Khơi thông hệ thống cảng biển Nghệ An
- 19:51 01-07-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hệ thống Cảng biển Cửa Lò nhiều năm nay chưa được đầu tư tương xứng nên con số tăng trưởng năng lực hàng hoá xuất nhập khẩu tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế |
Nguyên nhân được chỉ ra là do nguồn vốn bị hạn chế, vướng mắc một số thủ tục pháp lý liên quan hoặc khâu đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm chạp, kéo theo nhiều nhiều bất cập tồn tại dai dẳng theo thời gian.
“Tắc” từ vùng biển Bắc Nghệ An
Trên thực tế, nhu cầu hệ thống cảng biển tại Nghệ An hiện đang là những điểm nghẽn trong xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh với những bất cập ngày càng bộc lộ. Chính vì vậy, nếu Nghệ An không hiện thực hoá những cơ chế, chính sách điều chỉnh để cởi mở “nút thắt” này thì vấn đề phát triển kinh tế biển sẽ khó đạt được những con số tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những điểm nghẽn cần phải đề cập, đó là do thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng nên năng lực bốc dỡ không được nâng lên, luồng lạch bị bồi lắng khiến tàu có tải trọng lớn khó ra vào, quay trở. Chưa hết, do không sớm được ưu đãi về kho bãi nên số tàu và hàng hóa xuất nhập qua tăng ít, đồng nghĩa với doanh thu, lợi nhuận không nhiều nên thiếu nguồn lực để tái đầu tư hạ tầng, trang thiết bị tại cảng.
Điển hình có thể thấy, dự án xây dựng Cảng biển Đông Hồi nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 2 ở Nghệ An sau 12 năm trời vẫn đang “án binh bất động”. Qua tìm hiểu được biết, Cảng biển Đông Hồi ở xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, Nghệ An được xác định là bến cảng chuyên dùng, được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 838/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2011 với chức năng nhiệm vụ là cảng chuyên dùng phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, vật liệu xây dựng trong Khu công nghiệp Đông Hồi và vùng lân cận.
Quan trọng hơn, việc đưa Cảng Đông Hồi vào quy hoạch, triển khai xây dựng sẽ góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế năng động cho cả vùng Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chỉ nằm trên bàn thảo chứ chưa có động thái khởi công, xây dựng…
Và, với phạm vi quy hoạch khu bến cảng 1.096,7ha (bao gồm cả phần diện tích xây dựng trên đất liền và diện tích xây dựng trên mặt nước), với tổng kinh phí dự toán giai đoạn 2009 - 2015 là 10.574 tỷ đồng, giai đoạn đến năm 2020 là 16.555 tỷ đồng, trong đó có hạng mục đê chắn sóng và luồng tàu. Thế nhưng, đến nay sau 12 năm, dự án này vẫn nằm trên giấy, chưa triển khai được theo quy hoạch. Việc chưa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho cả khu bến cảng như đê chắn sóng và luồng tàu nên đến nay các dự án đầu tư bến cảng đều gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động.
Nỗi lo bị tụt hậu
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cảng biển Nghệ An là cảng biển quốc gia loại I, bao gồm các khu bến:
Khu bến Nam Cửa Lò có bến tổng hợp, hàng rời container, hàng lỏng/khí, bến cảng khách du thuyền gắn với du lịch Cửa Lò, với cỡ tàu trọng tải đến 30.000 tấn. Khu bến Bắc Cửa Lò gồm vùng đất và vùng nước khu vực phía Bắc Cửa Lò (từ mũi Gà đến khu vực mũi Rồng); có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp bến khác quốc tế khi có nhu cầu. Cỡ tàu hàng rời có trọng tải đến 100.000 tấn; tàu hàng lỏng/khí có trọng tải đến 50.000 tấn; tàu tổng hợp, container trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT.
Khu bến Đông Hồi gồm vùng đất và vùng nước khu vực từ mũi Đông Hồi đến phía Bắc mũi Đầu Rồng. Chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Phát triển với lộ trình thích hợp, kết hợp với khu bến Nghi Sơn để hình thành cụm cảng Nghi Sơn – Đông Hồi. Cỡ tàu trọng tải 50.000 -70.000 tấn. Khu bến Bến Thủy, Cửa Hội là vùng đất và vùng nước khu vực Bến Thủy, Cửa Hội trên sông Lam. Chức năng là bến vệ tinh, địa phương. Cỡ tàu trọng tải đến 2.000 tấn.
Vậy nhưng, nhìn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế từ số liệu xuất nhập khẩu, hàng hoá thông quan qua các cảng biển ở Nghệ An trong những năm qua vẫn chưa thể cải thiện được gam màu sáng rõ nét. Trong khi đó, nhiều cơ chế, chính sách đến quy hoạch phát triển, nhà đầu tư vẫn chưa thể thấy được hiện thực mà mình đã kỳ vọng.
Các chuyên gia nhận định, muốn khai thác tiềm năng sẵn có, trước mắt tỉnh Nghệ An phải tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng biển một cách đồng bộ, hiện đại; đáp ứng tối đa nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Từ đó, Nghệ An mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa kinh tế biển phát triển bền vững trong tương lai.
Tác giả: HỒNG QUANG - NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn