Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thủ phủ lươn đồng xứ Nghệ

Làng Phan Thanh, huyện Yên Thành (Nghệ An) được thực khách biết đến với nghề chế biến đặc sản lươn đồng ngon nức tiếng. Để đặc sản vươn xa, cư dân làng Phan Thanh hầu như thực hiện tất cả các khâu từ đánh bắt, chế biến, đóng gói thủ công. Nhờ vậy, kinh tế của làng giờ "thay da đổi thịt", gia đình nào cũng khá giả.

 Cơ sở chế biến lươn đồng của chị Nguyễn Thị Ngân.

Cả làng giàu có nhờ lươn

Những năm gần đây, nghề chế biến lươn ở làng Phan Thanh ngày càng phát triển với những sản phẩm có thương hiệu, giá bán cao gấp nhiều lần. Từ bấy lâu nay, nói đến lươn đồng, chắc hẳn thực khách đều nhớ đến món cháo, súp lươn xứ Nghệ. Những quán lươn quanh khu Thành cổ Vinh đã trở nên quen thuộc với người dân, du khách. Bởi vậy, khi dừng chân xứ Nghệ, ai cũng muốn thưởng thức những món ngon nức tiếng từ lươn đồng.

 Lươn đồng được chọn là loại to, vàng óng.

Tuy nhiên, để lươn đồng “vươn” ra ngoại tỉnh, đã có nhiều cơ sở chế biến, đóng gói lươn. Như làng Phan Thanh là một ví dụ. Chúng tôi về làng Phan Thanh vào giữa mùa nắng gắt, cái nắng cháy sém da, cái nắng làm cạn kiệt nhiều hồ nước, nhưng người dân làng Phan vẫn ngày đêm bám trụ với đồng ruộng, không chỉ trồng lúa, mà đó còn là nơi để họ “cào bùn" làm giàu. Làng Phan Thanh có 100% là giáo dân, làng thuần giáo từ lâu với đặc sản lươn đồng thơm ngon nức tiếng. Theo các cụ cao niên trong làng, từ xa xưa người dân làng Phan Thanh đã nổi danh với tài bắt lươn đồng bằng tay không.

Ngoài bắt bằng tay thì câu và thả trúm là nghề thịnh hành và là thu nhập chính của các hộ dân nơi đây. Hầu như nhà nào ở cũng có 200-500 ống trúm. Nhưng cách bắt lươn to, bán được nhiều tiền hơn thì chỉ có đi câu. Là một cần thủ câu lươn có tiếng, anh Nguyễn Xuân Lưu, làng Phan Thanh cho biết: Lươn câu thường bán đắt hơn lươn thả trúm, nếu như lươn thả trúm dao động từ 150-190 ngàn đồng/1 kg thì lươn câu giá từ 200-250kg/1kg. Anh Lưu hồ hởi: “Để câu được những chú lươn to, chúng tôi thường tụ tập từ 5 -7 người thành lập một nhóm đi xe máy khắp nơi để câu lươn. Cứ mỗi ngày chúng tôi câu được từ 3-5kg, khi gặp may thì nhiều hơn, thu nhập gấp mấy chục lần làm ruộng, câu được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bởi vậy, những cánh đồng lúa mênh mông trù phú tại xã Long Thành và các vùng phụ cận cũng là vựa lươn đồng lớn nhất tỉnh Nghệ An. Những chú lươn to, dài vàng óng được người dân “săn” bắt quanh năm mà chưa bao giờ hết”.

Theo người dân làng Phan Thanh, vùng đất này chính là “vựa lươn” của cả tỉnh, sản lượng lươn đồng đánh bắt hàng ngày rất lớn. Vì thế người dân bắt đầu thu mua rồi nhập cho các nhà hàng trong tỉnh. Lươn đồng làng Phan Thanh thơm ngon, khẳng định được chất lượng nên khách hàng khắp nơi tìm về mua, thị trường dần được mở rộng ra các tỉnh thành phố lớn khác. Khi sản lượng lớn, thay vì bán lươn nguyên liệu, nhiều hộ dân tại làng Phan Thanh bắt đầu sơ chế lươn đồng thành những món ngon như: Lươn đồng cuộn thịt truyền thống, lươn đồng sấy khô, lươn đồng ướp gia vị, lươn đồng phi lê…

Sau khi lươn đưa về chế biến, phải đảm bảo lươn sống, được rửa sạch sau đó luộc nước sôi để sơ chế và bỏ vào tủ cấp đông đưa đi bán. Muốn lươn có màu vàng đẹp thì khi luộc cho thêm một ít nghệ tươi giã nhỏ hoặc bột nghệ nguyên chất. Theo bà con làng Phan Thanh, sơ chế lươn không phức tạp lắm, nhưng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì lươn mới đảm bảo chất lượng và có giá trị dinh dưỡng. Các sản phẩm được chế biến, đóng gói, bảo quản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể vận chuyển đến các thị trường ở xa hơn. Cũng từ đó, tổ hội nghề nghiệp chế biến lươn đồng Phan Thanh được thành lập với mong muốn xây dựng thương hiệu lươn đồng làng Phan Thanh, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Ngân (29 tuổi), chủ sở hữu một trong những cơ sở chế biến lươn đồng nổi tiếng ở làng Phan Thanh cho biết: Trung bình mỗi ngày gia đình thu mua và chế biến khoảng 250 - 300 kg lươn đồng. “Chúng tôi chế biến lươn theo những công thức truyền thống của cha ông từ xưa để lại với các loại gia vị tự nhiên vì thế giữ được hương vị, chất lượng của lươn đồng. Lươn đồng làng Phan Thanh chúng tôi thì khách chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi, họ gọi điện đặt hàng thường xuyên. Khách hàng giờ mở rộng khắp các thị trường từ Hà Nội đến TPHCM”, chị Ngân nói.

 Lươn được rửa qua nhiều lần để làm sạch mùi tanh và độ trơn của da.

Tạo việc làm cho người lao động

Theo thống kê từ xã Long Thành, làng nghề nuôi và chế biến lươn Phan Thanh được công nhận vào tháng 7/2022, hiện có 51 hộ dân hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho 400 - 600 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi năm chế biến và xuất bán ra thị trường từ 1.200 - 1.500 tấn lươn thành phẩm. Sản phẩm lươn Phan Thanh có mặt khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số nước châu Âu. Thế nên, người dân Phan Thanh mới thường nói vui rằng, lươn đồng xứ Nghệ giờ đã biết… “bay”. Và cũng nhờ nghề chế biến lươn đồng, bà con làng thuần giáo Phan Thanh đều rất khá giả. Phan Thanh đổi thay với những con đường được mở rộng, bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều hơn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm (54 tuổi) trú tại làng Phan Thanh sau nhiều năm gắn bó với nghề, đã xây được nhà mới, cho con ăn học đàng hoàng. Bà Cẩm tâm sự: “Gắn bó với nghề chế biến lươn đồng đã lâu nhưng do chủ yếu xuất thô nên hạn chế về giá trị. Mấy năm trở lại đây, nhờ được hỗ trợ thêm vốn, mua sắm máy móc, chúng tôi mở rộng sản xuất, hiện tại kinh tế gia đình ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Dân làng luôn đồng hành cùng địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới”.

 Lươn thành phẩm được đóng gói cẩn thận.

Người đi tiên phong cho làng lươn Phan Thanh, phải kể đến ông Nguyễn Văn Khẩn (50 tuổi). Khởi đầu, bản thân ông Khẩn cũng chỉ là thương lái, đi khắp làng trên, xóm dưới để thu gom lươn rồi chở đi Vinh nhập cho các nhà hàng. Thấy nhu cầu tiêu thụ lớn, mà hầu hết các nhà hàng đều phải thuê người làm. Ông Khẩn nghĩ ra cách chế biến lươn sạch, rồi mua tủ cấp đông thành phẩm lươn đã chế biến, sau đó, mới đưa ra thị trường. Ông Khẩn kể: “Đến nay, tôi làm sơ chế lươn đã 28 năm, lươn làm bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Trung bình mỗi ngày tôi xuất khoảng từ 3 - 4 tấn lươn thịt và lươn sơ chế, tạo công việc cho khoảng 30-40 lao động”.

Ông Phan Thanh Sơn, xóm trưởng làng Phan Thanh cho biết: Làng có 197 hộ thì có 80% số hộ làm nghề bắt lươn. Một vài người, thấy người làng mình mỗi ngày bắt cả mấy tạ lươn nên đã đứng ra thu gom lươn để đưa đi các nơi tiêu thụ kiếm lời. Chính điều này, họ đã nhanh nhạy, nắm bắt thị trường, mở cơ sở sơ chế lươn đông lạnh, thu lãi lớn và hình thành làng lươn Phan Thanh sôi động như ngày hôm nay”.

Làng nghề chế biến lươn Phan Thanh còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác không phải là người công giáo. Từ đó, góp phần thắt chặt thêm mối đoàn kết lương giáo. Ông Ngô Thanh Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thành cho biết: Bà con giáo dân tại làng Phan Thanh luôn đoàn kết, nhiều gia đình còn hiến đất, tháo dỡ các công trình để mở rộng đường, xây dựng nông thôn mới. Hiện tại Hội Nông dân xã cùng với chính quyền địa phương cũng đang hỗ trợ tối đa để bà con làng nghề Phan Thanh hoàn thành hồ sơ để một số sản phẩm của làng nghề lươn đồng Phan Thanh được chứng nhận OCOP 3 sao.'

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết