Vụ chuyến bay giải cứu, nữ bị cáo xin được chịu án thay cựu phó giám đốc Công an Hà Nội
- 16:39 22-07-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng - Ảnh: DANH TRỌNG |
Trong ngày xét xử thứ 12 của phiên xét xử đại án chuyến bay giải cứu, hội đồng xét xử dành thời gian cho 54 bị cáo tiếp tục nói lời sau cùng trước khi nghị án.
Xin đi tù thay để cựu phó giám đốc Công an Hà Nội về chăm sóc mẹ già
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng - phó tổng giám đốc Công ty Bluesky (Bầu Trời Xanh) - cho biết thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, doanh nghiệp của bà mong muốn đưa được nhiều công dân từ nước ngoài về nước nên xin nhiều thủ tục cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.
Song, doanh nghiệp của bà "đưa càng nhiều công dân về nước thì tội càng nặng".
Bà Hằng cho hay sau khi phát hiện lỗi lầm của mình, bà mong muốn được ra tự thú nhưng sau đó lại xảy ra sự việc đáng tiếc. Kết quả cuối cùng bà đã giúp cơ quan điều tra mở rộng vụ án ở nhiều bộ, ban ngành và điều này đã được nhiều điều tra viên trong vụ án ghi nhận.
Bị cáo Hằng mong hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình để được hưởng mức án thấp nhất, để khuyến khích người muốn ra tự thú được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
"Cuối cùng, bị cáo xin giảm án cho anh Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an Hà Nội). Chính bị cáo đã đưa anh ấy vào vòng lao lý.
Nếu được, bị cáo xin hội đồng xét xử cộng những ngày tháng bị giam của anh Tuấn vào bản án của bị cáo để anh ấy được về chăm sóc mẹ già và chữa bệnh", Hằng khóc nghẹn, nói.
"Doanh nghiệp của bị cáo là nạn nhân của cơ chế xin cho, văn hóa phong bì"
Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Hồng Sơn - tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh - phân trần rằng kể từ ngày khởi tố vụ án đến nay đã hơn 500 ngày, ngày nào ông cũng không thoát khỏi suy nghĩ hối hận, dằn vặt về các hành vi vi phạm.
"Trong vụ án này doanh nghiệp của bị cáo vừa là người vi phạm vừa là bị hại và là nạn nhân của cơ chế xin cho, văn hóa phong bì, sự thiếu hiểu biết về pháp luật.
Bản thân bị cáo trước khi bị khởi tố là một công dân tốt, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, cán bộ công nhân viên, cũng đã đóng thuế cho Nhà nước cả trăm tỉ đồng", ông Sơn nói.
Sơn mong muốn hội đồng xét xử "có một bản án công tâm, mang tính nhân văn, giáo dục, răn đe hơn là một bản án trừng phạt", để ông có thể quay về với gia đình, xã hội, tiếp tục làm các công việc phát triển cho xã hội.
"Mong muốn hội đồng xét xử lượng hình để bị cáo có thời gian trở về chăm sóc mẹ già 88 tuổi, đã trong cơn thập tử nhất sinh trước hai ngày bị cáo bị bắt", ông Sơn xúc động nói và "xin cúi đầu nhận tội, bị cáo vô cùng có lỗi".
Bị cáo Lê Hồng Sơn - Ảnh: DANH TRỌNG |
"Mong hội đồng xét xử dùng trái tim mình nhìn nhận thấu đáo nhất"
Là người tiếp theo nói lời sau cùng, bị cáo Trần Thị Mai Xa - giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Du lịch Masterlife - cho hay với bản lĩnh là người đứng đầu doanh nghiệp, bà chưa bao giờ có suy nghĩ tiêu cực. "Tuy nhiên, khi nghe viện kiểm sát đề nghị mức án, tôi mất đi toàn bộ năng lượng".
Bị cáo Trần Thị Mai Xa - Ảnh: DANH TRỌNG |
"Nhìn vào mắt các anh chị, bị cáo không còn suy nghĩ tích cực để cố gắng điều hành doanh nghiệp của bị cáo nữa.
Suốt một năm qua, bị cáo đã giữ vững tinh thần, tin tất cả những gì bị cáo làm. Cho dù đứng đây vì hành vi của mình đã vi phạm pháp luật, tôi vẫn cố gắng điều hành doanh nghiệp vì tin có sự khoan hồng của pháp luật, được ghi nhận sự nỗ lực của bị cáo.
Nhưng khi nghe đến mức án đề nghị của viện kiểm sát, bị cáo bị suy sụp không còn năng lượng và sức mạnh của mình nữa. Không còn suy nghĩ tích cực nữa", bị cáo Xa giãi bày.
Bị cáo Xa cho biết hôm qua (21-7), bị cáo tâm sự với hai con nhỏ:
"Có thể thời gian tới mẹ sẽ đi công tác dài, không còn ở nhà với con nữa.
Con gái nhỏ: Mẹ đi đâu cho con đi cùng với, con ở cùng với mẹ, đi công tác với mẹ.
Còn sáng nay, con trai bị cáo hoảng hốt khi thấy bị cáo ra khỏi nhà: Mẹ ơi mẹ đi đâu đấy?
Tôi nói với con: Mẹ lên công ty và sẽ về với con".
Bị cáo Mai Xa khóc, kể lại và cho hay "chính lời của các con mà bị cáo có mong muốn trở lại".
"Bị cáo sai rồi, đưa cũng đã đưa, nhận cũng đã nhận, nhưng kết quả đạt được là hàng trăm ngàn đồng bào về nước an toàn", bà Xa nói và mong hội đồng xét xử "dùng trái tim mình nhìn nhận thấu đáo nhất", dù bất kỳ lý do gì thì doanh nghiệp đã đưa được người dân về nước an toàn.
Cuối phần trình bày, nữ bị cáo cho hay đứng đây với tư cách là người vi phạm pháp luật, các bị cáo đều ăn năn hối lỗi. Bà tin tưởng pháp luật mang đến công bằng, "như người cha người mẹ thấy con mình có lỗi thì đánh vài roi như sự cảnh cáo, chứ không phải hình phạt".
Tòa nghị án kéo dài và tuyên án vào 14h ngày 28-7.
Tác giả: Thân Hoàng - Danh Trọng
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ