Nhận 'quả đắng' vì cà phê giảm cân
- 07:24 02-06-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều loại cà phê giảm cân không rõ nguồn gốc - Ảnh: BSCC |
Suýt mất mạng
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết gần đây, ông đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân do sử dụng cà phê giảm cân không rõ nguồn gốc gây nên nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, sau đó để lại những di chứng suốt đời.
Đầu năm 2023, chị Ngọc Hà (35 tuổi, Hà Nội) sau khi sinh 2 em bé, cân nặng tăng từ 54kg lên 72kg khiến chị vô cùng stress. Tham khảo nhiều thực phẩm hỗ trợ giảm cân, cuối cùng chị chọn cà phê giảm cân trên mạng.
"Với quảng cáo là sau một liệu trình uống 1 tháng có thể giảm được 5-7kg làm tôi rất phấn khởi. Với tâm lý của một người đang nóng lòng giảm được cân, tôi đặt 2 hộp cà phê về sử dụng có giá 620.000 đồng" - chị Hà chia sẻ
Nhưng sau 2 tuần uống chị đã phải dừng vì không thể chịu đựng thêm được nữa. "Cổ lúc nào cũng khô khốc, miệng lưỡi đắng ngắt, tiêu chảy, thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng, mất ngủ triền miên, tim đập nhanh và chậm kinh nguyệt…" - chị Hà cho biết
Chị đi khám vì đã dừng cà phê nhưng vẫn mất ngủ liên tục, cơ thể suy kiệt và đau bụng triền miên. Kết quả ngoài 2 bệnh chị đã có trước là tiểu đường và hội chứng ngưng thở khi ngủ, sau uống cà phê chị được "khuyến mãi" thêm căn bệnh rối loạn tuần hoàn não và viêm dạ dày cấp.
Tương tự, cách đây 2 tháng, chị Hoài Thu (39 tuổi, Hải Dương) mua 1 hộp cà phê giảm cân được quảng cáo là có thành phần 100% thảo dược thiên nhiên nội địa Trung Quốc, với giá 700.000 đồng để uống. Sau gần 1 tháng chị Thu giảm được 5kg, nhưng sau đó là chuỗi ngày bi kịch.
Chị bắt đầu thấy buồn nôn, đầu óc choáng váng, nhiều khi đang làm việc ngất lịm giữa chừng. Tệ hại hơn, sau khi bắt đầu có những triệu chứng trên vài ngày, chị bắt đầu nôn ra máu, có lúc máu đen, có lúc máu tươi và gia đình đã đưa chị đi bệnh viện cấp cứu.
"Từ một người khỏe mạnh với trọng lượng 72kg, cao 1,59m, chị Thu sụt cân xuống dốc không phanh chỉ còn 42kg, cơ thể suy kiệt. Qua thăm khám, bệnh nhân đã bị xuất huyết dạ dày và thủng một mảng lớn bên phía bờ cong lớn, nên bắt buộc tôi phải tiến hành cắt bỏ toàn bộ dạ dày, sau đó nối tắt dạ dày. Sau 3 tháng điều trị tích cực, đến thời điểm hiện tại bệnh nhân mới dần trở lại được cuộc sống bình thường" - bác sĩ Tuấn chia sẻ về ca bệnh đặc biệt.
Đây là hai trong số hàng nghìn bệnh nhân gặp biến chứng do cà phê giảm cân gây ra chỉ vì tin vào quảng cáo trên mạng. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm các sản phẩm cà phê giảm cân trôi nổi trên thị trường hầu như không được kiểm chứng và cấp phép.
"Về nguyên tắc, cà phê tham gia và kích thích quá trình chuyển hóa, tiêu hao năng lượng cơ thể. Tuy nhiên, đóng góp này khá nhỏ, không có khả năng giảm cân nhanh và nhiều như những lời quảng cáo. Chính vì vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác với các thực phẩm được quảng cáo là giảm cân siêu tốc" - ông Tuấn nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trao đổi với bệnh nhân - Ảnh: HÀ LINH |
Hiểu đúng về cà phê giảm cân
PGS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh rằng việc sử dụng bất kỳ loại giảm cân nào cũng có thể có tác hại đối với sức khỏe. Vì vậy, trước khi sử dụng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm đó và tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cà phê giảm cân đang là một sự lựa chọn với nhiều chị em bởi chi phí rẻ, có thể tự thực hiện tại nhà không tốn quá nhiều thời gian, và theo lời quảng cáo trên mạng là "hiệu quả vượt trội". Theo ông Tuấn, các sản phẩm giảm cân có chứa sibutramin đã bị cấm sử dụng tại nhiều nước, nhưng vẫn có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng, có chứa sibutramin hoặc các chất gây hại khác.
Sibutramin là một loại thuốc giảm cân có tác dụng ức chế cảm giác thèm ăn và tăng cường sự bão hòa sau khi ăn. Thuốc này có thể làm giảm lượng thức ăn được tiêu thụ và tăng cường việc đốt cháy chất béo, giúp giảm cân hiệu quả.
Tuy nhiên, sibutramin có thể gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe nếu được sử dụng không đúng liều lượng hoặc lâu dài. Một số tác hại của sibutramin bao gồm: tăng huyết áp, mất ngủ, lo lắng, nhịp tim nhanh, đau đầu, co giật, nổi mẩn da, buồn nôn, nôn mửa, táo bón… và các biến chứng nguy hiểm khác.
"Về việc giảm cân, tốt nhất là tìm kiếm một chế độ ăn uống lành mạnh và chế độ tập luyện phù hợp để giảm cân một cách an toàn và hiệu quả. Nên tập trung vào việc ăn nhiều rau, trái cây, thực phẩm tươi sống, giảm thiểu đồ ăn nhanh, thức ăn có nhiều đường và chất béo. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên, đủ giấc ngủ và giảm căng thẳng cũng rất quan trọng đối với quá trình giảm cân. Nếu bạn cần hỗ trợ trong việc lập kế hoạch ăn uống và tập luyện, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng" - bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo. |
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ