Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực thiếu đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp có vai trò xuất khẩu hàng đầu của Nghệ An, tạo việc làm cho nhiều lao động hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm,...

 

Theo thông tin phòng Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương Nghệ An, do lạm phát còn ở mức cao, khủng hoảng kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chủ lực đối với các sản phẩm công nghiệp của tỉnh Nghệ An nên chi tiêu mua sắm giảm; chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài… khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng, chi phí vận chuyển tăng ở mức cao làm cho chi phí sản xuất tăng lên đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Nghệ An những tháng đầu năm 2023.

Mấy năm gần đây, ngành dệt may, sản xuất linh kiện điện tử, gỗ dăm,…là một trong những mặt hàng đóng vai trò xuất khẩu đứng hàng đầu của tỉnh Nghệ An. Những mặt hàng này giữ vị trí trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu cao, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình lạm phát tăng, nhiều nước thắt chặt chi tiêu, đơn hàng khan hiếm,…nên các nhà máy sản xuất chỉ đạt được 70% công suất. Nhiều nhà máy đã phải cắt giảm lao động số lượng lớn.

Nhiều doanh nghiệp đóng vai trò xuất khẩu hàng đầu của Nghệ An đang đối mặt với nhiều khó khăn thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm,. ảnh H.T. 

Hiện các doanh nghiệp đang tích cực đàm phán với khách hàng để có nhiều đơn hàng, chủ động cắt giảm chi phí, tìm đơn hàng từ thị trường ngách, đổi mới sản phẩm. Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp tình hình mấy tháng tiếp theo vẫn đang còn khó khăn lớn.

Theo số liệu từ sở Công thương Nghệ An, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 180 triệu USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ (bằng 94,76% so với tháng 4/2023); lũy kế 5 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 892,3 triệu USD, giảm 3,1%/cùng kỳ.

Có khá nhiều doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An, có đơn hàng chủ yếu xuất sang Mỹ giảm mạnh như: Công ty May Minh Anh Đô Lương kim ngạch xuất khẩu giảm 57,4%, Minh Anh Kim Liên kim ngạch xuất khẩu giảm 43,4%, May An Hưng giảm 80,6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số doanh nghiệp dệt may có đơn hàng từ công ty mẹ chỉ định ở châu Á thì kim ngạch vẫn khá ổn định như May Kido Vinh, May An Nam Matsouka... Đối với riêng mặt hàng sợi, ngoài nhu cầu chung giảm, việc Trung Quốc mở cửa cũng mang lại những thách thức, khi doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa của họ sau một thời gian dài phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Nhiều nhà máy đã phải cắt giảm lao động với số lượng lớn như: TAAD, Nam Thuận, An Hưng, Woin Vina, Hoàng Thị Loan, Nhà máy sợi Vinh, Halotexco,…Theo dự báo sang tháng 6, tháng 7, tình hình có thể còn khó khăn hơn. Ông Trần Anh Long, đại diện công ty may KIDO cho biết, do chiến sự giữa Nga và Ukraine, tình hình lạm phát của nước Mỹ và trên toàn thế giới, nên sức tiêu thụ của các đơn hàng giảm đi, chất lượng đơn hàng càng ngày càng phải nâng cao. Trong lúc đó, do cạnh tranh để lấy đơn hàng nên các công ty lớn có nhiều lao động phải chấp nhận giảm đơn giá. Lạm phát khiến giá cả tăng cao, cộng thêm lãi suất ngân hàng tăng, doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào, trong lúc đơn hàng lại phải giảm giá, điều này gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may. Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và mời đối tác về kiểm tra lại các điều kiện để có thêm đơn hàng.

Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam chi nhánh tại Nghệ An, đóng tại khu C, Khu công nghiệp Nam Cấm (thuộc huyện Nghi Lộc) có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc chuyên sản xuất các giải pháp thiết bị tiêu dùng di động cho các hãng di động trên toàn cầu như Nokia, Samsung Electronics,… Tuy nhiên, kinh tế thế giới khó khăn khiến sức mua giảm mạnh, doanh nghiệp này đang trong bối cảnh khó khăn chồng chất. Phía đại diện Công ty BSE cho biết, đơn vị cấp hàng phá sản, đối tác ngừng đơn; nhiều đơn hàng cũ bị cắt giảm do thay đổi công nghệ sản phẩm... nên công ty đang chờ phía Samsung cấp phép phê duyệt model mới. Từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng hàng giảm 2/3; kéo theo đó, từ tháng 3/2023 có 320 công nhân (trong tổng số hơn 2.000 công nhân) đã nghỉ việc. Được biết, các nhà máy linh kiện điện tử BSE, Sangwo,… đều giảm sản lượng do công nghệ thay đổi phải trả lại đơn hàng và có 1 nhà máy của Em-Tech ngừng hoạt động.

Theo một số doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, đơn hàng xuất khẩu của tháng 5 đã có tín hiệu khả quan khi các khách hàng từ thị trường truyền thống tăng đặt hàng khoảng 5% so với tháng trước. Các doanh nghiệp vẫn đang tích cực đàm phán với khách hàng để có thêm nhiều đơn hàng. Đơn hàng tăng nhẹ, tuy nhiên, công suất các nhà xưởng hiện mới chỉ đạt 40 - 50%. Chủ động cắt giảm chi phí, tìm đơn hàng từ thị trường ngách, đổi mới sản phẩm, nhưng doanh nghiệp nhận định tình hình vẫn rất khó khăn.

Cùng với đó, mặt hàng thiết bị linh kiện điện tử giảm 26,8%; trong đó có 2 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong quý I là Công ty Merry&Luxshare Việt Nam (giảm 51,4%) do đơn hàng giảm mạnh (sản phẩm tai nghe điện thoại là mặt hàng không thiết yếu, thị trường xuất khẩu là Mỹ biến động mạnh nên đơn hàng giảm mạnh) và Công ty Emtech (giảm 89,7% vì đóng cửa nhà máy sản xuất ở Vinh Tân).

Sản phẩm ván gỗ MDF, ván ghép thanh giảm mạnh do Mỹ và các quốc gia châu Âu tiếp tục điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Sản xuất viên nén sinh khối một số nhà máy giảm, lượng tồn kho lớn do cạnh tranh gay gắt về giá xuất khẩu…

Theo nhận định của các doanh nghiệp tình hình mấy tháng tiếp vẫn đang khó khăn. ảnh H.T

Theo ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An, nguyên nhân dẫn đến sụt giảm linh kiện điện tử do tiến độ một số dự án chậm so với dự kiến: Dự án sản xuất linh kiện điện tử Goertek (giai đoạn 1) do thị trường khó khăn nên hiện tại mới sản xuất thử nghiệm ở quy mô nhỏ; Dự án sản xuất linh kiện điện từ và phụ tùng ô tô Juteng nhà đầu tư phải xin gia hạn tiến độ. Hay Nhà máy gỗ MDF Nghệ An, Nhà máy sản xuất giày dép Huali tiến độ chậm so với kế hoạch đăng ký; các nhà máy kính Phương Trúc, Koyu Textite phải điều chỉnh thủ tục phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy theo quy định mới nên chưa đi vào hoạt động...

Đề cập những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, phía sở đang định hướng phương án sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực theo kịch bản tăng trưởng. Ngành cũng chủ động làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu,… có các sản phẩm đầu ra phụ thuộc thị trường xuất khẩu gặp khó khăn trong tiêu thụ do đơn hàng giảm.

Theo ông Hoá, để giảm chi phí vận chuyển và khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đề nghị sớm thông qua chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò. Phía ngành Công thương cũng đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ như: Tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, tổ chức hội nghị gặp mặt tham tán thương mại một số thị trường mới; hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn thị trường nội địa… Cùng với đó, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, hỗ trợ các thủ tục xuất, nhập khẩu… để nâng cao năng lực sản xuất cho các nhà máy.

Tác giả: Minh Tâm - Hà Hằng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn