quá hạn hẹp, đa phần các chủ rừng đều không được bố trí đủ kinh phí ứng theo diện tích rừng được giao.

 Áp lực cho lực lượng lao động ngành lâm nghiệp đã giảm tải đi nhiều. Ảnh: Việt Khánh.

Các đơn vị không cân đối được nguồn để hoạt động, sự thể kéo dài khiến tâm lý của người lao động bị xáo trộn nặng nề. Áp lực tứ phía khiến họ dần buông xuôi, từ đó dẫn đến tình trạng xin thôi việc hàng loạt, đẩy ngành lâm nghiệp Nghệ An đối diện với nghịch cảnh “chảy máu nhân lực” trầm trọng chưa từng có. Chỉ riêng giai đoạn 2016 - 2022, sơ bộ có đến 130 lao động xin thôi việc, nghỉ việc, bộ phận còn lại đang bám trụ với tâm lý bất an. Do thiếu người, thiếu định hướng nên rừng Nghệ An đối diện với nguy cơ bị xâm hại.

Đó chính là lý do để nghị quyết ra đời, lúc này đây tâm trạng của các chủ rừng, của số đông người lao động, đặc biệt là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đang phấn chấn hơn bao giờ hết.

Xin được trích những lời chất chứa, đầy xúc cảm của ông Lê Phùng Thiều, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương thay cho lời kết: “Chấm dứt đói khổ triền miên/Bảo vệ chuyên trách có tiền từ nay/Giờ đây chẳng phải đêm ngày/Lo đi mượn nợ xở xoay mọi bề”.

Tác giả: Việt Khánh - Quốc Toản

Nguồn tin: nongnghiep.vn