Võ sư miền sơn cước có 12 người vợ vẫn cô đơn ở tuổi xế chiều
- 07:25 29-06-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trốn nhà đi học võ
Sinh ra và lớn lên ở Bình Định nên ngay từ nhỏ ông Trần Quốc Phi Long (SN 1944, trú giáp ranh thị xã An Khê, Gia Lai và huyện Tây Sơn) đã có niềm đam mê bất tận với võ thuật. Mang trong mình dòng máu của người học võ nên ông Long luôn đắm chìm trong những chiêu thức võ cổ truyền.
Mới lên 6 tuổi, ông đã theo cha mình là võ sư Trần Sỹ Nghĩa học những điều cơ bản đến nâng cao trong võ cổ truyền. Năm 10 tuổi, ông Long được một người bác nhận dạy về tinh hoa võ thuật. Tuy nhiên, trong một lần luyện võ ở sông Côn (Bình Định) người bác của ông và 36 môn đệ không may thiệt mạng do sét đánh.
Võ sư Trần Quốc Phi Long |
Năm đó vì ông không đi học nên tránh được một mạng. Thấy con trai đau buồn, ngày càng ít nói bởi sự ra đi quá đột ngột của người bác và cũng là người thầy dạy võ đầu tiên nên ông Trần Sỹ Nghĩa đã lặn lội đi tìm thầy cho con. Sau khoảng thời gian tìm kiếm, ông Long đã có thầy mới, tuy nhiên việc học tiếp tục bị gián đoạn vì người thầy phải mổ ruột thừa. Vừa tìm được thầy dạy võ mới chưa được bao lâu thì một lần nữa thầy trò lại thất lạc nhau do chiến tranh.
Trò chuyện với chúng tôi, võ sư Trần Quốc Phi Long chia sẻ: “Sau nhiều lần bái sư thất bại, thấy tôi không có duyên với võ thuật nên cha không cho đi học nữa. Mặc dù đã cầu xin ông nhiều lần, tuy nhiên cha vẫn không đồng ý nên tôi đã trốn xuống xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) tìm tới võ sư Huỳnh Liễu xin bái sư học võ cổ truyền. Sau thời gian luyện tập cuối cùng tôi cũng đã được thầy cho đi thi đấu ở một số đấu trường trong tỉnh và khu vực miền Trung, Tây nguyên”.
Sinh ra ở vùng đất võ cùng tài năng thiên bẩm, võ sư Trần Quốc Phi Long chưa một lần nếm mùi thất bại trên đấu trường võ thuật |
Theo ông Long, trận đấu đầu tiên của ông được thi đấu ở Bình Định. Trận đó, vì kết quả hòa nên ông càng hăng say luyện tập, trau dồi kỹ thuật mà sư phụ truyền dạy. Thấy trò chăm chỉ học tập ngày đêm, năm 1967 võ sư Huỳnh Liễu hướng dẫn ông mở võ đường Phi Long Thảo cùng con trai của mình. Từ võ đường này, Phi Long được sư phụ cho đi đấu ở các võ đài lớn, vì liên tục dành thắng lợi nên danh tiếng của ông càng lẫy lừng và được nhiều người biết đến.
“Võ sư Huỳnh Liễu là người mà tôi biết ơn nhất, thầy chỉ dạy tôi rất cặn kẽ từ lý thuyết đến thực hành về võ học, võ y. Được thầy chỉ dạy kỹ càng nên tôi đã liên tục dành thắng lợi ở các trận đấu trên võ đài, cũng vì vậy võ đường được nhiều người biết đến. Và không ngoại lệ cha tôi cũng đã phát hiện việc tôi trốn nhà đi học võ. May mắn thay, lúc này cha và gia đình đã ủng hộ tôi theo đuổi con đường võ thuật”, ông Long trải lòng.
Được nhiều người đẹp trao thân gửi phận, vẫn cô đơn ở tuổi xế chiều
Biết được danh tiếng của ông, nhiều cao thủ khắp cả nước đã lập những giải đấu và mời ông tham gia. Ông đã tham gia các trận đấu từ Phú Yên đến Bình Thuận rồi từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây.
Đồng hành cùng võ đường Phi Long Thảo được 2 năm, ông được sư phụ Huỳnh Liễu cho phép xuất sư vào năm 1969. Xuất sư được 2 năm ông đã lựa chọn về quê nhà để mở võ đường cho riêng mình và lấy tên là Phi Long Long. Võ đường của ông dần nổi tiếng và được các đồ đệ từ khắp tỉnh thành trong và ngoài nước tới bái sư.
Võ sư Phi Long nhớ lại: “Trận đánh làm tôi nhớ nhất đó là đánh với võ sư Lam Chinh, người Campuchia, là lính chủng thiết giáp của quân Ngụy tại nhà hát Hoa Mộc Lan (tỉnh Kon Tum). Ở trận đánh này tôi vận dụng đòn đạp hậu là sở trường của mình để hạ gục đối thủ sau những lần tấn công dồn dập. Cũng từ trận đấu đó, tôi được nhiều người biết đến và ưu ái đặt cho biệt danh “rồng đen” của Võ thuật Việt Nam”.
Sau những năm chinh chiến, ông trở về quy ẩn một mình giữa núi rừng của đèo An Khê, chuyên tâm vào nghiên cứu võ thuật và các bài thuốc võ |
Theo võ sư Phi Long, ông tham gia tổng cộng 87 trận, trong đó có 68 trận thắng, còn lại 19 trận hòa. Hiện học trò của ông trải khắp cả nước. Mỗi đồ đệ đã tự mở võ đường, dạy võ tại hơn 30 tỉnh, thành và một số ở nước ngoài. Đặc biệt phải kể đến các võ đường như: Phi Long Hải (TP.HCM), Phi Long Du (Tây Ninh)…
Vào năm 1975, ông được mời làm Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tây Sơn (Bình Định). Đến năm 1980, Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Nghĩa Bình (hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) mời ông về làm huấn luyện viên bộ môn đối kháng của đội tuyển võ thuật cổ truyền của tỉnh; đồng thời phụ trách huấn luyện võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn).
Chín năm sau, võ sư Trần Quốc Phi Long nghỉ việc lên Tây nguyên trồng cà phê nhưng thất bại. Năm 1999, ông dựng nhà trên đỉnh đèo An Khê an dưỡng, tuổi già. Trên đấu trường võ thuật vang danh là thế nhưng đường tình của ông lại khá trắc trở. Dù có đến 12 người vợ nhưng ông phải cô đơn ở tuổi xế chiều.
Dù có đến 12 người vợ nhưng võ sư tài ba vẫn cô đơn ở tuổi xế chiều |
Quy ẩn một mình giữa núi rừng của đèo An Khê, ngoài thời gian chăm sóc cây cảnh, võ sư Phi Long lại chuyên tâm vào nghiên cứu võ thuật và các bài thuốc võ. Hơn 30 năm nay, ông đã "rửa tay, gác kiếm" để ẩn mình nhằm có thời gian nghiên cứu tinh hoa võ thuật và an dưỡng tuổi già.
“Nguyên tắc dạy võ của tôi là các học trò phải được trang bị thật vững cái gốc của võ cổ truyền, tránh tình trạng tam sao thất bản. Tôi dạy rất khó, học trò nào ngang thì trị ngay nhưng dần rồi sẽ hiểu. Một điều nữa, học võ phải dùng nhu thắng cương mới hay chứ dùng mạnh thắng yếu chỉ là chuyện đương nhiên”, ông Long bộc bạch.
Tác giả: Trần Hiền
Nguồn tin: congluan.vn