Trẻ bị đánh phải đi viện, ban tổ chức khóa tu mùa hè nói gì?
- 14:04 17-06-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chùa Cự Đà, huyện Thanh Oai - Ảnh: DƯƠNG LIỄU |
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 17-6, trụ trì chùa Cự Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết nhà chùa đang phối hợp với chính quyền địa phương làm rõ sự việc. Khi có kết luận chính thức, nhà chùa sẽ thông tin. Tạm thời các khóa tu mùa hè sắp tới sẽ dừng lại.
Bị đánh nhưng phải nói là ngã?
Trước đó, phụ huynh N.N.G., Hà Nội, đăng lên mạng xã hội trường hợp con mình sau khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà.
Trong bài đăng, chị G. cho biết gia đình đăng ký khóa tu mùa hè 5 ngày cho con tại chùa Cự Đà để con trải nghiệm cùng các tu sinh khác.
Khóa tu con chị G. tham gia có gần 600 tu sinh từ 9-16 tuổi cả nam và nữ. Ban tổ chức dặn mang theo 6-8 bộ quần áo để thay, quy định không được liên lạc hay gọi điện thoại để các con khỏi nhớ nhà.
"Đến ngày thứ 5, tôi tới đón con thì sốc bởi nhìn con quần áo, người ngợm bẩn thỉu, hôi hám, chân tay muỗi đốt chi chít. Hỏi ra mới biết là ở chùa đông lắm, tắm sau là hết nước nên con không tắm được.
Khu vệ sinh tạm thường xuyên tắc bồn cầu bẩn lắm con không dám đi vệ sinh. Ngủ thì ngủ dưới nền đất trải chiếu, mấy hôm mưa gió ẩm thấp nhiều muỗi không ngủ được.
Đến chiều cùng ngày, tôi phát hiện tay trái của con sưng to chỗ khuỷu tay và tay cứ còng còng, tôi hỏi thì con mới nói thật là con ở chùa xô xát và bị bạn dùng ghế gỗ ngồi đập mạnh vào đầu và tay, nhưng các anh chị phụ trách bảo con không được nói bị đánh mà là bị ngã, nếu không nghe lời thì bị phạt quỳ 2 tiếng.
Sau đó ban tổ chức đưa con tôi đi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chụp phim. Dù con bị như vậy nhưng ban tổ chức không hề gọi điện thoại báo gia đình tiếng nào, kể cả khi ký nhận đón con thì lại tháo lẹo tay con ra coi như không có chuyện gì", chị G. viết.
Chị G. đưa con vào bệnh viện chụp X-quang thì bác sĩ kết luận bị om xương - Ảnh: Gia đình cung cấp |
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 17-6, chị G. cho biết khóa tu của con diễn ra từ ngày 12 đến 16-6.
Lúc đăng ký khóa tu, cô Thu trưởng ban tổ chức nói con sẽ được tu tập, học đạo hiếu với cha mẹ, học điều đúng sai, để con hiểu chuyện, thương cha mẹ hơn.
Phí "cúng dường" tùy tâm không bắt buộc, nhưng ít nhất 1 triệu. Nếu phụ huynh nào đóng 500.000 đồng thì phải trình bày hoàn cảnh khó khăn.
Do con bị bạn đánh phải đi viện mà ban tổ chức giấu đi, không cho gia đình biết, chị không đồng tình nên mới đăng bài viết lên mạng xã hội để cảnh báo các phụ huynh.
"Tôi mong muốn cảnh báo các phụ huynh khác vì khóa tu số 3 đã lên tới gần 500 phụ huynh đăng ký cho con tham gia. Tôi muốn phụ huynh biết và cân nhắc việc có cho con tiếp tục tham gia hay không.
Phụ huynh phải suy nghĩ thật kỹ, đừng vì suy nghĩ của người lớn mà áp đặt lên trẻ con. Bây giờ cứ nhắc đến chuyện khóa tu vừa qua là con tôi lại khóc vì tủi thân", chị G. chia sẻ.
Ban tổ chức khóa tu nói gì?
Khuôn viên sinh hoạt của các em nhỏ khi đến chùa Cự Đà tham gia khóa tu mùa hè - Ảnh: DƯƠNG LIỄU |
Sáng 17-6, ông Bùi Văn Sáng - chủ tịch UBND huyện Thanh Oai - cho Tuổi Trẻ Online biết huyện đã nắm được sự việc. Ngay trong sáng nay, huyện đã lập một tổ công tác làm việc với nhà chùa và chỉ đạo Hội Phật giáo huyện kiểm tra, báo cáo huyện.
Theo ghi nhận của chúng tôi sáng 17-6, tại chùa Cự Đà đã kết thúc khóa tu đã qua nhưng chưa có khóa mới. Trong buổi sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra của huyện Thanh Oai cũng đã có mặt tại chùa để làm rõ sự việc phụ huynh phản ảnh.
Ghi nhận ban đầu, các con có chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt riêng được bố trí trong khuôn viên của nhà chùa.
Bà Thu, trưởng ban tổ chức khóa tu mùa hè, cho biết nhà chùa đã tổ chức rất nhiều khóa tu mùa hè và đây không phải lần đầu tiên. Các cháu đến tham gia khóa tu đang trong độ tuổi hiếu động, thực sự không thể tránh khỏi việc các cháu xô xát với nhau.
“Bản thân tôi gần như ngày đêm không ngủ, đi kiểm tra xem các cháu hơi ho là tôi đã thấy lo, những cháu khóc đòi về nhà thì vỗ về, động viên các cháu, xem các cháu như con em trong gia đình.
Với trường hợp của cháu bé bị ngã, hôm cháu bị ngã cháu có kêu đau tay, ban tổ chức đã đưa cháu đi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để kiểm tra. Tất cả các kết quả không thấy tổn thương xương.
Các cháu trong quá trình chơi với nhau, xích mích với nhau, đấm nhau và xô nhau cái thì ngã, như vậy gọi là ngã.
Tôi nhận lỗi vì đã sơ ý. Tôi có bảo người đã mang cháu đi viện gọi điện cho gia đình nhưng người này không gọi, lẽ ra tôi phải là người thông báo trực tiếp cho gia đình. Thật sự tôi không nghĩ sự việc diễn ra đến mức độ như thế này”, bà Thu nói.
Gia đình ký cam kết "không làm khó" khi trẻ xây xát, chấn thương? Bà Thu cho biết thêm không có chuyện khóa tu 500-600 trẻ. Một khóa tu nhà chùa tổ chức chỉ giới hạn 300-400 trẻ để đảm bảo việc chăm sóc, giảng dạy cho trẻ. Bên cạnh đó, trong bản cam kết gửi trẻ cho khóa tu, ban tổ chức cũng nêu rõ điều khoản nếu không may trẻ có xây xát, chấn thương trong quá trình tu tập cũng mong gia đình thông cảm, không làm khó ban tổ chức. Gia đình cũng đã ký vào bản cam kết này. |
Tác giả: Dương Liễu - Nguyễn Hiền - Phạm Tuấn - Nguyên Bảo
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ