Phẫu thuật lấy khối thoát vị đĩa đệm giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng
- 15:54 15-06-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước đó, người bệnh thường xuyên lao động gắng sức, mang vật nặng. Khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, người bệnh đã điều trị nội khoa không cải thiện. Thời gian gần đây, người bệnh đau chân phải nhiều hơn, đi lại khó khăn.
Qua thăm khám và chụp cộng hưởng từ (MRI), Bác sĩ phát hiện có khối thoát vị đĩa đệm L5 – S1 lệch phải, chèn ép rễ thần kinh nặng. Người bệnh không có biểu hiện mất vững cột sống nên các Bác sĩ không bắt vít, chỉ lấy khối thoát vị đĩa đệm, giải phóng rễ thần kinh bị chèn ép. Việc can thiệp như vậy sẽ giữ được hệ thống tổ chức giải phẫu tự nhiên và giúp người bệnh phục hồi tốt hơn.
Cuộc mổ diễn ra thuận lợi trong khoảng 1 tiếng. Sau mổ ngày thứ 1, người bệnh cải thiện triệu chứng tê bì chân phải. Ngày thứ 3, người bệnh bắt đầu tập đi lại sau mổ. Ngày thứ 5, người bệnh hết đau tê chân phải, đi lại tốt và được ra viện.
|
Theo BS.CKI. Trần Thế Linh: Khối thoát vị gây chèn ép hoặc làm viêm dây thần kinh tạo nên cơn đau lan tỏa dọc theo vùng chi phối của dây thần kinh. Xuất phát từ đặc điểm này nên người bệnh bị thoát vị đĩa đệm ở lưng thường có các dấu hiệu như:
Đau cột sống thắt lưng: Có thể đau đột ngột, đau sau chấn thương hoặc đau xuất hiện từ từ. Người bệnh thường chỉ đau ở một số đốt sống nhất định, đau dữ dội hoặc âm ỉ. Hạn chế các động tác: Cúi người, ngửa người, nghiêng hoặc xoay cột sống.
Đau dây thần kinh: Đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, đau nhức buốt. Cơn đau gia tăng khi đi, đứng, vận động, ho hoặc hắt hơi và giảm khi nghỉ ngơi, cũng có thể bị đau liên tục ở mọi tư thế. Tê bì chân, dị cảm như kim châm, kiến bò hoặc mất cảm giác ở chân.
Một số trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng có thể gây hội chứng đuôi ngựa: Đau dữ dội vùng thắt lưng; rối loạn cảm giác, mất cảm giác hoặc đau kèm theo yếu liệt cơ thương ở cả hai chân; rối loạn đại tiểu tiện; mất cảm giác vùng chậu. Đây là một cấp cứu thần kinh cần được phát hiện và xử lý kịp thời.
Các bác sỹ tiến hành ca phẫu thuật lấy khối thoát vị cho bệnh nhân |
Với trường hợp này, khối thoát vị ở đĩa đệm L5 - S1 thường sẽ gây đau rễ S1 (đau mặt sau mông, đùi, cẳng chân) nhưng ở người bệnh này khối thoát vị di trú gây chèn rễ L5 (đau mặt bên ngoài đùi, cẳng chân). Vì vậy việc thăm khám kỹ, kết hợp chẩn đoán hình ảnh giúp Bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay ở nước ta chiếm tỉ lệ khá cao, có đến 30% dân số mắc phải căn bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20 - 55 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách gây tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động. Chính vì vậy, người bệnh cần phải nhận biết sớm các triệu chứng thoát vị đĩa đệm để có phương pháp chữa trị sớm và kịp thời, tránh để bệnh ngày càng nặng và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Tác giả: Kim Chung
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn