Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ sĩ Xuân Phong qua đời

Gia đình nghệ sĩ Xuân Phong báo tin, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 21 giờ 10 ngày 19-5 tại nhà riêng do bệnh già, thọ 94 tuổi.

 NSƯT Kim Tử Long và tác giả Xuân Phong

Nghệ sĩ Xuân Phong tên thật Nguyễn Xuân Phong, sinh năm 1930 tại Bến Tre. Ông là nghệ sĩ gắn bó Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ. Đơn vị của ông đi vào miền Trung phục vụ những cánh quân tập kết ra Bắc.

NSƯT Lê Thiện xúc động nhớ lại: "Ông là người chứng kiến tôi bước chân vào nghệ thuật từ năm 1955. Khi ấy, Đoàn văn công Nam Bộ đến diễn tại huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Đoàn cần một diễn viên nhỏ tham gia trong một vở kịch, thế là tôi được chọn. Ông là diễn viên của đoàn, gắn bó với tôi cho đến năm 1956 thì cùng về Đoàn Tổng cục chính trị, lúc chúng tôi ra Hà Nội. Ông sống chan hòa với mọi người, yêu thương đồng nghiệp và hết lòng vì sự nghiệp nghệ thuật sân khấu".

NSƯT Lê Thiện cho biết thêm sau khi rời Đoàn Tổng cục chính trị, ông vào chiến khu B ở miền Nam, tham gia ban văn nghệ chiến khu. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ông tham gia công tác hội, được bầu giữ chức vụ Chánh Văn phòng Hội Sân khấu TP HCM.

Trong quá trình lao động nghệ thuật, ông là một diễn viên kịch, tham gia nhiều tiểu phẩm có chủ đề chống quân xâm lược, như: "Không sợ lũ cướp", "Tiếng súng chính nghĩa", "Bà mẹ miền Nam", "Tiếng hát át tiếng bom thù"… Sau đó ông chuyển sang sáng tác kịch bản. 

Yêu quý bộ môn nghệ thuật cải lương, ông bắt đầu bén duyên với những tác phẩm sân khấu. Vận dụng giai điệu âm nhạc ngũ cung cộng với đề tài chiến tranh cách mạng, ông đã viết các kịch bản: "Ánh trăng soi bước" "Quyết chiến", "Không sợ giặc thù", "Hoàng hôn trên sông vàm", "Kẻ bán nước",… Kịch bản nổi tiếng nhất của ông là "Rạng ngọc Côn Sơn".

 NSƯT Kim Tử Long và Trinh Trinh trong vai Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, vở cải lương "Rạng ngọc Côn Sơn"

Tác phẩm này được giới chuyên môn đánh giá cao. Không chỉ minh họa lại lịch sử mà thông qua hình tượng Nguyễn Trãi, tác phẩm cảnh báo về nạn công thần, tài năng bị vùi dập, quan tham, nịnh thần và chống tham nhũng. Ông sáng tác kịch bản này năm 1981, được đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang, sau đó được nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa dàn dựng.

Sự ra đi của tác giả Xuân Phong để lại nhiều mất mát cho giới sân khấu. Ông là người đã truyền lửa yêu nghề cho thế hệ tác giả trẻ sáng tác kịch bản sử Việt thông qua kịch bản được xem là khuôn mẫu trong sáng tác, đó là "Rạng ngọc Côn Sơn".

Tang lễ của cố soạn giả Xuân Phong được tổ chức tại nhà riêng: 25 đường số 7 khu phố 5 – phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Lễ tẩn liệm lúc 11 giờ ngày 20-5, lễ viếng bắt đầu từ 14 giờ cùng ngày, lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 22-5 sau đó hỏa táng.

Tác giả: Thanh Hiệp

Nguồn tin: Báo Người Lao Động