Vì sao thiếu nhiều giáo viên nhưng hàng năm vẫn có hàng ngàn giáo viên xin nghỉ việc?
- 15:13 23-07-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo đánh giá khái quát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2022-2023, thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022).
Thế nhưng, cả nước vẫn còn thiếu 118.253 giáo viên, thiếu thêm 11.308 người so với năm học 2021-2022. Cấp mầm non thiếu thêm 7.887 người, cấp tiểu học thiếu thêm 169 người, cấp trung học học cơ sở thiếu thêm 1.207 người, cấp trung học phổ thông thiếu thêm 2.045 người.
Vì sao giáo viên trong năm học 2022-2023 đã tăng thêm 71.927 giáo viên so với năm học 2021-2022 mà ngành vẫn thiếu 118.253 giáo viên?
Vì sao hàng năm số lượng giáo viên nghỉ việc vẫn nhiều lên đến con số trên dưới chục ngàn người?
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt buộc phải tuyển thêm giáo viên
Khác với chương trình 2006, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có thêm nhiều môn học mới nhưng cũng giảm số tiết ở nhiều môn học truyền thống. Vì thế, những môn giảm tiết như Công nghệ 6 giảm 1 tiết/ lớp/ tuần; Tin học cấp trung học cơ sở giảm 1 tiết/ lớp/tuần; Ngữ văn 9 giảm 1 tiết/ lớp/ tuần; các môn Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh ở cấp trung học cơ sở cũng được tích hợp thành 2 môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.
Bên cạnh việc giảm tiết, giảm môn ở cấp trung học cơ sở thì lại tăng môn, tăng tiết một số môn ở cấp tiểu học và trung học phổ thông. Cấp tiểu học có thêm môn Tin học và Công nghệ; Tiếng Anh là môn tự chọn từ lớp 1. Cấp trung học phổ thông thêm 2 môn lựa chọn hoàn toàn mới là Âm nhạc và Mĩ thuật.
Chính vì vậy, những nơi thừa thì cũng không thể tinh giản được giáo viên vì muốn tinh giản phải xếp giáo viên 2 năm "không hoàn thành nhiệm vụ" mà trường học bây giờ tìm 1 giáo viên xếp loại viên chức "hoàn thành nhiệm vụ" đã khó thì lấy đâu ra giáo viên 2 năm "không hoàn thành nhiệm vụ". Vì vậy, cấp trung học cơ sở đang thừa nhiều giáo viên ở một số môn - nhất nhưng khi cuốn chiếu xong chương trình 2018 thì còn thừa nhiều hơn.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020 ở cấp tiểu học có 12.827 trường tiểu học công lập. Mỗi trường chỉ cần tuyển thêm 1 giáo viên Tin học và Công nghệ; 1 giáo viên tiếng Anh thì số lượng cần tuyển mới của cấp học này khi thực hiện chương trình 2018 là 25.654 giáo viên. Đó là chưa kể chương trình 2018 cấp tiểu học dạy 2 buổi/ ngày cũng phát sinh thêm một lượng lớn giáo viên so với hiện có.
Cũng theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, cấp trung học phổ thông có 2.395 trường học. Nếu cấp này tuyển mỗi trường 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mĩ thuật thì số lượng cần tuyển mới cũng gần lên đến con số 5.400 giáo viên cho 2 môn đặc thù này.
Vì vậy, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì một số cấp học phổ thông bắt buộc phải tuyển mới giáo viên vì những môn này không có ở chương trình 2006. Cái thiếu này là bắt buộc phải tuyển vì những môn học này không có giáo viên dạy "tay ngang" được. Tuy nhiên, đây là những môn đặc thù, rất khó tuyển sinh để đào tạo nên nhân lực hiện nay gần như đang rất thiếu để các địa phương tuyển dụng.
Vì sao giáo viên bỏ việc lên đến trên dưới hàng chục ngàn giáo viên/ năm
Năm học 2021-2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc. Năm học 2022-2023, cả nước có hơn 9.200 giáo viên nghỉ việc - đây là những con số biết nói bởi trong lúc ngành giáo dục thiếu giáo viên thì mỗi năm có hàng ngàn giáo viên bỏ việc.
Các nguyên nhân được lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương nêu ra là do thu nhập thấp, áp lực nhiều khiến cho giáo viên nghỉ việc.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân nữa mà lãnh đạo ngành chưa nhắc đến. Đó là Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, yêu cầu chuẩn trình độ giáo viên từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông là có bằng đại học đúng chuyên ngành đào tạo.
Vì thế, việc xếp hạng giáo viên theo hướng dẫn của Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT còn có những bất cập khiến cho rất nhiều giáo viên xuống hạng khiến nhiều giáo viên chán nản. Mặc dù hiện nay Chính phủ cũng đã có lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên nhưng một số giáo viên họ cảm thấy việc học nâng chuẩn có phần phiền toái, tốn kém trong khi thu nhập chưa tương xứng nên thời gian qua không ít giáo viên họ bỏ việc để đi làm việc khác.
Giải bài toán thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc hàng năm không chỉ từ nay đến năm học 2024-2025 - khi Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện cuốn chiếu xong mà có thể nó còn diễn ra lâu dài nhiều năm sau nữa nếu chính sách vĩ mô của ngành vẫn còn những bất cập.
Ngành giáo dục cần tập trung vào các giải pháp cấp bách để tránh thừa - thiếu giáo viên
Thứ nhất: ngành giáo dục các địa phương, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường sư phạm cần tính toán được những ngành học thiếu, ngành thừa để đào tạo theo đơn đặt hàng cụ thể. Tránh tình trạng đào tạo nhiều môn học truyền thống nhưng sinh viên ra trường khó tìm kiếm việc làm dẫn đến sự hoài nghi cho học sinh lớp 12 khi định hướng vào sư phạm.
Vì thế, những ngành học đã thừa thì nên ngưng đào tạo, hoặc hạn chế đào tạo, những ngành học mới, đặc trưng theo chương trình 2018 thì cần đào tạo nhiều hơn. Học sinh lớp 12 còn mơ hồ về các môn học mới cần nhân lực ở chương trình 2018 thì ngành, nhà trường cần tuyền truyền, định hướng cụ thể hơn.
Thứ hai: giảm áp lực về việc bồi dưỡng, nâng chuẩn trình độ đang có phần nhiêu khê như hiện nay. Thay vì phải học nâng chuẩn lên đại học trong mấy năm trời (đối với giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần bồi dưỡng trực tiếp về chuyên môn trong vòng vài tháng để hạn chế sự lãng phí về thời gian, tiền bạc của ngân sách và của đội ngũ nhà giáo.
Thứ ba: giảm áp lực về hồ sơ sổ sách, những thủ tục hành chính, máy móc ở cơ sở để giáo viên chuyên tâm với nghề nghiệp, với chuyên môn của mình để họ không cảm thấy nhàm chán khi cứ phải thực hiện những việc ngoài chuyên môn.
Thứ tư: chế độ đãi ngộ, chính sách lương, phụ cấp cho giáo viên cần được tương xứng với công sức của họ bỏ ra. Không thể trả lương công tác theo năm mà không chú ý đến năng lực của người thầy mãi được. Trả lương như hiện nay tạo ra sức ì rất lớn cho đội ngũ nhà giáo và có cả sự bất mãn đối với nhiều giáo viên trẻ. Bên cạnh đó, việc đóng góp tự nguyện hàng tháng cũng cần hạn chế được phát động. Từ lâu, giáo viên các trường công lập luôn ngao ngán với các khoản đóng góp "tự nguyện" hàng tháng khiến cho đồng lương giáo viên ngày càng teo tóp.
Muốn giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay phải cần nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và xem trọng người thầy. Nếu không, tình trạng này sẽ còn nan giải và chưa thể khắc phục trong ngày một, ngày hai.
Tác giả: Ngọc Trân
Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn