Rút tiền hàng loạt ở ngân hàng, khi nào Ngân hàng Nhà nước can thiệp?
- 07:59 05-06-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Rà soát quy định can thiệp sớm, luật hóa quy định về giám sát tăng cường trong trường hợp ngân hàng rơi vào khó khăn, nguy cơ đổ vỡ - Ảnh: N.PHƯỢNG |
Theo chương trình kỳ họp thứ 5, sáng mai 5-6, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và thảo luận tại tổ dự án luật này vào chiều cùng ngày.
Rà soát quy định về can thiệp sớm ngân hàng
Điểm mới đáng chú ý quy định trong dự thảo luật quy định về 6 trường hợp áp dụng “can thiệp sớm” tổ chức tín dụng.
Trong đó, ngoại trừ trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, sẽ quy định ba trường hợp tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài.
Đây là những ngân hàng không duy trì được tỉ lệ khả năng chi trả trong thời gian ba tháng liên tục; không duy trì được tỉ lệ an toàn vốn trong thời gian sáu tháng liên tục; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc “can thiệp sớm” là khi ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Do đó, cần rà soát các quy định can thiệp sớm phù hợp, luật hóa những trường hợp giám sát tăng cường cho đúng bản chất.
Một số ý kiến còn đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cũng như cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra các trường hợp trên mà chưa có các biện pháp xử lý kịp thời ngay từ đầu.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ về hai trường hợp: Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán và bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền, dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, không tự khắc phục được.
Đồng thời cần làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.
Giảm giới hạn cấp tín dụng để hạn chế sở hữu chéo hay làm khó tiếp cận vốn?
Điểm mới nữa trong dự thảo, đó là việc điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan.
Mức điều chỉnh này quy định không được vượt quá 15% và 25%, sẽ giảm xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Tương tự, tổng mức dư nợ cấp tín dụng với các khách hàng trên cũng giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
"Lý do giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng nhằm giảm mức độ tập trung rủi ro tín dụng và hạn chế sở hữu chéo", theo tờ trình của Chính phủ.
Chính phủ khẳng định: giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh. Ngược lại, cơ chế này giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.
Từ năm 2010 đến nay, vốn tự có của các tổ chức tín dụng đã tăng đáng kể (khối ngân hàng nhà nước tăng từ 6 đến 10 lần, khối ngân hàng thương mại tăng từ 3 đến 10 lần, khối tổ chức tín dụng nước ngoài/chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 2 đến 8 lần).
Có nghĩa, số dư nợ cấp tín dụng tuyệt đối cho một khách hàng hoặc khách hàng và người có liên quan cũng tăng rất nhiều nếu áp dụng theo luật hiện hành.
Tuy vậy khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi giới hạn này. Lý do là các doanh nghiệp đang rất thiếu vốn để phục hồi sau dịch COVID-19. Do đó, nếu giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn và chi phí vốn tăng cao.
Cơ quan thẩm tra còn lưu ý, định nghĩa về "người có liên quan" dự kiến sửa đổi theo hướng rộng hơn, tức là việc cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ bị thu hẹp lại. Ủy ban Kinh tế lo ngại rằng việc này có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.
Tác giả: Ngọc An
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ