Khắc phục tình trạng tóc rụng nhiều
- 17:15 25-06-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyên nhân khiến tóc gãy rụng và yếu
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet |
Tóc gãy rụng và yếu là nguyên nhân làm tăng số lượng tóc rụng mỗi ngày. Ngoài ra tình trạng này còn khiến mái tóc mất đi độ óng ả và mềm mượt.
Vì vậy khi nhận thấy tóc yếu, mỏng và dễ gãy rụng, bạn cần xác định nguyên nhân để có các biện pháp khắc phục phù hợp. Một số nguyên nhân phổ biến có thể khiến tóc yếu và gãy rụng, bao gồm:
Thường xuyên sử dụng nhiệt lên tóc
Các thiết bị làm tóc như máy sấy, máy kẹp, uốn,… có thể là nguyên nhân khiến tóc hư tổn, khô xơ và dễ gãy rụng. Nhiệt độ nóng từ những thiết bị này có thể làm mất lớp keratin bao phủ quanh tóc và khiến tóc giòn hơn bình thường
Nếu thường xuyên sử dụng các thiết bị nhiệt lên mái tóc, số lượng tóc rụng sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra thói quen này còn khiến phần chân tóc trở nên khô, chẻ ngọn và thiếu sức sống.
Cột hoặc búi tóc quá chặt
Cột và búi tóc chặt có thể kéo căng phần chân tóc khiến nang tóc bị tổn thương và suy yếu. Hơn nữa thói quen cột tóc thường xuyên còn khiến tóc bị gãy và tạo nếp gấp ở vị trí cột.
Gội đầu thường xuyên
Dầu gội đầu thường có chứa xà phòng nhằm làm sạch da đầu và loại bỏ bụi bẩn trên tóc. Vì vậy nếu gội đầu quá thường xuyên, tóc có thể bị khô xơ và dễ gãy rụng.
Thiếu chất dinh dưỡng
Vitamin B, sắt, vitamin C, collagen,… là các thành phần giúp duy trì độ chắc khỏe và óng ả cho mái tóc. Tuy nhiên khi bạn ăn uống thiếu chất, cơ thể sẽ không thể tổng hợp đủ nguồn dinh dưỡng để cung cấp cho tóc. Từ đó khiến nang tóc teo dần và gây ra tình trạng khô xơ, gãy rụng,…
Mất cân bằng hormone
Hormone testosterone (nam) và estrogen (nữ) không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý mà còn tác động đến sự phát triển của tuyến lông trên cơ thể. Việc hormone bị mất cân bằng có thể làm gián đoạn quá trình tổng hợp dinh dưỡng cho tóc và tăng nguy cơ gãy rụng.
Căng thẳng
Căng thẳng thần kinh gây áp lực lên vùng dưới đồi và hệ tuần hoàn trong cơ thể. Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể làm mất cân bằng hormone và giảm số lượng hồng cầu tuần hoàn đến các nang tóc. Những yếu tố này khiến chân tóc suy yếu, hư tổn và dễ xảy ra tình trạng tóc mỏng và khô xơ.
Ngủ không đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Nếu không ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày, các cơ quan sẽ có xu hướng mệt mỏi và hoạt động kém.
Vì vậy ngủ không đủ giấc có thể gây ra một số tình trạng như thiếu tập trung, căng thẳng, thiếu máu, mất cân bằng nội tiết và gãy rụng tóc.
Mắc một số bệnh lý toàn thân
Hội chứng rối loạn chán ăn tâm thần và suy giáp có thể là nguyên nhân khiến tóc gãy rụng và suy yếu. Suy giáp là tình trạng tuyến giáp suy giảm khả năng hoạt động. Vì vậy khi xảy ra bệnh lý này, nồng độ hormone do tuyến giáp sản sinh thường ít hơn bình thường. Từ đó khiến nồng độ nội tiết trong cơ thể mất ổn định và thiếu hụt.
Trong khi đó, chứng chán ăn tâm thần có thể khiến cơ thể suy dinh dưỡng và không có đủ dưỡng chất để đảm bảo sự phát triển của tóc.
Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, tình trạng tóc gãy rụng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như thường xuyên để tóc tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp, giảm cân đột ngột, ngủ khi tóc còn ướt, chải tóc mạnh, mắc các bệnh về da đầu, mang thai,…
Bí quyết giúp tóc mọc nhanh giảm gãy rụng
Tránh ăn kiêng nghiêm ngặt
Ăn kiêng nghiêm ngặt có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, có thể làm ảnh hưởng đến cả cấu trúc và sự phát triển của tóc.
Nghiên cứu cho thấy giảm cân đột ngột có thể gây ra rụng tóc tạm thời hoặc rụng tóc lan tỏa do thiếu niacin. Ngay cả sau khi quay trở lại chế độ ăn uống lành mạnh, tình trạng rụng tóc vẫn có thể tiếp diễn trong khoảng thời gian vài tháng sau đó.
Thử sử dụng các loại tinh dầu
Theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ, tinh dầu hương thảo khá hiệu quả để điều trị chứng hói đầu bằng cách kích thích khả năng mọc tóc. Ngoài ra, các loại tinh dầu khác như dầu sả, bạc hà và dầu hoa oải hương cũng cho thấy tiềm năng trong việc ngăn ngừa rụng tóc.
Hãy thử sử dụng 1-2 giọt tinh dầu, thoa lên da đầu kết hợp massage bằng ngón tay để giúp khuyến khích lưu lượng máu đến khu vực này, mang theo oxy và các chất dinh dưỡng có lợi cho tóc.
Chăm sóc tóc đúng cách
Việc chăm sóc tóc sai cách có thể khiến tóc khô xơ, dễ gãy rụng. Để ngăn điều này xảy ra, hãy lưu ý:
Sử dụng dầu gội đầu dịu nhẹ và tạo bọt trước khi thoa xà phòng lên da đầu.
Không dùng nước quá nóng để gội đầu.
Khi gội đầu, nên dùng phần thịt đầu ngón tay để massage và làm sạch da đầu, tránh gãi, chà xát có thể khiến da kích ứng.
Nếu có thể, nên hạn chế sử dụng máy sấy và để tóc khô tự nhiên.
Không buộc, búi hoặc tạo kiểu tóc quá chặt.
Tránh chải và duỗi tóc khi còn ướt vì lúc này tóc rất dễ gãy rụng.
Không đi ngủ khi tóc còn ướt vì có thể làm các sợi tóc yếu đi, dẫn đến gãy rụng.
Hạn chế hoặc giảm tần suất sử dụng các dụng cụ tạo kiểu tóc bằng nhiệt cao như máy uốn, ép tóc…
Nên sử dụng sản phẩm bảo vệ tóc trước khi tạo kiểu bằng nhiệt nhằm hình thành một hàng rào bảo vệ giúp ngăn ngừa sự mất độ ẩm, việc này có thể làm giảm đáng kể tóc gãy rụng.
Bổ sung các dưỡng chất cần thiết hỗ trợ tóc mọc nhanh
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet |
Không chỉ có vai trò đặc biệt đối với sức khỏe tổng thể, các vitamin, khoáng chất và axit béo cũng vô cùng quan trọng cho sự phát triển tối ưu của tóc. Các dưỡng chất này bao gồm biotin, vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm, sắt, omega-3, omega-6…
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2015 đã cho thấy việc bổ sung đầy đủ omega-3 và omega-6 trong 6 tháng có thể giúp giảm ngăn ngừa tóc gãy rụng hiệu quả ở phụ nữ.
Cắt tỉa tóc thường xuyên
Cắt tỉa tóc vài tháng một lần có thể giúp giữ cho tóc chắc khỏe hơn. Việc này sẽ loại bỏ các phần tóc bị chẻ ngọn, ngăn không cho chúng lan dài và gây gãy tóc làm tóc yếu đi.
Tuy nhiên việc này sẽ không làm cho tóc mọc nhanh hơn. Trung bình, tóc của bạn dài ra khoảng 1-1,5cm mỗi tháng.
Giảm căng thẳng
Nghiên cứu cho thấy căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến rụng tóc. Để duy trì sức khỏe tổng thể cũng như ngăn ngừa tóc rụng, bạn hãy:
Tập thể dục thường xuyên
Dành thời gian thư giãn, giải tỏa tâm trí bằng cách tắm nước ấm, nghe nhạc, thiền định, đọc sách, dạo bộ tại công viên…
Ngủ đủ giấc, từ 7 đến 9 giờ. Ngủ không đủ giấc làm giảm sản xuất melatonin, một loại hormone đóng vai trò điều chỉnh sự phát triển của tóc…
Bảo vệ tóc khi ngủ
Để giúp tóc chắc khỏe khi bạn đang ngủ, hãy thử những cách sau:
Đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc, từ 7 đến 9 giờ. Ngủ không đủ giấc làm giảm sản xuất melatonin, một loại hormone đóng vai trò điều chỉnh sự phát triển của tóc.
Sử dụng áo gối bằng lụa hoặc sa tanh để tránh ma sát và rối có thể gây gãy tóc, đặc biệt là nếu bạn có mái tóc dài.
Đừng đi ngủ với mái tóc ướt. Để tóc ướt có thể làm các sợi tóc của bạn yếu đi và có thể dẫn đến gãy hoặc xơ xác.
Tác giả: Bằng Lăng (TH)
Nguồn tin: tieudung.kinhtedothi.vn