Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Nắng nóng oi bức, người lớn sốc nhiệt, trẻ nhỏ nhập viện tăng cao

Tại Nghệ An, nắng nóng oi bức kéo dài nhiều ngày qua là một trong những nguyên nhân khiến người lớn sốc nhiệt, đột quỵ, trẻ nhỏ nhập viện tăng cao.

Những ngày gần đây tại Nghệ An xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận từ 40-42 độ C. Thời tiết nắng nóng khiến số trẻ nhỏ và người lớn tuổi phải đến bệnh viện khám và điều trị tăng cao.

Số bệnh nhi đến khám gia tăng, tập trung bệnh hô hấp, tiêu hóa

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, ghi nhận trong tháng 4 - 5/2023 số trẻ đến khám tăng đáng kể so với trước đó. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 500 - 700 bệnh nhân nhi đến khám, thậm chí có ngày đến 800-900 bệnh nhân, tăng so với cùng kỳ năm trước từ 10-20%.

 Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 500 - 700 bệnh nhân nhi đến khám

Tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An lúc này, số bệnh nhân điều trị vẫn thường dao động trên 130 người (số giường hiện có là 120 giường). Tuy nhiên, có thời điểm bệnh nhân nhập khoa lên đến 150-160 trẻ…

Chị Cao Diễm Ly (Diễn Châu, Nghệ An) đưa con gái 13 tháng tuổi tới Bệnh viện Sản Nhi khám. “Mấy ngày nay nắng nóng quá, cháu bị sốt, chảy nước mũi, quấy khóc. 2 vợ chồng đưa con xuống viện nhi tỉnh khám nhưng đông bệnh nhân quá nên cháu mới chỉ khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng phải đến chiều mới thực hiện được”, chị Ly nói.

Theo các bác sĩ Khoa Hô hấp: Nguyên nhân khiến bệnh nhân tăng là do sự thay đổi thời tiết đột ngột từ nắng nóng chuyển sang mưa và ngược lại khiến vi khuẩn, virus phát triển; cơ thể trẻ không kịp thích nghi nên dẫn đến viêm đường hô hấp, nhiễm trùng. Ngoài ra còn do việc sử dụng điều hoà nhiệt độ không đúng cách, ăn các thực phẩm lạnh cũng khiến trẻ mắc bệnh.

“Có 2 thời điểm “cao điểm” khám, chữa bệnh trong ngày nắng nóng đó là đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Ở 2 giờ cao điểm này, khoa chủ động bố trí tăng cường nhân lực, phòng khám để hỗ trợ cho bệnh nhân nhằm giúp bệnh nhân được khám sớm, về sớm, tránh nắng nóng cũng như được về trong ngày...", Bác sỹ Vương Thị Minh Nguyệt - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết.

Theo các bác sỹ, ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc một số bệnh liên quan đến tay chân miệng, thủy đậu; viêm da, chốc lở, ban dị ứng, sốt phát ban, sốt virus; các bệnh lý về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản; bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy ngộ độc thức ăn… Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến cho thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm phát tán mầm bệnh tiêu chảy làm cho các vấn đề tiêu hóa ở trẻ, đặc biệt là tiêu chảy cấp như viêm dạ dày ruột cấp trở nên nghiêm trọng hơn.

Vào thời điểm nắng nóng, việc phòng bệnh là hết sức quan trọng. Bác sĩ Bùi Anh Sơn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo: Vào mùa hè, các gia đình hạn chế cho trẻ ra ngoài đường, đến những nơi đông người, đeo khẩu trang khi đến địa điểm đông người; chú ý vệ sinh phòng bệnh; thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong ăn uống, cần cho trẻ ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn phù hợp; bổ sung nước, hoa quả cho trẻ; không để trẻ ăn đồ ăn lạnh vừa lấy trực tiếp từ tủ lạnh, tủ đá ra.

Người lớn sốc nhiệt, đổ bệnh do nắng nóng

Bác sĩ Đoàn Thị Quý - Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho biết, nắng nóng gay gắt khiến không chỉ trẻ em mà người lớn cũng đổ bệnh.

"Mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 10-12 bệnh nhân vào điều trị nội trú. Còn những lúc nắng nóng như thế này, số bệnh nhân nhập khoa tăng gấp đôi. Các bệnh nhân nhập khoa thường mắc các bệnh đường tiêu hoá, hô hấp, cúm mùa, Covid-19...", bác sĩ Quý chia sẻ.

 Nhiều trường hợp trẻ mắc chân tay miệng, thủy đậu cũng đã được ghi nhận

Cũng theo bác sĩ Quý, trời oi nóng khiến người bệnh dễ mất nước, mệt mỏi, thay đổi các thói quen sinh hoạt ăn uống, từ đó gây ảnh hưởng tới các bệnh lý nền sẵn có. Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng thích nghi kém với môi trường, vào những ngày nắng nóng không nên đi ra ngoài trời để đề phòng sốc nhiệt - say nắng… Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo: Để phòng bệnh mùa nắng nóng, người cao tuổi cần phải uống đủ nước, từ 1,5 lít nước/ngày trở lên, uống đều thời gian trong ngày, không nên chờ khi khát mới uống.

Người cao tuổi cần tránh ra ngoài trời nắng trong giờ “cao điểm” từ 10h đến 16h. Nếu nằm phòng điều hòa nên duy trì nhiệt độ từ 25 - 27 độ C. Mức nhiệt độ dùng không chênh lệch quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương