Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Môn Tiếng Anh có điểm trung bình thấp nhất, hiểu sao cho đúng?

Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về việc dạy học ngoại ngữ tại các vùng miền.

 Cô trò Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội) ôn thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh.

Thời gian tới, cần sự quan tâm đầu tư cho các tỉnh miền núi để nâng cao chất lượng dạy học.

Chênh lệch vùng miền

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố điểm và phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2023. Nhìn chung, phổ điểm các môn thi năm nay tương đối đồng đều, trong đó các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đều có điểm trung bình từ 6,0 trở lên.

Riêng môn Tiếng Anh có phổ điểm thấp nhất, điểm trung bình là 5,45 điểm, điểm trung vị là 5,2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2 điểm và đây cũng là môn thi có số thí sinh đạt điểm liệt nhiều nhất với 192 bài thi. Tuy nhiên, nếu so sánh với phổ điểm môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thì phổ điểm năm nay đã có những cải thiện đáng kể.

Cụ thể, điểm trung bình môn Tiếng Anh năm 2022 là 5,15 điểm, điểm trung vị là 4,8 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8 điểm và số thí sinh bị điểm liệt là 423. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh đạt điểm giỏi môn Tiếng Anh năm 2023 cũng đã tăng lên 15,03% so với 11,9% của năm 2022. Nhiều giáo viên cho rằng, nhìn vào phổ điểm môn Tiếng Anh cho thấy đây là môn học thể hiện sự chênh lệch rõ nét nhất giữa các vùng miền, thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng như giữa thí sinh sử dụng Tiếng Anh để xét tuyển đại học và chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Cô giáo Nguyễn Diệu Huyền - Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, điểm thi Tiếng Anh thấp nhất trong các môn thi tốt nghiệp THPT dễ hiểu bởi có sự khác biệt lớn giữa việc học và thi. Hiện, việc dạy và học Tiếng Anh đang hướng theo phát triển và đánh giá năng lực, tăng cường kỹ năng nói - viết, khuyến khích giao tiếp. Trong khi đó, việc thi hiện nay mới giới hạn ở mức kiểm tra từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu.

Cũng theo cô Huyền, Tiếng Anh là môn học đường dài, cần có đầu tư và việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ không phải lập tức có hiệu quả ngay được. Do đó, để cải thiện chất lượng môn học này, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía như chính học sinh, gia đình, nhà trường, địa phương và một chiến lược dạy và học ngoại ngữ mang tầm quốc gia.

Thừa nhận Tiếng Anh luôn là rào cản của học sinh miền núi, thầy Lù Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Xín Mần (huyện Xín Mần, Hà Giang) - cho biết: Trong những năm học vừa qua, dù đã rất nỗ lực học tập nhưng kết quả thi tiếng Anh của học sinh nhà trường tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT không cao.

Do nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của tiếng Anh chưa được quan tâm đúng mức, điều kiện trang thiết bị dạy học cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn học sinh chưa được tiếp cận tiếng Anh từ sớm nên dẫn đến chất lượng môn học này còn hạn chế...

 Học sinh Trường THPT Hương Cần tự tin tham gia các cuộc thi tiếng Anh.

Đầu tư cho giáo dục miền núi

Dù gặp nhiều khó khăn trong việc dạy học Tiếng Anh nhưng hầu hết giáo viên đều cho rằng việc tăng cường đầu tư cho môn học này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Thầy giáo Đặng Ngọc Quý - Trường PTDT Bán trú - THCS Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An) chia sẻ: Về cơ bản môn Tiếng Anh vốn dĩ đã khó học với không ít học sinh ở miền xuôi. Với các học sinh dân tộc, khó khăn còn nhân lên gấp nhiều lần.

Nhưng không vì khó khăn mà các học sinh dân tộc không yêu thích môn học này; đa số các em có sự tò mò và mong muốn khám phá ngôn ngữ mới. Chính vì vậy, nhiều giáo viên bộ môn Tiếng Anh ở các trường khu vực miền núi đã và đang ngày đêm đưa ngoại ngữ lên miền núi, giúp học sinh dân tộc mở cánh cửa giao lưu thế giới.

Cô Hà Ánh Phượng - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), đại biểu Quốc hội khóa XV - chia sẻ rằng sinh ra và lớn lên ở miền núi, cô hiểu rằng, dù có thể không đủ điều kiện như ở miền xuôi, thế nhưng tinh thần học của học sinh miền núi luôn cao. Đây chính là động lực lớn để những giáo viên như cô tiếp tục gắn bó với vùng cao.

Để giúp học sinh của trường tiếp cận với tiếng Anh, cô Phượng đổi mới, sáng tạo phương thức dạy học để khiến học sinh hứng thú hơn trong mỗi giờ học. Chỉ với một màn hình, một máy chiếu, học sinh của cô sau khi vượt qua những rụt rè ban đầu, giờ có thể tự tin thuyết trình, giao lưu văn hóa, giới thiệu di sản văn hóa thế giới như hát xoan đến học sinh các nước trên thế giới.

Có tới 85% học sinh là người dân tộc ít người nhưng trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây, học sinh Trường THPT Hương Cần đều đạt được thành tích cao trong môn Tiếng Anh. Cùng với đó, nhiều em đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để miễn thi tốt nghiệp THPT.

Cô Phượng cho rằng, sự nỗ lực của những “giáo viên cắm bản” sẽ góp phần “mang thế giới” đến cho học sinh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Các thầy cô cũng cần thêm trợ lực từ chính sách đặc thù để học sinh dân tộc không chỉ hoàn thành môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT mới, mà còn giúp các em đến với cánh cửa giao lưu thế giới.

TS Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) - nêu quan điểm: Điểm môn ngoại ngữ thấp là điều dễ hiểu bởi ở đây có sự khác biệt giữa các vùng miền. Từ kết quả phổ điểm thi môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho thấy, cần đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đưa ra chính sách nhằm cải thiện thế nào cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá cũng như đầu tư về ngoại ngữ cho các vùng miền khác nhau.

Tác giả: Vân Anh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn