Dự kiến dành hơn 1.300 tỉ đồng để sáp nhập gần 1.400 huyện, xã
- 09:06 12-07-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN |
Sáng 12-7, phát biểu khai mạc phiên họp 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự kiến trong 2,5 ngày, phiên họp sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Dự kiến bố trí hơn 1.300 tỉ đồng để sáp nhập huyện, xã
Trong đó, theo ông Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Ông nói trong giai đoạn trước đã làm rất tốt nội dung này theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giám sát tối cao kết quả thực hiện nội dung này giai đoạn 2019 - 2021.
Trên tinh thần kết luận của Trung ương, Quốc hội và căn cứ kết quả giám sát, Chính phủ đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều nội dung.
"Từ kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến sơ bộ 2 lần.
Nếu được thông qua tại phiên họp này sẽ có thời gian để tổ chức triển khai", ông Huệ nêu và nói trong thực tế, khi tiếp xúc nhiều cử tri bày tỏ mong muốn sớm triển khai nội dung này. Hiện các địa phương cũng đã chuẩn bị kỹ vấn đề này.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ dẫn số liệu báo cáo của 63 địa phương cho thấy trong giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến cả nước có khoảng 33 huyện và khoảng 1.327 xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập.
Con số này chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu. Kinh phí thực hiện sáp nhập huyện, xã của tỉnh, thành do ngân sách địa phương bảo đảm.
Đồng thời ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỉ đồng cho các địa phương nhận bổ sung cân đối, với định mức 20 tỉ đồng cho mỗi huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi xã giảm khi sáp nhập giai đoạn 2023 - 2030.
Nghe báo cáo giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Bên cạnh đó, theo ông Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đây là hai dự án đã được Quốc hội quyết định trong chương trình xây dựng pháp luật 2024, bổ sung năm 2023. Hai luật này được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ.
"Theo tiến độ, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và xem xét quyết định thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Hai dự án luật đã được chuẩn bị khá lâu và theo đề xuất của Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sớm.
Việc này để các cơ quan có thời gian nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện để có chất lượng tốt nhất, trước khi trình Quốc hội", ông Huệ nói.
Cũng theo ông Huệ, Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Đây là vấn đề rất quan trọng, nhạy cảm, được nhân dân, cử tri rất quan tâm. Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc rất công phu. Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch đã nghe, cho ý kiến 2 lần.
Để đảm bảo tính cẩn trọng, chất lượng cao nhất, theo ông Huệ, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức lần đầu.
Sau phiên họp này, đoàn giám sát sẽ tiếp thu, hoàn thiện và có căn cứ, cơ sở làm việc chính thức với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, Chính phủ.
Từ đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 8-2023 để tổ chức giám sát chính thức với chuyên đề rất quan trọng này.
Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục xem xét về kết quả công tác dân nguyện của tháng 7. Bên cạnh đó, sẽ cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về chương trình, nội dung, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Tác giả: THÀNH CHUNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ