Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Huyền thoại Truông Bồn

Truông Bồn, vùng đất thiêng, là biểu tượng nhắc nhớ về sự hy sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây còn là 'địa chỉ đỏ' giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

 Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại ”Kỉ niệm 54 năm Chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2022).

Độc đạo bi hùng

Những ngày tháng 7, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đón hàng trăm đoàn khách đến dâng hương, tri ân các liệt sĩ. Họ là cựu chiến binh, học sinh, người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc, ai cũng mang trong mình nỗi xúc động về sự hy sinh oanh liệt của thế hệ cha anh.

Gần 55 năm trôi qua kể từ ngày 13 chiến sĩ của Đại đội TNXP 317 ngã xuống dưới loạt bom của đế quốc Mỹ. Họ - những người con trên khắp vùng quê xứ Nghệ đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Những tấm gương dũng cảm của liệt sĩ TNXP ở đây đã làm nên “huyền thoại Truông Bồn”. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với chiều dài gần 5km nằm trên tuyến đường 15A, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, trong đó tiêu biểu là 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội thép”, ngày 12/1/1996, Truông Bồn được công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn.

Nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, UBND tỉnh Nghệ An đã cùng nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích trên diện tích 217.327m² và được hoàn thành vào tháng 7/2015.

Cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Sơn” ghi lại, suốt cuộc chiến tranh phá hoại, trên vùng trời Đô Lương hầu như ngày nào cũng có máy bay do thám quần lượn. Từ 1964 - 1968, đế quốc Mỹ đã tập trung máy bay ném bom hòng phá hủy con đường vận tải chiến lược này. Trong khoảng thời gian đó, địch đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường.

Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, khi mà cái chết luôn cận kề nhưng các chiến sĩ nơi đây vẫn ngày đêm bám trận địa, với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc” để giữ vững mạch máu giao thông. Lực lượng TNXP đã san lấp hố bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến. Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sĩ TNXP Đại đội 317.

 Khu di tích Truông Bồn đón khoảng hơn 300.000 lượt khách mỗi năm.

4h ngày 31/10/1968, khi chỉ còn ít giờ nữa đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 2 loạt với 238 quả bom khiến nơi đây chìm trong biển trời khói lửa. Mặc khói bom, mặt đất bốc cháy, đồng đội lao vào bới từng lớp đất, hòn đá, may mắn tìm thấy chị Trần Thị Thông bị vùi sâu bên cạnh hố bom và vẫn còn cơ hội sống sót. Còn lại 13 chiến sĩ thân thể đã hòa lẫn vào đất đá, cỏ cây. Gạt nước mắt, đồng đội gom về những phần xương thịt trộn lẫn bùn đất, không biết được của ai, đành ngậm ngùi đắp cho các chị, các anh một ngôi mộ chung.

13 TNXP tuổi đời còn rất trẻ, chỉ ít giờ nữa thôi, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ trên “tọa độ lửa” Truông Bồn, mỗi người sẽ thực hiện một kế hoạch riêng của cuộc đời mình. 5 chị chuẩn bị bước vào giảng đường, giấy báo nhập học vẫn đang gói trong từng chiếc khăn mùi soa. Và ít tiếng nữa thôi, chị Nguyễn Thị Tâm cùng anh Cao Ngọc Hòa sẽ đưa nhau về quê làm lễ đính hôn, tổ chức đám cưới. Nhưng anh chị cùng với 11 đồng đội đã nằm xuống…

Những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc. Họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân của mình để hiến dâng cho Tổ quốc. Đó là kết tinh cao đẹp nhất của tình yêu nước, của ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm, của lòng dũng cảm, khát vọng hòa bình để viết lên “huyền thoại Truông Bồn” trong thế kỷ 20.

Khu di tích xanh

Chiến tranh đã đi qua, quốc lộ 15A đoạn qua Truông Bồn khốc liệt năm nào giờ đã hồi sinh mạnh mẽ dưới bàn tay lao động chăm chỉ, cần cù của người dân Mỹ Sơn. Những ngọn đồi trên dãy Thung Nưa khốc liệt, từng bị cày nát bởi bom đạn nay được phủ màu xanh ngút ngàn của cỏ cây.

 Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Trong tiếng Nghệ, “Truông” là danh từ để chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một đoạn đèo dốc như thế có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 - đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An...

Với điều kiện địa lý, Nghệ An là “hậu phương trực tiếp của tiền tuyến, là cửa ngõ vào Quân khu IV, là địa bàn triển khai lực lượng khi bước vào chiến đấu”. Nằm trên vùng tuyến lửa Khu IV, tuyến đường chiến lược 15A có chiều dài gần 200km, tiếp nối từ quốc lộ 1A - giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương về đến huyện Nam Đàn: Một ngả rẽ về bến phà Linh Cảm, tỉnh Hà Tĩnh; một ngả đi về thành phố Vinh, qua phà Bến Thủy vào Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển nhân tài, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An. Trên tuyến đường chiến lược này, Truông Bồn là điểm nút giao thông đặc biệt quan trọng.

(Theo Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn)

Theo ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn, hiện trong Khu di tích có khoảng 2.000 cây xanh từ mọi miền Tổ quốc. Những gốc cây to lớn đã phủ xanh “tọa độ chết” ngày nào. Vào mùa hè, Khu di tích rực tím bởi màu của hoa mua. Những cánh hoa ấy thường được cán bộ Khu di tích hái, đặt lên ngôi mộ chung 13 liệt sĩ TNXP mỗi ngày.

Truông Bồn giờ đây đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc mỗi khi có dịp về Nghệ An. Nơi đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng của dân tộc, về tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước.

Ông Phan Trọng Lộc chia sẻ, hàng năm, Khu di tích đón khoảng hơn 300.000 lượt khách. Trong những ngày tháng 7 lịch sử, lượng khách về với Truông Bồn để tri ân các liệt sĩ càng đông hơn. Năm nay, Khu di tích đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, công tác bảo đảm để đón tiếp người dân từ khắp mọi miền về dâng hương, tri ân các liệt sĩ tại Truông Bồn.

Hòa cùng dòng người về thăm Khu di tích Truông Bồn vào những ngày tháng 7 lịch sử, chị Đào Thị Hoa xúc động bày tỏ: “Đến thăm Khu di tích linh thiêng, được nghe các thuyết minh viên kể về sự hy sinh của các liệt sĩ đã mang đến cho tôi cảm xúc đặc biệt. Mặc dù giữa mưa bom bão đạn, giữa sự sống và cái chết nhưng các anh, các chị làm nhiệm vụ ở đây vẫn sẵn sàng xả thân để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc giải phóng dân tộc, hiến dâng máu xương mình cho Tổ quốc”.

Tác giả: Kim Long

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam