Lặng thầm người quản trang làm theo lời Bác
- 19:39 23-07-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng tôi trở lại nghĩa trang liệt sỹ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), vào những ngày cuối tháng 7, khi cả nước nước hướng về kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hưng Nguyên nơi an nghỉ của 525 liệt sỹ. |
Hơn 23 năm qua, hàng ngày bà Nguyễn Thị Hường vẫn lặng lẽ chăm sóc từng ngôi mộ, tỉ mỉ nhổ từng cây cỏ dại, chăm sóc cây xanh, lau từng vết bụi trên những tấm bia mộ liệt sỹ.
Khi được hỏi về công việc ở nghĩa trang liệt sỹ, bà Nguyễn Thị Hường chia sẻ: "Công việc hàng ngày của tôi, thời gian làm việc không cố định. Cứ thấy có cỏ là làm, có lá rơi thì quét hay vào lúc đêm khuya, có nhiều thân nhân ở xa đến thăm, tôi cũng mở cửa và sẵn lòng hướng dẫn".
Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hưng Nguyên nằm tại Núi Nhón xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), là nơi an nghỉ của 525 liệt sỹ hy sinh từ những năm 1930 tới năm 1989, trong đó có 474 mộ liệt sỹ có danh tính.
Để canh giữ “giấc ngủ” cho các anh hùng liệt sỹ, bà Nguyễn Thị Hường luôn cần mẫn chăm sóc, dọn dẹp bảo vệ từng ngôi mộ, quét dọn nghĩa trang luôn sạch sẽ, chăm sóc, tưới nước cho hoa, cây xanh trong khuôn viên, tiếp đón, hướng dẫn các đoàn khách, thân nhân liệt sỹ khi đến đây thăm viếng.
Công việc không chỉ làm ngày, nhiều khi bà còn phải trực đêm. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, không kể nắng mưa, bà Hường đều cần mẫn, tận tụy với công việc của mình.
Công việc hàng ngày của bà là quét, dọn, lau chùi, tiếp đón, hướng dẫn các đoàn khách, thân nhân liệt sỹ khi họ đến đây thăm viếng. |
Bà luôn quan niệm: Mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé để chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì đất nước, không chỉ là trách nhiệm, mà còn là một niềm hạnh phúc.
Hơn 23 năm làm quản trang, dường như bà thuộc từng vị trí ngôi mộ, tên các liệt sỹ, quê quán, địa điểm các anh được quy tập. Thậm chí bà còn quen mặt từng người thân đến thăm, từng đơn vị thường xuyên đến cúng viếng vào những dịp rằm, lễ, Tết.
Với những ngôi mộ vô danh, không người thân thăm viếng, bà xem các anh như những người thân và luôn chăm sóc chu đáo, tận tình. Bà Hường chia sẻ thêm: Niềm vui của nghề này đơn giản là thấy các phần mộ được nhang khói ấm cúng, khuôn viên nghĩa trang sạch đẹp, cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng.
Hằng năm, cứ mỗi dịp lễ, Tết, đặc biệt là Ngày Thương binh, liệt sỹ - 27/7, công việc của bà càng thêm bận rộn khi các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng thân nhân các gia đình liệt sỹ tổ chức lễ cầu siêu, dâng hương, thắp nến tưởng nhớ, tri ân.
Năm nay, cả nước nói chung và huyện Hưng Nguyên nói riêng đang hướng về kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ - ngày mà cách đây 76 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào cả nước: “Họ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn những người con anh dũng ấy”.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, hơn 23 năm gắng bó với nghề, bà vẫn lặng thầm với công việc “canh giấc ngủ” cho các liệt sỹ.
Bà Hường quan niệm chăm sóc mộ các anh hùng liệt sỹ, không chỉ là trách nhiệm, mà còn là một niềm hạnh phúc. |
“Mỗi lần chứng kiến cảnh thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng các phần mộ, cảm nhận được nỗi lòng thầm kín của họ, tôi luôn tự hứa với lòng mình sẽ chăm sóc các phần mộ chu đáo hơn nữa để gia đình các liệt sỹ được yên lòng và anh linh các anh hùng liệt sỹ thêm ấm áp. Tôi tự nhủ, khi nào còn sức khỏe, còn được địa phương trọng dụng thì tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với công việc ý nghĩa này”.
Chia tay bà Nguyễn Thị Hường, trong cái nắng hè vẫn chưa hạ nhiệt, chúng tôi thầm cảm ơn bà - người làm công viêc quản trang tận tụy, cần mẫn.
Thế hệ trẻ chúng tôi ngày nay sẽ luôn biết ơn, tự hào về thế hệ cha anh đi trước, nguyện phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác tốt để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp.
Tác giả: Gia Ân - Nguyễn Hạnh
Nguồn tin: congly.vn