Nếu giữ Quỹ bình ổn xăng dầu thì phải thực sự công khai, minh bạch
- 15:06 23-05-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách báo cáo trước Quốc hội sáng 23/5, có nêu rõ tồn tại, hạn chế, lãng phí trong tổ chức quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm được khắc phục.
Cụ thể là chậm rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý để quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước. Việc rà soát, sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 792 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa được quan tâm. Chưa đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Báo cáo thẩm tra đầy đủ dẫn kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế cho thấy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu do doanh nghiệp quản lý nhưng lại được trích lập và sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước; nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, không có cơ sở thuyết phục để quy định mức trích lập, mức chi cho từng sản phẩm xăng, dầu tại mỗi kỳ điều hành, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp.
“Việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn thiếu công khai, minh bạch, chưa chặt chẽ, rõ ràng; việc sử dụng Quỹ không đạt được các mục tiêu đề ra, chưa thể hiện đúng bản chất của Quỹ”, báo cáo thẩm tra chỉ ra.
|
Liên quan đến vấn đề này, bên hành lang Quốc hội sáng 23/5, ĐBQH Trần Văn Lâm - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đưa ra tại Kỳ họp thứ 5 đã được nghiên cứu, rà soát tiếp thu được toàn diện nhất các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, của tất cả các cơ quan tham gia ý kiến.
So với dự thảo trước, lần này Quốc hội đã rà soát kỹ đặc biệt các danh mục hàng hóa mà Nhà nước được định giá, danh mục Nhà nước bình ổn giá. Trên cơ sở các tiêu chí, nguyên tắc đặt ra trong dự thảo luật, tiến hành rà soát các luật khác liên quan đến giá cả của các mặt hàng, để có thể đưa vào, đưa ra. Danh sách đó đến thời điểm này đạt được sự thống nhất cao của các cơ quan liên quan.
Ông Lâm cho biết, Luật Giá sửa đổi lần này không quy định cụ thể phải lập quỹ bình ổn xăng dầu trong luật, chỉ đưa ra cơ sở pháp lý để Chính phủ có công cụ xác lập 1 quỹ bình ổn giá với mặt hàng cần bình ổn giá nếu thấy cần thiết.
Tức lập Quỹ bình ổn giá hay không thuộc thẩm quyền của Chính phủ và nguyên tắc là lập các quỹ bình ổn giá với mặt hàng nào thì cũng phải đảm bảo theo nguyên tắc: công khai, minh bạch, hiệu quả, điều tiết để đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp. Quản lý công khai minh bạch, không lợi dụng sang các mục tiêu khác.
Trong các công cụ quản lý giá có công cụ lập quỹ bình ổn, quỹ bình ổn không chỉ cho mỗi xăng dầu mà đối với bất cứ mặt hàng chiến lược nào cần thiết, thấy cần phải xác lập quỹ bình ổn thì Nhà nước có thể thành lập quỹ đó để điều tiết giá.
“Việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không, vào thời điểm này hay thời điểm khác, trong bao lâu hay như thế nào thì hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, luật đưa ra cơ sở pháp lý cho phép thành lập quỹ, cho phép điều chỉnh giá trong một số mặt hàng cần điều chỉnh giá. Đây là cung cấp cơ sở pháp lý và Quốc hội sẽ không bàn cụ thể lập quỹ nào”, ông Lâm cho hay.
ĐBQH Trần Văn Lâm cho biết, việc giữ Quỹ bình ổn xăng dầu phải thực sự thể hiện sự công khai, minh bạch. |
Ông Lâm cũng nhắc lại, thời gian vừa qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn khiếm khuyết trong quản lý điều hành, như tính công khai, minh bạch, nhiều người nghi ngờ lợi dụng quỹ này.
“Chúng ta phải làm sao công khai để mọi người dân tin tưởng yên tâm rằng quỹ này được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả, đó là trách nhiệm của Chính phủ. Do đó, thời gian tới nếu còn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì phải giải quyết những vấn đề đó”, ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại biểu, quỹ bình ổn giá chỉ có tác dụng điều tiết trong một biến động giá ở mức độ hợp lý nào đấy, phạm vi vừa phải thì sửa dụng công cụ quỹ bình ổn giá có hiệu quả. Nhưng khi biến động giá quá lớn như thực tế giá xăng dầu trong năm 2021 lên quá cao thì quỹ này hoàn toàn bị triệt tiêu tác động.
“Do vậy, chúng ta phải sử dụng kết hợp với nhiều công cụ khác như Chính phủ đã từng làm, đã báo cáo ra Quốc hội thời gian qua như: Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế VAT… rồi các biện pháp điều hành, điều tiết khác. Tuỳ bối cảnh hoàn cảnh mà chúng ta đưa ra các công cụ cho phù hợp để quản lý, điều tiết giá đạt được mục tiêu kiểm soát giá, kinh tế vĩ mô”, ông Lâm chỉ ra.
Về ý kiến cần có một quỹ tập trung, không phải giao cho từng doanh nghiệp quản lý mà có thể giao cho 1 cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công Thương hoặc Bộ Tài chính đứng ra quản lý để cho rõ ràng, minh bạch, ông Lâm cho đây là một ý kiến Chính phủ cũng cần phải xem xét nghiên cứu.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
Nguồn tin: nguoiduatin.vn