Độc đáo những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Sóc Trăng
- 07:49 03-07-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nếu những ngôi chùa Phật giáo Bắc tông mang đậm chất cổ kính, trầm mặc, thì những ngôi chùa Nam tông Khmer lại có vẻ nguy nga, diễm lệ rất riêng, thường được xây dựng trên một khu đất rộng, bao bọc bởi những hàng cây dầu, cây thốt nốt hay rừng tràm xanh tươi. Những ngôi chùa Phật giáo Khmer là những công trình tạo dấu ấn đặc biệt trong kho tàng di sản kiến trúc Việt Nam, là một chỉnh thể nghệ thuật được kết hợp một cách hài hòa các yếu tố kiến trúc, hội họa, hoa văn trang trí...
Tượng Phật nằm nổi tiếng ở chùa Som Rong, Sóc Trăng. |
Nổi bật và quan trọng nhất trong chùa Phật giáo Nam tông Khmer là ngôi chính điện được xây dựng ở trung tâm của ngôi chùa. Chính điện được xây theo hướng Đông - Tây với quan niệm Đức Phật luôn ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông mà ban phúc lộc, cứu độ chúng sinh. Bên ngoài chính điện thường có các công trình phụ trợ, các trang trí phù điêu đắp nổi, thể hiện các hình tượng tiên nữ, chim thần Krud, đầu thần Bayon bốn mặt được lấy từ văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Khmer.
Chị Thạch Thị Loan, hướng dẫn viên tại Bảo Tàng Khmer, tỉnh Sóc Trăng giới thiệu: "Kiến trúc đều tập trung vào Chánh điện. Viền mái có hình tượng chim thần, hay tượng thần Cày-no và tiên nữ. Thường các góc cạnh sẽ điêu khắc chim thần, thể hiện sức mạnh che nâng đỡ. Chánh điện thường 3 tầng, tương ứng với số 3 là số may mắn hoàn thiện nhất theo quan niệm của người Khmer. Thềm lên cũng thường 3 nấc".
Tượng điêu khắc bên ngoài chánh điện chùa Tà Mơn, Sóc Trăng. |
Trong số hơn 90 ngôi chùa ở Sóc Trăng, chùa Kh’leang là ngôi chùa có giá trị lịch sử lâu đời khi được xây dựng từ năm 1532. So với nhiều ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Kh’leang còn giữ lại những nét độc đáo của lối kiến trúc Khmer cổ, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và tính thẩm mỹ. Không những vậy, ngoài đặc điểm chủ đạo theo kiến trúc hoa văn Khmer, trong chánh điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa trên lĩnh vực trang trí, nghệ thuật giữa 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa vốn có quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất Sóc Trăng.
Chùa Kh'leang gần 500 năm tuổi ở Sóc Trăng. |
Một ngôi chùa khác cũng được rất đông du khách lựa chọn ghé thăm khi tới Sóc Trăng là chùa Sro Lon ở huyện Mỹ Xuyên (còn có tên gọi khác là chùa Chén Kiểu) được xây dựng từ năm 1815. Chùa Chén Kiểu nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, thể hiện trong chính cái tên của ngôi chùa. Theo như lý giải của Đại đức Kim Hoàng Hưng, trụ trì chùa, thì chùa Sron Lon cũng giống như các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, nhưng kiến trúc của chùa cũng có nét văn hóa của người Hoa vì trước có nhiều người Hoa. Đặc điểm khác là mô phỏng theo miệng chén, lấy chén điêu khắc nên hoa văn của ngôi chùa nên gọi là Chén Kiểu. Chùa cũng có đặc điểm là có lưu giữ hai giường và một số di vật của Công tử Bạc Liêu.
Chùa Sro Lon (chùa Chén Kiểu) nổi tiếng với hoa văn trang trí độc đáo. |
Sự kết hợp giữa cách trang trí bằng những mảnh gốm, sứ với kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Khmer khiến chùa Chén Kiểu để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách ghé thăm chùa. Ông Ngô Hữu Lợi, một du khách đến từ Bình Dương chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi đến viếng cảnh chùa. Mỗi lần đi có một cảm xúc khác nhau do cảnh chùa đã tôn tạo lại khuôn viên rộng, thoáng, kiến trúc nhiều cảnh mới, mang tính đặc sắc của miền Tây Nam Bộ, nhất là của đồng bảo Khmer. Ở đây có hai chiếc giường của Hắc Bạch công tử cũng gây ấn tượng, cho chúng tôi hiểu được cách sống của ông cha ta".
Đối với người Khmer, những ngôi chùa Phật giáo Nam tông là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, là nơi gắn kết cộng đồng dân cư bền chặt – nét đặc thù của người Khmer từ truyền thống tới hiện đại. Người Khmer vẫn có câu “Sống gửi thân trong chùa, chết gửi cốt trong chùa”, bởi thế ngôi chùa là nơi chứng kiến nhiều nghi lễ quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, từ lễ ban phước lành lúc mới sinh, lễ trưởng thành, lễ cưới và cuối cùng là lễ tang. Với họ, chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là nơi gửi gắm niềm tin về mọi điều trong cuộc sống, gửi gắm ước nguyện về những gì tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người trong phum, sóc.
Tác giả: Thúy Ngọc
Nguồn tin: Báo VOV