Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mua nấm ngoài chợ về ăn bị ngộ độc, suy thận cấp

Sau khi ăn một loại nấm đỏ mua ngoài chợ được 4 tiếng, người đàn ông 37 tuổi ở Lạng Sơn phải nhập viện cấp cứu và có dấu hiệu suy thận cấp, tổn thương gan.

Theo thông tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn ngày 23/6 cho biết, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (37 tuổi, địa chỉ ở TP Lạng Sơn) vào viện với các triệu chứng đau bụng quanh rốn, nôn, tiêu chảy.

Người bệnh kể, ngày 20/6, bệnh nhân có ăn cơm cùng với một loại nấm màu đỏ, mua ngoài chợ. Sau ăn khoảng 4 tiếng, anh bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, mệt mỏi nên vào viện.

 Nấm có độc mà người bệnh mua ở chợ về ăn.

Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc nấm - suy thận cấp và được điều trị tích cực. Hiện tại, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được ra viện.

Qua hình ảnh người bệnh cung cấp, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng người bệnh ăn phải nấm xốp Russula có độc. Loại nấm này có hình dáng gần giống với nấm Chẹo đỏ - một loại nấm có thể ăn được, vì vậy người dân rất dễ nhầm lẫn.

Thời gian vừa qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm hết sức nguy hiểm, trong đó có nhiều gia đình cả nhà bị ngộ độc nặng phải nhập viện cấp cứu, có ca đã tử vong. Phần lớn các ca ngộ độc nấm đều là do người dân tự hái nấm lạ về ăn, đặc biệt nấm mà người dân cho rằng mọc trên xác ve sầu là "đông trùng hạ thảo" bổ dưỡng, nhưng có thể khiến người ăn mất mạng.

Nhưng vụ ngộ độc nấm vừa xảy ra ở Lạng Sơn lại khá hy hữu khi người dân mua nấm ở chợ về nấu ăn và bị ngộ độc. Đây là ca bệnh thứ 2 tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bị ngộ độc nấm mua ở ngoài chợ trong thời gian vừa qua.

Mặc dù đã cảnh báo rất nhiều, song tình trạng ngộ độc nấm vẫn liên tục xảy ra. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám dốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, phần lớn là các ca nặng từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau, trong đó những loài có độc tố gây chết người như: Nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm).

Nấm độc mọc xen lẫn với nấm thường, trong khi đó nhiều loại nấm độc trông rất đẹp, có màu trắng, nhìn giống nấm bình thường. Nhiều người cho rằng, chỉ cần dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc nhìn các loại nấm “nếu côn trùng ăn được thì người ăn sẽ không ngộ độc”, song trên thực tế các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc đã từng cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm dù nấm đó đã bị kiến đục khoét và côn trùng ăn.

Để không xảy ra ngộ độc nấm, người dân cần phân biệt các loại nấm và cách nhận biết nấm độc, sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng. Nếu không biết cách phân biệt các loại nấm hoặc không biết rõ nguồn gốc thì không nên sử dụng.

Khi ăn phải nấm độc và thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tác giả: Tr.Hằng

Nguồn tin: cand.com.vn